Chỉ được giới thiệu đơn giản, bằng tấm bảng ghi tên vở kịch, tên diễn viên đặt trước quán, suất diễn vở Ngao sò ốc hến vào tối thứ hai tại cà phê Bệt (57A Tú Xương, Q.3-TPHCM) không còn một chỗ trống.
Ngồi bệt xem kịch
Đúng như tên quán, khán giả có thể chọn cho mình một chỗ ưng ý rồi... ngồi bệt dưới sàn chờ xem vở diễn. Sân khấu nhỏ gọn, được thiết kế đơn giản và diễn viên cũng ngồi hòa vào khán giả trong thời gian chờ khai màn. Sự gần gũi này đã tạo nên không khí thân thuộc, ấm cúng cho một chương trình “cà phê kịch”.
Không có diễn viên ngôi sao nhưng những vở diễn ở cà phê Bệt thu hút khán giả bằng cái duyên mộc mạc và sự tận tụy hết mình trong diễn xuất của các diễn viên. Cũng không có đội ngũ thiết kế sân khấu, các diễn viên cùng xắn tay áo tự hỗ trợ nhau trong những phân cảnh cần chuyển đổi đạo cụ.
Vở Ngao sò ốc hến với các diễn viên Quốc Thịnh, Lương Duyên, Nguyễn Long, Quốc Tuấn... (đến từ sân khấu kịch 5B, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh) đã cho khán giả những tràng cười nghiêng ngả. Lời thoại hài hước, không cố tình gượng ép gây cười cùng diễn xuất tự nhiên của các diễn viên trẻ đã mang đến những giây phút thư giãn thật sự.
Dù diễn với thời lượng ngắn trong không gian nhỏ và bối cảnh hoàn toàn không thay đổi nhưng những vở diễn ra mắt tại cà phê Bệt đã không làm người xem thất vọng. Sau vở Đỏ, Ngao sò ốc hến, Bệt sẽ có thêm các vở mới như Tình sống, tình chết, Sau một cơn giông... diễn vào các tối thứ hai, ba, năm hằng tuần.
Mô hình “cà phê kịch” đang nhân rộng
Vốn “con nhà nghệ thuật” (cha là cố soạn giả Hùng Tấn và mẹ là NSƯT Thanh Vy, bản thân từng là nhạc công), Đỗ Thanh Lâm đã ngấm ngầm thực hiện ý tưởng của mình từ khi mở quán. Gần 2 năm thử nghiệm, Bệt mới chính thức khai trương mô hình “cà phê kịch”. Sau nửa năm hoạt động với mô hình này, Bệt đã định hình được tên tuổi và uy tín riêng.
Xem kịch ở quán cà phê đến thời điểm này đã không còn quá xa lạ với công chúng. Từ mô hình cà phê kịch của Bệt, nhiều quán khác cũng đã mở sân khấu kiểu này. Có thể kể đến Café Nhện trên đường Huỳnh Văn Bánh (Q. Phú Nhuận).
Quán thiết kế theo phong cách kinh dị nên những vở kịch được chọn diễn ở đây cũng thuộc loại kịch không dành cho khán giả yếu tim. Cà phê kịch Q2 (Q. Gò Vấp) mở rộng hơn với những vở kịch dài như Chuyện tình kinh điển, Em lên Sài Gòn, Màu của bóng đêm... cùng những vở hài kịch xen kẽ cũng đã có được một lượng khán giả đáng kể vào những tối cuối tuần.
Khán giả đến quán cà phê xem kịch không phải mua vé, chỉ trả tiền nước uống, có quán thêm chi phí phụ thu nhưng không nhiều. “Uống cà phê chờ xem kịch miễn phí” cũng là một cách thu hút khán giả ở những quán xây dựng mô hình cà phê kịch.
Sáng tạo phiêu lưu
Thời lượng của những vở kịch ở quán cà phê chỉ bằng một nửa so với các sân khấu lớn nên đòi hỏi nhiều sự khéo léo chăm chút từng chi tiết của người dàn dựng. Không có bối cảnh sinh động, khán giả lại ở quá gần nên chỉ cần một sơ suất nhỏ của diễn viên cũng có thể làm hỏng vở kịch.
Chưa kể nguồn diễn viên có khi thiếu hụt, do lực lượng diễn viên trẻ đầu quân cho các sân khấu lớn thường kẹt tham gia phim truyền hình. Phần lớn đội ngũ diễn viên diễn ở các sân khấu kịch cà phê này là những gương mặt diễn viên trẻ đang thử sức mình trên những sàn diễn lớn hoặc là sinh viên Trường Sân khấu – Điện ảnh mới ra trường.
Đỗ Thanh Lâm nói có nhiều lúc anh phải “bù lỗ” cho niềm đam mê của mình, khi phải chi trả tiền cát-sê cho diễn viên mỗi suất diễn, trong khi quán không bán vé xem kịch, không tính tiền phụ thu, chỉ có tiền nước uống như những quán cà phê bình thường khác.
“Tôi chỉ muốn tạo dựng một không gian nghệ thuật riêng cho quán cà phê của mình: Gần gũi với khán giả và đó cũng là nơi để những diễn viên trẻ có cơ hội làm nghề. Các diễn viên đến với Bệt cũng là những người trẻ có tâm huyết làm nghề. Ý tưởng thì dễ nhưng làm và để tồn tại được mới là điều quan trọng” – Đỗ Thanh Lâm chia sẻ.
Dù vậy, vẫn chỉ có thể công nhận rằng các vở diễn ở cà phê kịch cũng chỉ dừng lại ở mức giải trí, thu hút khán giả bằng yếu tố mới, lạ nhiều hơn là giá trị của vở diễn. Bởi nếu muốn tìm đến những vở kịch có ý nghĩa cao hơn và đúng nghĩa là một tác phẩm sân khấu được đầu tư chăm chút thì vẫn phải tìm đến những sân khấu kịch có thương hiệu hiện nay.
Một đạo diễn sân khấu nói rằng với mô hình cà phê kịch, nếu chỉ xem đó là một sân chơi giải trí thuần túy thì rất đơn giản, nhưng khi đã xem đó là chuyện kinh doanh lại là một chuyện khác. Chỉ một vài vở trong giai đoạn ban đầu của mô hình kịch cà phê thì chưa thể nói lên được điều gì.
Không gian cho điện ảnh Khi thị trường giải trí bắt đầu phân khúc, nhiều quán cà phê đã tận dụng không gian quán để tổ chức các hoạt động nghệ thuật, giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng công chúng khác nhau. Bên cạnh những chương trình ca nhạc phòng trà được đầu tư dàn dựng như một chương trình trên sân khấu thu nhỏ, cà phê sách- giao lưu tác giả tác phẩm..., một số nơi cũng tổ chức những buổi chiếu phim định kỳ. Một trong những điểm hẹn cuối tuần được khán giả yêu thích có thể kể đến Café Chiều thứ 7 (số 37 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3), nơi thường xuyên có những buổi diễn thuyết, giao lưu, các chương trình ca nhạc và chiếu phim điện ảnh. Cũng từ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật này mà nhóm sáng lập dự án Zero Station của đạo diễn Việt Đặng, họa sĩ Như Huy đã xây dựng nên không gian nghệ thuật Zero Station (tại số 91A Đinh Tiên Hoàng, Q.1). Đây là nơi để những bạn trẻ yêu thích điện ảnh gặp gỡ và chia sẻ về những tác phẩm điện ảnh thuộc dòng phim nghệ thuật của các nước. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)