Xem nghệ nhân kể 'hậu trường' may trang phục APEC

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
08/12/2018 07:05 GMT+7

Những bộ trang phục được may với số đo không có thật khiến nghệ nhân phải vừa may vừa đoán, những chiếc khuy được đo đếm từng gram và độ cong cho phù hợp... là câu chuyện mà các nghệ nhân chia sẻ trong trưng bày Sắc tơ APEC.

Triển lãm các trang phục liên quan đến quá trình thiết kế trang phục APEC diễn ra tại Trung tâm văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ, Hà Nội từ ngày 7 - 17.12.
May lễ phục quý không số đo
Nhà thiết kế Nguyễn Thị Thu Hà vẫn nhớ câu chuyện về trang phục cho lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế APEC hồi 2017 mà bà thực hiện. Để may được trang phục vừa vặn với từng lãnh đạo các nước, bà và những nghệ nhân cùng nhóm thực hiện cần 9 số đo, trong khi chỉ được cung cấp rất ít số đo, chưa kể số đo đó lại không chuẩn. “Các số đo đó liên quan đến sức khỏe lãnh đạo, là việc cần bảo mật. Vì thế, các số đo chúng tôi nhận được thường ít và không chi tiết, chính xác...”, bà Hà nhớ lại.
Xem nghệ nhân kể “hậu trường” may trang phục APEC
Mẫu thêu Bảo tướng liên hoa do nghệ nhân Vũ Anh Tuấn (Tuấn Sành) thực hiện Ảnh: Trinh Nguyễn
Chính vì thế, việc thực hiện trang phục với nhóm của bà Hà trở nên khó và vô cùng hồi hộp. Họ phải tìm tất cả các tài liệu liên quan đến lãnh đạo các nền kinh tế. Từ hình ảnh mặc lễ phục lẫn chơi thể thao và trong đời sống hằng ngày để nhận dạng. Sau đó, họ phải đoán và chỉnh số đo. “Như Thủ tướng New Zealand, phía bạn cung cấp một size mà không rõ là size VN hay Mỹ. Nhưng nhìn hình chụp, tôi biết nếu cắt theo size đấy thì chắc chắn là sai. Hoặc lãnh đạo Mexico, hình thể rất đẹp, nhưng số đo thì không bao giờ có theo thể hình đó. Chúng tôi phải đoán và rút bớt số đo đi. Đoàn của họ sau đó cũng nhận là cung cấp số đo sai”, nghệ nhân Đỗ Mạnh Hùng, người cắt các bộ trang phục nói.
Sau APEC, nhóm thực hiện trang phục nhận được những phản hồi rất tốt đẹp và quan tâm của những đoàn tham dự, làm nên niềm tự hào cho lụa tơ tằm cao cấp VN
 
Với các lãnh đạo nữ, việc may khó hơn vì áo nam có thể mặc thoải mái một chút, còn áo nữ thì cần có eo. Chưa kể, với lãnh đạo Chile, việc may còn khó hơn nữa bởi hình thể người Nam Mỹ có độ cong rất lớn, tỷ lệ hông - eo cũng khác. “Khi họ cung cấp số thiếu, chúng tôi hỏi Bộ Ngoại giao có hỏi thêm được không, họ nói không. Nhưng quan trọng là nó không chính xác, mà chúng ta lại không có thời gian. Nếu phải sửa nhiều thì mình không làm được. Những người không có kinh nghiệm thì 88 vẫn là 88, 38 vẫn là 38. Quan trọng là ra trên vải thế nào cho ra hình thể. Có người cung cấp số đo thì chúng tôi phải trừ bớt vai mà ngực lại phải tăng thêm. Thật là khó hơn cả chơi đuổi hình bắt chữ”, ông Hùng nhớ lại.
Bà Hà cũng cung cấp thêm thông tin, lụa may áo được đặt ở nhà lụa Dung Từ. Đây cũng là nhà lụa đã cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục dựng lụa may trang phục cung đình triều Nguyễn. Cùng năm đó, sản phẩm lụa tơ tằm Dung Từ năm 2017 cũng là món quà tặng đặc biệt cho hoàng hậu Nhật Bản, đức vua Thụy Điển, thủ tướng Đức, phu nhân chủ tịch nước Trung Quốc, phu nhân thủ tướng Nhật Bản...
Cơ hội quảng bá văn hóa và thương hiệu
“Ở Metropole, truyền thông họ giới thiệu rất kỹ về những căn phòng đặc biệt đã có chính trị gia, minh tinh nổi tiếng lưu lại. Hoặc ở Furama, họ luôn có bản tin gửi cho khách hàng về các hoạt động họ đã đón tiếp, như tuần lễ các bộ trưởng môi trường hay sự kiện đặc biệt khác... Phải đón nhanh thời điểm. Chúng ta không nên bỏ phí các cơ hội làm truyền thông văn hóa và thương hiệu”, chuyên gia marketing Phạm Vũ Tùng chia sẻ.
Bà Thu Hà cho biết, sau APEC, nhóm thực hiện trang phục nhận được những phản hồi rất tốt đẹp và quan tâm của những đoàn tham dự, làm nên niềm tự hào cho lụa tơ tằm cao cấp VN. “Nghệ nhân may Đỗ Mạnh Hùng đón tiếp thêm những khách hàng mới tới may lễ phục của anh. Đặc biệt, trang phục APEC được nhiều khách hàng yêu thích và đặt may với các phiên bản màu khác nhau”, bà tiết lộ.
Điều này làm công chúng liên tưởng đến việc cửa hàng bún chả Hương Liên ngay lập tức đã có set “bún chả Obama” gồm đúng những gì ông thưởng thức khi tới hàng mình. Với nghệ nhân Ánh Tuyết, sau Hội nghị APEC một tuần, bà cũng chia sẻ với nhiều người về những món ăn bà chế biến trong quốc yến phục vụ các nhà lãnh đạo. Việc này không chỉ khẳng định thêm thương hiệu của bà, mà còn là cách giới thiệu ẩm thực Việt tới khách du lịch. Trong khi đó, một điểm đến khác là quán cà phê ở Hàng Bông, tuy từng có nhiều người nổi tiếng lui tới, song lại ít nổi tiếng trong các thông tin du lịch nội địa. “Nếu tôi không đọc các tài liệu tiếng Pháp thì không biết tới quán này”, một du khách tới Hà Nội cho biết.
Theo chuyên gia marketing Phạm Vũ Tùng, Giám đốc marketing của Davines, ngành văn hóa cần chủ động trong việc đưa các thông tin như thế này tới công chúng một cách hệ thống. Nếu doanh nghiệp, cá nhân chưa có kinh nghiệm, ngành du lịch cũng như ngành văn hóa cần hướng dẫn họ để có thể tận dụng cơ hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.