Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa

Lưu Quang Phổ
Lưu Quang Phổ
04/12/2023 20:03 GMT+7

Đi trên phố Đặng Tiến Đông, gần gò Đống Đa (P.Trung Liệt, Q.Đống Đa, Hà Nội), có thể thấy một ngôi nhà gắn tấm biển nhỏ ghi dòng chữ: "Ký ức nhiếp ảnh", gọi số điện thoại trên cổng, ta có thể được mời vào xem một bảo tàng máy ảnh khá đặc biệt với những chiếc máy ảnh liên quan nhiều nhân vật, sự kiện nổi tiếng.

Ngôi nhà ấy là của ông Phạm Công Thắng, năm nay 70 tuổi, quê gốc Thừa Thiên - Huế nhưng sinh ở Thanh Hóa, từng làm ở công ty nhiếp ảnh trước khi trở thành nhà báo và nghệ sĩ nhiếp ảnh. Cách đây vài năm, ông nảy ra ý định sưu tầm những chiếc máy ảnh cũ của bạn bè, đồng nghiệp để làm một trưng bày cá nhân, nay được nhiều người gọi là bảo tàng máy ảnh.

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 1.

Chủ nhân của bảo tàng, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Phạm Công Thắng và chiếc máy ảnh cổ đóng bằng gỗ, lắp ống kính Đức hiệu Schneider - Kreuznach. Theo lời giới thiệu, chiếc máy được một nhà sáng chế người Hoa là Tô Viên Ký chế tạo tại Sài Gòn. Năm 1950, một quan ba Pháp đóng đồn tại Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) đã mua máy này về chụp ảnh cho binh lính. Sau 1954, máy được người giữ kho trong đồn lưu giữ. Tháng 6.2023, gia đình người này tặng lại cho nhà nhiếp ảnh Đặng Ngọc Thái (Hà Nội), ông Thái sau đó tặng lại cho bảo tàng của ông Thắng

LQP

Quảng giao, chụp ảnh đẹp, từng là chủ hiệu lab làm ảnh, lại viết văn hay, hát tốt và được bạn bè yêu mến nên ngay khi khởi xướng, ý tưởng sưu tập máy ảnh của ông Thắng được nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo hưởng ứng và gửi đến những hiện vật quý. Nhiều người chỉ biết đến ông qua mạng cũng mau mắn gửi đến những chiếc máy ảnh của cá nhân, có người mang tiền đến tặng, có người chuyển khoản để ủng hộ.

Chỉ sau một thời gian ngắn, bảo tàng máy ảnh của Phạm Công Thắng đã có đến cả nghìn hiện vật, trong đó có khoảng 400 máy ảnh, cùng máy phóng, chân máy, sách, ảnh. Nhiều hiện vật trong bảo tàng không còn hoạt động, do "tuổi" đã quá cao, nhưng chúng vẫn đặc biệt vì từng chụp ra những bức ảnh nổi tiếng hoặc gắn liền với tên tuổi của người sở hữu.

Đó là khoảng 300 nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, có nhiều người nổi tiếng như Triệu Đại (cố nhiếp ảnh gia đã chụp bức ảnh Phất cờ trên nóc hầm De Casteris trong chiến thắng Điện Biên Phủ), Nick Ut (tác giả bức ảnh Em bé napalm nổi tiếng thế giới), Trần Mai Hưởng (tác giả bức ảnh xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc lập ngày 30.4.1975), Chu Chí Thành (người chụp bộ ảnh trao trả tù binh ở Quảng Trị năm 1973 và nhiều ảnh chiến trường và vừa được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật)…

Phạm Công Thắng cho biết, để bảo quản rất nhiều hiện vật ông đã phải liên tục thiết kế lại các tủ, giá và các bảng giới thiệu một cách trang trọng. Dù tốn kém, nhưng ông vẫn quyết tâm xây dựng bộ sưu tập này cho đời sau và khẳng định con gái của mình sẽ là người kế tục.

Hãy cùng ngắm những chiếc máy ảnh đặc biệt trong bảo tàng máy ảnh của Phạm Công Thắng:

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 2.

Chiếc máy quay phim hiệu Bell & Howell của Mỹ, sản xuất vào những năm 1930, được ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Chủ nhiệm chương trình phát thanh Câu lạc bộ những người cao tuổi của Đài Tiếng nói Việt Nam, tặng. Ông Tùng cho biết đã thừa hưởng chiếc máy từ ông Việt Hùng, một trong những cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp. Khi chuyển giao cho ông Tùng, ông Hùng tiết lộ chiếc máy vốn là của một sĩ quan Mỹ từng nhảy dù xuống Việt Bắc để hỗ trợ Việt Minh. Khi đến ông Việt Hùng quản lý, chiếc máy từng quay một số đoạn phim về chiến dịch Thu Đông 1947 cũng như một số hình ảnh về Bác Hồ trong chiến dịch Biên Giới 1950

LQP

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 3.

Máy ảnh kỹ thuật số Nikon D200 của ông Trần Lam, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Là nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng, ông Trần Lam đã dùng thiết bị này để chụp bức ảnh Lăng Bác với tựa đề Mặt trời trong Lăng sáng tỏa, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký lưu bút và một doanh nghiệp đã mua với giá 1 triệu USD. Số tiền này ông Trần Lam dùng để thực hiện 500 ca phẫu thuật cho trẻ em bị bệnh tim

LQP

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 4.

Máy ảnh Pentax của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng, nguyên chuyên viên Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư. Ông Hoàng Kim Đáng đã dùng máy này để chụp những nhân vật lịch sử, những người nổi tiếng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh…

LQP

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 5.

Chiếc máy ảnh Đức chụp phim cỡ trung (6 x 6 cm) hiệu Rolleicord của nghệ sĩ nhiếp ảnh Bằng Lâm, nguyên cán bộ Bộ Tư lệnh Hải quân. Ông Lâm đã mang máy này đến quần đảo Trường Sa 8 lần và ghi lại nhiều hình ảnh có giá trị tư liệu, nghệ thuật.

LQP

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 6.

Hai chiếc máy ảnh Pentax và Epson là hiện vật của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng thế giới Nick Ut. Ông Út cho biết, chiếc Pentax (bên trái) là máy ảnh đầu tiên ông dùng khi làm việc cho hãng tin Mỹ AP, năm 1966, tại Sài Gòn

LQP

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 7.

Máy ảnh Voigtlander (giữa) của Đức, sản xuất những năm 1950 của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Minh Đạo, một trong những phóng viên gạo cội của Thông tấn xã Việt Nam. Ông Ngô Minh Đạo là người từng chụp các nhà lãnh đạo Lê Duẩn, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt... cũng như từng xác lập kỷ lục về chụp ảnh từ máy bay ở Việt Nam.

LQP

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 8.

Chiếc máy ảnh cổ hiệu Polaroid (Mỹ) của nhà biên kịch Lê Nguyên Sinh (Hà Nội), người đã biên tập các phim Cánh đồng hoang, Về nơi gió cát… Con trai ông, họa sĩ nổi tiếng Lê Thiết Cương đã gửi chiếc máy này đến tặng khi biết ông Phạm Công Thắng mở bảo tàng.

LQP

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 9.

Máy ảnh Praktica sản xuất tại Đông Đức, của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân sử dụng thập niên 1990. Đây "cũng là phương tiện nuôi sống gia đình bằng nghề chụp ảnh dịch vụ trong những năm cuộc sống còn khó khăn" ở TP.HCM, ông Hoàng Thạch Vân lưu bút. Nghệ sĩ nhiếp ảnh này từ trần tháng 6 vừa qua, khi đang là Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, để lại tiếc thương trong đồng nghiệp

LQP

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 10.

Các hiện vật của một Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khác, ông Hồ Sỹ Minh. Đó là các máy ảnh Nikon, Canon "gắn liền với một giai đoạn làm báo và sáng tác ảnh nghệ thuật với nhiều cảm xúc" của chủ nhân.

LQP

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 11.

Còn đây là chiếc máy ảnh kỹ thuật số "khủng" một thời (Canon EOS 1D mark III, có giá gần 7.000 USD vào năm 2007) của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Ngọc Thái. Là một nhà nhiếp ảnh Hà Nội lịch lãm, ông Thái luôn dùng những chiếc máy ảnh tốt nhất để chụp ra những bức ảnh hoàn hảo.

LQP

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 12.

Cũng lịch lãm và "sang chảnh" như Đặng Ngọc Thái, nhưng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hoài Linh (đang sống tại Lâm Đồng) gửi đến chiếc máy cổ Nikon F "của những ngày đầu đưa tôi bước chân vào nghiệp nhiếp ảnh với những khát khao cháy bỏng". Nikon F ra đời từ năm 1959 và đi vào lịch sử nhiếp ảnh khi đã làm nên tên tuổi của hãng máy ảnh Nhật Bản Nikon trong chiến tranh Việt Nam.

LQP

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 13.

Một chiếc Nikon khác với tên thương mại Nikkormat, hiện vật của nhà báo Trung Hiền. Là thành viên ban tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu Việt Nam của Báo Tiền Phong, ông Hiền đã dùng máy này chụp rất nhiều thí sinh hoa hậu từ năm 1990 đến 2014, nhiều người trong đó đã trở thành hoa hậu Việt Nam.

LQP

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 14.

Chiếc Nikon F801s của nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh nude Nguyễn Thái Phiên (TP.HCM). Theo ông Phiên, chiếc máy này đã chụp nhiều người mẫu khỏa thân, nhiều tác phẩm đã in trong sách ảnh nude Miền cổ tích. Nikon F801s là chiếc máy lên phim tự động sản xuất từ năm 1988 và được nhiều người chụp ảnh Việt Nam ưa chuộng. Trong ảnh, máy gắn ống kính Tamron, một hãng sản xuất ống kính cũng rất nổi tiếng của Nhật Bản.

LQP

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 15.

Gây chú ý đặc biệt là chiếc máy ảnh Zenit gắn kèm ống kính tele Tair 300 mm nom như một khẩu súng. Hệ thống này được sản xuất ở Liên Xô cuối những năm 1960, người chụp có thể cầm máy như cầm súng với báng tì vào vai cho khỏi rung và bóp cò để chụp như bắn súng. Ông Thắng đã mua bộ máy này của nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu phê bình lý luận nhiếp ảnh Vũ Huyến (nguyên Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) khi ông Huyến mang về từ Liên Xô. Sau khi dùng tác nghiệp trong nhiều năm, nay ông Thắng đưa "súng" vào bảo tàng.

LQP

Xem bảo tàng máy ảnh lạ bên gò Đống Đa - Ảnh 16.

Ngoài rất nhiều loại đèn, chân máy, vỏ máy, thiết bị tráng phim, làm ảnh, trong bảo tàng máy ảnh của ông Thắng còn có rất nhiều sách, ảnh của các nhà nhiếp ảnh hiến tặng

LQP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.