Andromake của Jon Fosse dựa trên tác phẩm Andromaque của Racine là một kịch bản khó. Vì thế, trong đêm diễn 14.12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam mới dừng ở mức... trả bài.
Andromake là câu chuyện về những người tình rượt đuổi người tình trong chiến tranh. Oreste yêu Hermione, nàng lại theo đuổi Pyrrhus, chàng trai này lại yêu Andromaque - người chỉ yêu con trai mình và người chồng Hector đã quá cố. Đứa trẻ bị lôi ra làm sức ép để Andromaque phải cưới Pyrrhus, nếu không sẽ bị giết.
Sân khấu được thiết kế hoàn toàn khác lạ so với sự ước lệ thường thấy của sân khấu Việt. Những tầng mành mỏng treo rủ xuống khiến sâu khấu lần lượt có thêm độ sâu, sự tái hiện của những lối rẽ tâm trạng.
|
Hai màn hình được đặt trên sân khấu. Một để đặc tả những cử động vô tư của cậu bé con trai Hector mặc những tình huống kịch khác diễn ra bên cạnh. Một để cận cảnh khuôn mặt của nhân vật cần đặc tả. Màn hình này mang đến những hình ảnh khá đặc biệt. Một cái trán to khác thường, một đôi mắt căng cứng, những nếp nhăn rền rĩ khi nhân vật ta thán. Chưa kể, còn một màn hình phụ trên cao để bắn phụ đề. Những thiết bị này đều được mang từ Pháp sang.
Đặc biệt, các nhân vật ngồi trên những chiếc ghế được thiết kế gần như những con xe, còn cả sân khấu là một bàn cờ vua. Họ đi lại hoặc thẳng, hoặc chéo như những quân cờ. Điều này giữ đúng tinh thần Racine của vở kịch - cuộc đời đúng là một bàn cờ vĩ đại, và chiến thắng chỉ đến khi người ta sống lý trí, quên đi những dục vọng của bản thân.
Vai diễn nặng nhất trong số các diễn viên Việt là Pyrrhus của Vĩnh Xương. Các diễn viên còn lại lần lượt đóng những thị nữ tâm phúc, cậu bạn thân ít ảnh hưởng. Nhưng có lẽ họ cũng chỉ tạm hài lòng với thể hiện của mình, đặc biệt là đài từ. Tiếng nói của diễn viên Việt quá nhỏ và đơn điệu, thậm chí “vỡ giọng” nếu so với chất giọng dày của các diễn viên Pháp.
Chưa kể, Vĩnh Xương quá lành để thể hiện sự dữ dội, hấp dẫn, si mê của nhân vật Pyrrhus, diễn viên đã “giết” luôn sự oái oăm, giằng xé của những cuộc tình rượt đuổi trong vở. “Ta đã muốn nghênh đón em trong tư cách là hoàng hậu. Và cho đến hôm nay ta đã tin là lời thề nguyện của ta mạnh hơn tình yêu. Nhưng tình yêu ấy đã tỏ ra mạnh hơn. Andromaque ngự trị trái tim ta, nàng miệt thị ta, tuy nhiên nàng thề rằng sẽ thuộc về ta cho đến chết”. Một cuộc rượt đuổi mà ai nấy đều cay đắng như thế nhưng qua diễn xuất của Vĩnh Xương nó chỉ còn là sự thanh minh quanh co. Chưa kể, anh cũng không có đủ sự duyên dáng, vẻ đẹp sáng sân khấu để khán giả thấy rằng, anh chàng này hấp dẫn đáng để ai đó yêu đơn phương.
Được dàn dựng ít cảnh dùng đến ngôn ngữ hình thể, những xung đột của vở kịch chỉ thể hiện chủ yếu qua đài từ. Những khán giả Việt không rành tiếng Pháp tương đối thiệt thòi khi phải phân tâm đọc phụ đề. Chính vì thế, phần lớn họ hài lòng nhất với thiết kế mỹ thuật của vở. Còn với khán giả Pháp, vở diễn sẽ dễ theo dõi hơn bởi những đoạn thoại hay đều được diễn bằng tiếng Pháp. Vì vậy, hầu hết họ đều cảm thấy hài lòng.
Dự kiến vở diễn sẽ được đem sang biểu diễn tại Pháp vào năm 2012.
Ngô An
Bình luận (0)