Không phải lần đầu đi xem đua xe, nhưng World Superbike Silverstone - giải mô tô 1.000 phân khối - đã để lại trong tôi ấn tượng đặc biệt.
Khán giả cũng thần kinh thép
Tôi đã từng xem Rally lần đầu tiên vào năm 1996. Khi ấy Rally là môn thể thao đang phát triển với hình thức đua xe băng đồng, chạy theo từng chặng trong 3 ngày rồi cộng điểm để tính thành tích. Xem Rally lúc đó không tập trung do phải di chuyển nhiều, chủ yếu được xe BTC đưa băng qua nhiều đoạn đường lầy chạy đón đầu để tìm góc nhìn thú vị nhất. Chính vì vậy nét đọng lại của cuộc đua này là cảm giác rờn rợn khi ngồi cùng với những tay lái cừ khôi như Colin Mc Rae hay Pierro Letti chạy thử một vòng, lúc ngoặt cua hay vào những đoạn dốc.
|
Đến khi xem đua thể thức 1 trên các đường đua Sepang (Malaysia), Nuremberg (Đức), dù đến trực tiếp tại sân nhưng hiếm ai trong cánh báo chí VN có thể ngồi lâu ở một góc khuất nào đó để săn ảnh mà thường chỉ tranh thủ chụp lúc xuất phát hoặc trao giải. Bởi chỉ riêng tiếng gầm rú của động cơ các xe đua cũng đủ đinh tai nhức óc lắm rồi. Vậy mà các giải này khán giả luôn chật như nêm, nhất là F1 bao giờ cũng ken đầy khán đài với người đông như trẩy hội. Nhiều lúc tôi tự hỏi chắc thần kinh của họ bằng thép nên mới ngồi hơn 3 tiếng đồng hồ ngoài trời mà không có dụng cụ che chắn âm thanh nào, sao lại chịu nổi?
Nhưng khi đến đường đua Silverstone ở nước Anh cuối tuần qua, tôi mới cảm nhận khán giả ham mê tốc độ trên thế giới quả thật quá đông. Chỗ nào cũng dày người dù bất cứ đó là giải nào, miễn là chỉ cần tiếng rú của xe, tiếng rít của máy vang lên từng chập và từng con xe đeo bám nhau sát rạt với những cú nghiêng rạp người sát với mặt đất nhưng vẫn giữ tốc độ kinh hồn trên đường đua. World Superbike (WSBK) quả thật đầy lôi cuốn. Trước hết vì xe dùng để đua hầu hết đều là xe chế tạo lại từ dòng xe đã bán trên thị trường và được khán giả ưa chuộng. Các xe này có cấu trúc rất phù hợp cách chạy, cách nhấn nhả ga linh hoạt với từng thao tác gọn gàng trên đường đua. Hơn nữa, trình độ suýt soát nhau giữa các tay đua, không có sự chênh lệch đẳng cấp nào đáng kể khiến WSBK luôn tỏ ra mạnh mẽ, hào hứng với sự bứt phá ngoạn mục và đầy hấp dẫn trên mỗi vòng của hơn 100 km đường đua (18 vòng x 5,9 km/vòng).
Do vậy, dù cuộc đua với 2 chặng cộng tính điểm bắt đầu từ 12 giờ trưa rồi 3 giờ rưỡi chiều (giờ của Anh) nhưng mới 8 giờ sáng, các loại xe từ mọi miền nước Anh đổ về Silverstone đến chóng mặt. Trên đường đến sân thi đấu, chúng tôi đã thấy lượng xe hơi rất đông, nhưng càng bất ngờ hơn khi có hẳn 2 bãi xe đầy nghẹt những chiếc xe gắn máy, trong đó có cả những chiếc tương tự dòng xe của WSBK lên đến hơn 3.000 chiếc.
|
Xe tốt cần tay đua tốt
Trong những cuộc đua mà chúng tôi từng xem, mà mới nhất là WSBK, có một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Có những loại xe của các đội đua rất tốt, nhưng họ lại luôn không gặp may trên đường đua khi gặp những sự cố bất ngờ hay chỉ về đích với thứ hạng khiêm tốn. Như sự kết hợp giữa hãng xe Honda và dầu nhớt Castrol cho đội đua rất hoàn hảo khi một bên cung cấp máy móc, trang thiết bị, một bên tạo thêm động lực và tiếp thêm sức mạnh cho đội đua bằng dòng sản phẩm Castrol Power 1 mới. Nhưng để có thành tích lại phụ thuộc ít nhiều vào người cầm lái. Trước cuộc đua phân hạng vào một ngày trước cuộc đua chính, không may cho đội Castrol Honda khi người từng đoạt hạng tư chung cuộc WSBK năm rồi là Jonathan Rea lại bị chấn thương. Anh tỏ ra rất buồn vì sự vắng mặt vào giờ chót này khiến trách nhiệm dồn lên vai 2 đồng đội trẻ. Dù cả 2 “kép phụ” này tỏ ra rất quyết tâm trong cuộc họp báo chỉ vài phút trước khi xuất phát nhưng khi 2 cái tên Alex Lowes và Ruben Xaus được xướng lên, khán giả đã ồ lên tiếc rẻ.
Thực tế, cuộc đua hơn thua nhau không phải chỉ là xe tốt mà cái chính phải có người lái tốt, không chỉ ổn định về tâm lý mà cần phải có kinh nghiệm trên đường đua. Sở dĩ Max Biaggi hay Carlos Checa vẫn nhỉnh hơn một chút so với các tay đua khác không phải loại xe Ducati hay Asprilla của họ tốt hơn những Yamaha, Honda hay Suzuki, mà quan trọng là họ rất tỉnh táo và có chiến thuật hợp lý trên đường đua. Như Checa, xuất phát ở vị trí thứ tư sau John Hopkin, Marco Melandri và Eugene Laverty nhưng đã âm thầm vận dụng sở trường bứt tốc ở cua gắt và biết vượt lên đúng thời điểm để tạo khoảng cách và chiến thắng. Chính ông Gianluigi Zoli, người phụ trách kỹ thuật của đội đua Castrol Honda phải nhìn nhận: nếu có một tay đua mạnh đầu quân dể chia sẻ bớt gánh nặng cho Rea, thì những vòng đua WSBK năm tới không còn lo ngay ngáy về thành tích nữa.
Xem đua xe ở Anh quả thật rất thú vị. Nhìn dòng người đến đầy khán đài rồi trật tự hòa mình vào cuộc đua một cách chuyên nghiệp, say sưa chứng kiến từng chiếc xe nối nhau gầm rú trên đường đua, chợt nghĩ không biết đến bao giờ VN mới có đường đua và cách làm tương tự. Bởi chúng ta vẫn chỉ có những vòng đua trong sân bóng không có độ an toàn nên rất nguy hiểm cho các tay đua.
Quang Tuyến
Bình luận (0)