Xe cổ nối các vùng đất... cổ

28/12/2012 21:12 GMT+7

Có mặt ở Hội An trong đêm khai mạc Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản 2007 hay dừng chân ở Điện Bàn với hành trình “Tìm về cội nguồn Thanh Chiêm” và ngược về thánh địa Mỹ Sơn, tới đâu, đoàn xe cổ cũng được người dân và du khách chào đón nồng nhiệt: những cú lia máy, những ánh mắt trầm trồ, ngưỡng mộ, không ít người còn “vuốt ve” chúng một cách thích thú...

Có mặt ở Hội An trong đêm khai mạc Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản 2007 hay dừng chân ở Điện Bàn với hành trình “Tìm về cội nguồn Thanh Chiêm” và ngược về thánh địa Mỹ Sơn, tới đâu, đoàn xe cổ cũng được người dân và du khách chào đón nồng nhiệt: những cú lia máy, những ánh mắt trầm trồ, ngưỡng mộ, không ít người còn “vuốt ve” chúng một cách thích thú...

Đến với lễ hội lần này, hơn 200 chiếc xe cổ thuộc các chủng loại khác nhau: Veb Salex, Mobylette, Vespa, Acma, Stadard, Super... từ thập niên 1920 đến 1960, và từ những tỉnh thành khác nhau: Hà Nội, Nghệ An, Đà Lạt, TP.HCM... Anh Nguyễn Đức Cảnh, thuộc đoàn Vespa Đà Lạt, không khỏi xúc động trước tình cảm nồng nhiệt của bà con, du khách. “Mình đi tham gia nhiều nơi nhưng có lẽ chưa lần nào ấn tượng như dịp này”, anh tâm sự.

Với anh, lễ hội xe cổ chính là nhịp cầu nối giữa các vùng văn hóa, giúp họ hiểu biết hơn về những vùng đất mới và theo đó cũng có thể thu hút sự quan tâm chú ý của mọi người. Theo anh Thành Thiên, trưởng đoàn xe cổ, đến với lễ hội Quảng Nam lần này là “cuộc hành trình đầy ý nghĩa không chỉ bởi cảm xúc trở về quê hương mà tôi còn vinh dự giới thiệu với mọi người những truyền thống văn hóa, sản xuất của người dân quê mình. Với tôi, hiểu biết về nhau là điều kiện để mọi người xích lại gần nhau”. Anh dự định sau dịp lễ hội này sẽ thành lập đội xe cổ trên cả nước và có những hoạt động bổ ích khác.

 
Đoàn xe cổ về Thanh Chiêm, Điện Phương, Điện Bàn - Ảnh: N.X.H


Cũng vì “niềm đam mê văn hóa giữa các vùng đất”, anh Đỗ Phú Thiên cùng đoàn xe Vespa Đà Lạt với 20 thành viên đã vượt hơn 800km để có mặt trong dịp lễ hội. Đoàn Đà Lạt có khoảng 100 chiếc xe cổ, lần này, chắc chỉ “bốc” ra những chiếc độc nhất. Trong đó, chiếc xe do anh Phú Thiên sở hữu được giới xe cổ bình chọn là “độc” hơn cả. “Tình yêu quê hương và mong muốn giới thiệu mảnh đất mình với mọi người đã giúp tôi có ý tưởng này”, anh giải thích. Luôn kiêu hãnh đi đầu trong đoàn xe, chiếc xe ra đời hơn nửa thế kỷ (1953) được anh “săn” về và "hóa thân” cho nó từ vỏ thông cùng lan rừng. Bởi lẽ, “thông và lan rừng chính là đặc trưng của thành phố ngàn thông Đà Lạt, mình muốn qua đó mọi người càng yêu mến quê hương hơn”.

Nổi bật không kém là chiếc xe mạ đồng của anh Lê Huy Cường, và “vỏ gỗ” của anh Điền... những ý tưởng độc đáo đã thực sự đem đến cho du khách một cái nhìn ấn tượng về lễ hội và hành trình văn hóa theo những vòng xe. Anh Nguyễn Duy Hiếu, du khách Hà Nội đã nói: “Lần đầu tiên được chứng kiến đoàn xe cổ thật lạ và vui mắt, nó đã thu hút tôi và cứ thế tôi theo cùng đoàn xe suốt cuộc hành trình. Tôi biết hơn về những vùng quê khác một phần qua những chiếc xe cổ này. Thật thú vị!”.

Nguyễn Xuân Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.