Trong bản tin tình báo hàng ngày trên Twitter, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Ukraine đang củng cố khu vực bằng các đơn vị tinh nhuệ, trong khi quân đội chính quy của Nga và lực lượng của nhóm quân sự tư nhân Wagner đã tiến xa hơn vào vùng ngoại ô phía bắc của Bakhmut.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ngày 3.3 công bố báo cáo nói rằng, Ukraine có thể đang chuẩn bị rút quân khỏi Bakhmut.
Một trong những dấu hiệu cho kế hoạch này là Ukraine cho nổ tung hai cây cầu gần Bakhmut. Báo cáo của ISW viết: “Đoạn video đăng tải ngày 3.3 xác nhận rằng quân đội Ukraine đã phá hủy hai cây cầu quan trọng ở khu vực Bakhmut, một cây cầu bắc qua sông Bakhmutivka ở phía đông bắc Bakhmut và một cây cầu dọc theo tuyến đường Khromove - Bakhmut ở phía tây Bakhmut”.
Báo cáo của ISW bình luận: “Việc phá hủy trước các cây cầu có thể là một dấu hiệu cho thấy quân đội Ukraine dường như tìm cách ngăn chặn sự di chuyển của Nga ở phía đông Bakhmut và hạn chế các tuyến đường đi ra phía tây”.
ISW cũng cho rằng Ukraine “có thể sẽ tiến hành một cuộc rút quân hạn chế và có kiểm soát khỏi các khu vực đặc biệt khó khăn ở phía đông Bakhmut”.
Trước đó, pháo binh Nga đã bắn phá các tuyến đường cuối cùng ra khỏi Bakhmut trong ngày 3.3, nhằm hoàn thành việc bao vây thành phố và đưa Moscow đến gần hơn với chiến thắng lớn đầu tiên trong nửa năm chiến tranh.
Ông Robert Brovdi, chỉ huy đơn vị thiết bị bay không người Ukraine tham chiến tại Bakhmut, hôm 3.3 thông báo trên mạng xã hội rằng đơn vị được lệnh rời thành phố tới địa điểm mới. Ông Brovdi đặt câu hỏi “Tại sao lại đưa ra mệnh lệnh này trong giai đoạn then chốt nhất, sau khi chúng tôi đã bám trụ 110 ngày ở đây?”. Tuy nhiên ông cũng khẳng định sẽ chấp hành mệnh lệnh.
Giới chức Ukraine cho biết trong ngày hôm qua các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga trong thành phố.
Trong báo cáo tóm tắt buổi sáng hôm nay, Bộ Tổng tư lệnh Ukraine cho biết các cuộc tấn công của Nga đã bị chặn đứng ở các làng Ivanivske và Bohdanivka, cả hai đều nằm cách trung tâm thành phố Bakhmut chưa đầy 8km về phía Tây. Nếu Nga kiểm soát những ngôi làng đó, Bakhmut sẽ hoàn toàn bị phong tỏa.
Trận chiến giành Bakhmut đã diễn ra trong 7 tháng. Nếu Nga chiến thắng, đây sẽ là bước đệm để hoàn thành việc kiểm soát vùng công nghiệp Donbass.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng mô tả rằng Bakhmut là một “pháo đài”. Ông khẳng định “Không ai từ bỏ Bakhmut. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Chúng tôi coi Bakhmut là pháo đài của mình”.
Trong khi đang chiến đấu chống cự lại các cuộc tấn công dồn dập của Nga ở miền đông, Ukraine còn được cho là đang chuẩn bị cho một cuộc phản công vào mùa xuân nhằm vào miền nam, cụ thể là khu vực giữa bán đảo Crimea và lục địa Nga. Và theo một lãnh đạo tình báo của Ukraine dự báo, đây sẽ là trận chiến quyết định trước khi chiến sự kết thúc.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 3.3 cho biết Ukraine đang rất thiếu các hệ thống pháo, xe tăng và đạn dược để đối phó lực lượng Nga. Khi được hỏi điều mà Ukraine cần làm để tăng tốc quá trình viện trợ quân sự của phương Tây, ông Zelensky cho rằng phương án tốt nhất là “công khai nói về những thiếu thốn của Ukraine”, cũng như kêu gọi đồng minh ủng hộ cung cấp thêm nhiều loại vũ khí cho quân đội Ukraine.
Tổng thống Zelensky tin tưởng Ukraine sẽ sớm nhận được nhiều xe tăng phương Tây, đồng thời kêu gọi nhanh chóng chấp thuận chuyển giao tiêm kích. Trước đó, các nước phương Tây đã đồng ý chuyển nhiều vũ khí hiện đại cho Ukraine như tên lửa phòng không Patriot và xe tăng, song vẫn tiếp tục từ chối đề nghị giao tiêm kích như F-16.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cho biết Bộ trưởng Sergei Shoigu đã có chuyến thăm hiếm hoi tới địa điểm các lực lượng của Nga được triển khai ở Ukraine.
Trước đó, ông Shoigu, người giữ chức bộ trưởng quốc phòng từ năm 2012, đã bị những người ủng hộ chiến dịch quân sự chỉ trích gay gắt về thành tích của ông trong cuộc xung đột.
Người sáng lập tổ chức Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, trong tháng trước cũng đã cáo buộc ông Shoigu và các quan chức Nga khác là “phản quốc” vì đã không cung cấp đủ đạn dược cho lực lượng Wagner tham gia chiến đấu trên chiến trường ở miền đông Ukraine.
Kể từ khi xung đột bùng nổ, nhiều quốc gia từ lâu được biết đến là trung lập cũng dần dần thay đổi suy nghĩ của mình khi chứng kiến những điều Nga đang làm tại Ukraine. Chẳng hạn như vào tháng 5 năm ngoái, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nước cố gắng giữ vững lập trường, mặc dù bị phương Tây gia tăng sức ép buộc phải lên án Nga cũng như áp đặt trừng phạt nhằm vào nước này. Một trong các quốc gia đó là Serbia. Nhiều ngày qua, một số phương tiện truyền thông còn đưa tin rằng nước này đã bí mật cung cấp đạn pháo cho Ukraine sử dụng, khiến Nga có phản ứng yêu cầu giải thích. Ngay lập tức, chính phủ Serbia bác bỏ cáo buộc và nói rằng nước này “không xuất khẩu vũ khí cho các quốc gia có thể gây ra tranh chấp”.
Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) hôm qua cho biết Trung Quốc chắc chắn sẽ “vượt lằn ranh đỏ” nếu quyết định cung cấp vũ khí cho Nga, và trong trường hợp đó EU sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt.
Các bình luận này lặp lại lời phát biểu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 1.3 cảnh báo Bắc Kinh không cung cấp vũ khí cho Moscow để sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Trung Quốc đã luôn bác bỏ mọi cáo buộc trang bị vũ khí cho Nga.
Trong lúc chiến sự ở Bakhmut diễn ra ác liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tự tin rằng phương Tây sẽ cung cấp tiêm kích cho Kyiv. Ông cũng đưa ra dự báo lạc quan chiến sự sẽ chấm dứt trong năm nay.
Trả lời phỏng vấn báo Bild, ông Reznikov dự kiến sẽ nhận được “2 hoặc 3 dòng tiêm kích khác nhau”, phụ thuộc vào các kỹ sư, sân bay, bảo trì và phụ kiện.
Khi được hỏi về cam kết ủng hộ Ukraine của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, vị bộ trưởng cho rằng Kyiv “cần phải nhận được đảm bảo an ninh thực sự”.
Cùng với Mỹ thì Đức là quốc gia đã cam kết viện trợ quân sự khá nhiều cho Ukraine, và bản thân Thủ tướng Scholz cũng đã đến thăm thủ đô Kyiv, gặp gỡ và thảo luận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liên quan đến cuộc xung đột. Đây là một sự thay đổi đáng kể sau khi nước này chần chừ không cung cấp vũ khí cho Kyiv vì sợ leo thang xung đột với Nga.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức lại nhận định rằng quân đội nước này nhiều khả năng không thể tự bảo vệ chính mình trước một cuộc xâm lược thực sự vì đầu tư cho quốc phòng đã bị lơ là trong nhiều năm qua.
Sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký ban hành sắc lệnh đình chỉ tham gia hiệp ước New START với Mỹ, ông cũng đã tuyên bố sẽ tiếp tục củng cố năng lực quân sự của Nga, trong đó có bộ ba hạt nhân.
Bộ Quốc phòng Nga hôm qua 3.3 công bố một video cho thấy tên lửa Kalibr được phóng từ dưới nước ở vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, và sau đó bắn trúng mục tiêu tại một khu vực huấn luyện ở vùng Khabarovsk thuộc miền đông nước Nga, theo Reuters.
Bộ Quốc phòng Nga cho hay “Tên lửa Kalibr đã bắn trúng mục tiêu được chỉ định trong thao trường chiến thuật Syurkum ở vùng Khabarovsk vào thời điểm được dự kiến”.
Moscow cũng đã sử dụng các tên lửa Kalibr trong chiến dịch quân sự ở Ukraine bằng cách phóng loại tên lửa này từ các tàu chiến và tàu ngầm ở biển Đen. Hồi tháng 12.2022, Bộ Quốc phòng Nga công bố một đoạn video về cuộc phóng tên lửa hành trình Kalibr từ tàu hải quân nhắm vào nhiều mục tiêu ở Ukraine.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh căng thẳng dân cao giữa Nga và phương Tây, Moscow còn được cho là đang phát triển một chiến lược quân sự mới, cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ trong trường hợp bị Washington tấn công.
Bình luận (0)