Đã lâu lắm rồi, sân vận động Quy Nhơn mới nhộn nhịp trở lại khi đăng cai vòng chung kết giải U.19 quốc gia. Dĩ nhiên, khán giả ở một giải trẻ không thể sánh bằng những lần Quy Nhơn vỡ sân như nhiều mùa giải đội lớn Bình Định đá giải đội mạnh hay V-League sau này. Nhưng ở giải U.19 bất kể có đội nhà thi đấu hay không, khán đài A vẫn luôn kín người xem cũng đủ làm ấm lòng các nhà tổ chức.
Anh Trọng Quý kể lại với tôi về hai trận đấu của đội nhà Bình Định đúng nghĩa vỡ sân, một là trận chung kết giải A1 giữa Quảng Nam Đà Nẵng với CLB Quân Đội (sau đổi tên là Thể Công) năm 1987; hai là trận cuối giải hạng nhất 2001 Bình Định vùi dập An Giang 9-2 để lên hạng.
tin liên quan
Nhiều tên tuổi một thời của bóng đá Bình Định đồng loạt tái xuấtTrong khuôn khổ vòng chung kết giải bóng đá U.19 Quốc gia năm 2017 vào lúc 16 giờ 30 ngày 27.3 (đúng ngày Thể thao Việt Nam) trên sân vận động Quy Nhơn sẽ diễn ra trận đấu giao hữu giữa đội Liên quân HLV - Giám sát - Báo chí - Trọng tài đang làm nhiệm vụ tại giải (gọi tắt là Liên quân) gặp đội cựu tuyển thủ Bình Định.
1. Trận đấu chung kết cúp quốc gia cách đây 30 năm, không chỉ có người yêu bóng đá Quảng Nam Đà Nẵng ùn ùn kéo về sân Quy Nhơn, mà còn bộ đội ở Quân khu 5 đi hàng chục chiếc xe ca cùng dân Bình Định náo nức còn hơn ngày hội.
3 giờ chiều bóng mới lăn nhưng từ 10 giờ sáng, người ta đã kéo về đứng ngồi kín các con đường bàn luận rôm rả.
Giới hâm mộ đội bóng miền Trung tin chắc các cầu thủ con cưng thắng đã cùng nhau gom tiền mua pháo thủ sẵn để đốt ăn mừng từ Quy Nhơn về đến Quảng Nam Đà Nẵng.
Trước giờ bóng lăn, cửa số 5 miễn phí dành riêng cho bộ đội, thương binh quá tải. Hai cánh cổng sắt đổ rạp xuống. Làn sóng người tràn vào như lũ quét. Những cửa vào khác cùng chung số phận. Sân Quy Nhơn thất thủ. Rất nhiều người phải leo qua hàng rào ngồi tràn trên đường piste.
CLB Quân đội thắng nhẹ Quảng Nam Đà Nẵng 1-0 với bàn duy nhất của Đặng Văn Dũng, khán giả trên sân Quy Nhơn chia nửa buồn vui. Hạnh phúc nhất là những người lính ngồi ở cửa số 5 hò reo mải miết cứ như chính mình vừa đoạt cúp vô địch.
|
2. Trận cầu đáng nhớ thứ hai trên sân Quy Nhơn là vào năm 2001, chỉ cần Bình Định thắng đội khách An Giang thì vô địch giải hạng nhất để lên V-League, bất chấp kết quả của hai đội xếp sau gồm Đà Nẵng và Hải Quan.
Người yêu bóng đá Bình Định kéo đến sân đông nghìn nghịt. Những đội lân múa may quay cuồng. Một cổ động viên đóng giả tiền đạo Blessing hóa trang y như thật.
Chỉ mất vài phút, lưới của An Giang đã rung lên. Cơn mưa gôn ầm ào dội vào cầu môn đội khách. Blessing lập một hat trick giúp đội nhà Bình Định đại thắng 9-2. Hàng chục ngàn người nán lại sân chia vui tưng bừng với các cầu thủ.
Chủ sân Quy Nhơn chính thức lên hạng sau vài năm lận đận để chơi tiếp giải vô địch quốc gia năm 2001 gọi là V-League.
|
Bóng đá Bình Định từ thời Công nhân Nghĩa Bình khai sinh năm 1976 với mấy lần đổi tên nhưng tiềm năng thì chưa bao giờ cạn, như tình yêu bóng đá của người dân bản địa vậy.
Lại nhớ những lão thành mê bóng đá thường dí dỏm “dọa” các lãnh đội Bình Định nếu không thể giúp CLB trở lại mái nhà xưa thì đập sân trồng khoai mì cho rồi…
Vòng chung kết U.19 quốc gia còn đang diễn ra, ban tổ chức địa phương đã ngỏ ý đưa giải U.21 báo Thanh Niên về sân Quy Nhơn làm nữa. Những người yêu bóng đá Bình Định thay lời muốn nói từ các giải trẻ này sẽ biến thành động lực để đến ngày nào đó sống lại một thuở vàng son.
tin liên quan
Ký ức Bình Định 30 nămNăm 1987 khi lần đầu tiên đi viết thể thao, dù khi đó chỉ là cộng tác viên thôi, tôi may mắn đi cùng với 2 cựu trọng tài nổi tiếng là Đỗ Đình Hùng và Hồ Thiệu Quang đến Quy Nhơn - Bình Định xem trận chung kết giải A 1 toàn quốc giữa Thể Công và Quảng Nam Đà Nẵng...
Bình luận (0)