Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 464, Ukraine sẵn sàng phản công; còn cửa nào cho hòa đàm?

Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 464, Ukraine sẵn sàng phản công; còn cửa nào cho hòa đàm?

03/06/2023 23:31 GMT+7

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này đã sẵn sàng tung ra chiến dịch phản công quan trọng nhằm giành lại lãnh thổ. Trong khi đó, đặc phái viên Trung Quốc bình luận rằng cửa vẫn mở cho khả năng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, còn Indonesia vừa đề xuất lập khu phi quân sự do Liên Hiệp Quốc quản lý.

Quân đội Nga thông báo vào hôm 2.6 đã tiến hành đợt tấn công tên lửa nhằm vào lưới phòng không bảo vệ những cơ sở quân sự trọng yếu của Ukraine.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết đợt tấn công này do không quân tiến hành, sử dụng tên lửa không đối đất tầm xa nhằm vào các tổ hợp phòng không đang bảo vệ cơ sở hạ tầng quân sự chủ chốt tại Ukraine.

Lực lượng phòng không Ukraine được cho là đang bố trí hai tổ hợp phòng không tầm xa Patriot để bảo vệ mục tiêu trọng yếu tại Kyiv, cùng với đó là những hệ thống tên lửa tầm trung như IRIS-T, NASAMS và SAMP/T, pháo phòng không Gepard và tên lửa phòng không vác vai.

Quân đội Nga trong tháng 5 liên tục tiến hành tập kích ban đêm nhằm vào nhiều nơi ở Ukraine, kể cả thủ đô Kyiv. Giới quan sát nhận định đây là nỗ lực của Nga nhằm vô hiệu hóa hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Ukraine.

Việc Nga tăng cường tập kích cũng diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang chuẩn bị tung ra cuộc phản công lớn. Ngày hôm nay, tư lệnh lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi đã đến thị sát các vị trí phòng thủ trên tiền tuyến Bakhmut. Ông cho biết mình đã thảo luận các hành động sắp tới với các chỉ huy.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này đã sẵn sàng tung ra chiến dịch phản công quan trọng nhằm giành lại lãnh thổ. Trong khi thường được biết đến với tên gọi cuộc phản công mùa xuân, nhưng trên thực tế, ở châu Âu hiện chỉ còn vài tuần nữa là đã đến mùa hè. Vì sao Ukraine vẫn chưa tiến hành phản công như dự đoán? Mời quý vị xem video để tìm hiểu một số nguyên nhân.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 2.6 cảnh báo Ukraine sẽ chịu thiệt hại nặng nếu phản công. Ông kêu gọi nỗ lực thuyết phục các bên ngừng bắn.

Ông Orban nói mình dù chỉ tham gia quân đội 1 năm rưỡi, nhưng cũng học được rằng "bên tấn công sẽ tổn thất gấp ba lần phía phòng thủ".

Ông Orban cảnh báo một cuộc tiến công quy mô lớn của "quốc gia có dân số chỉ bằng một phần nhỏ đối thủ đồng nghĩa với chiến tranh đẫm máu". Nga có khoảng 130-140 triệu dân, trong khi dân số của Ukraine là khoảng 30-40 triệu.

Vì vậy, ông Orban kêu gọi "làm tất cả để thuyết phục các bên về sự cần thiết của lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình trước khi Ukraine phát động đợt phản công, nếu không sẽ có nhiều người thiệt mạng.

Truyền thông Ukraine ngày 2.6, liên minh được thành lập nhằm cung cấp tiêm kích cho Ukraine giờ đây đã có 8 nước châu Âu và có thêm các nước khác gia nhập.

Phó chánh văn phòng Ihor Zhovkva của Tổng thống Ukraine cho hay liên minh này hiện gồm Anh, Hà Lan, Ba Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Bỉ, Bồ Đào Nha và Pháp.

Ông cho biết liên minh đang có những bước cụ thể nhằm tăng tốc huấn luyện phi công và kỹ thuật viên Ukraine về điều khiển và bảo trì, sửa chữa máy bay F-16 và các tiêm kích thế hệ 4 khác của phương Tây.

Hôm 25.5, chính phủ Thụy Điển đã thông báo sẽ đào tạo phi công Ukraine trên tiêm kích JAS 39 Gripen, nhưng nói thêm rằng họ sẽ không cung cấp máy bay này cho Kyiv.

Hôm 1.6 trong một sự kiện tại Moldova, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp lãnh đạo các nước Anh, Hà Lan, Ba Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Bỉ nhằm thảo luận việc đào tạo phi công và tiếp nhận tiêm kích phương Tây.

Theo một thông cáo từ văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong cuộc gặp hồi đầu tuần ở Moldova, ông Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bàn về việc cùng chuẩn bị cho "Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Toàn cầu" với số lượng đại biểu tham gia lớn nhất có thể.

Hôm 31.5, báo Wall Street Journal cho hay Pháp, Đan Mạch và Thụy Điển đã đề nghị được tổ chức sự kiện này. Giới chức châu Âu được cho là đã gửi lời mời tham dự đế Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước không thuộc phương Tây khác, nhưng Nga đã không được mời. Nội dung chính của sự kiện này được cho là tập trung vào "công thức hòa bình" của Kyiv.

Công thức hòa bình của Ukraine được giới thiệu vào cuối năm ngoái, trong đó đòi hỏi Moscow rút quân ra khỏi mọi vùng lãnh thổ nằm trong biên giới được công nhận năm 1991 của Ukraine, kể cả bán đảo Crimea. Công thức này cũng buộc Nga phải bồi thường thiệt hại và giao nộp các quan chức mà Ukraine cho là tội phạm để đưa ra xét xử tại tòa án quốc tế.

Moscow đã bác bỏ công thức của Kyiv. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói các điều khoản của đề xuất này không khác gì "buộc Nga đầu hàng".

Hôm 2.6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có thể sớm đối thoại với Ukraine. Ông Peskov giải thích rằng các đề xuất mà các nước châu Âu đưa ra đều không giải quyết được các quan ngại an ninh mà Nga xem là ưu tiên cao nhất.

Phát biểu tại một sự kiện ở Phần Lan hôm 2.6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bình luận rằng "một cuộc ngừng bắn nếu chỉ đóng băng các chiến tuyến hiện tại" sẽ cho phép Nga củng cố kiểm soát và tiếp tục tấn công mà không đạt được hòa bình lâu dài. Ông cho rằng thỏa thuận hòa bình nếu có phải đảm bảo "chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập" cho Ukraine, và phải có sự tham gia toàn diện của Kyiv.

Tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La hôm nay 3.6, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cũng giới thiệu một kế hoạch hòa bình, bao gồm lệnh ngừng bắn "ngay tại vị trí hiện tại của hai bên xung đột", thiết lập khu phi quân sự bằng cách rút lui 15 km từ vị trí tiền tuyến của mỗi bên.

Theo Bộ trưởng Prabowo Subianto, khu phi quân sự nên do lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc giám sát và "Indonesia sẵn sàng đóng góp các đơn vị cho hoạt động gìn giữ hòa bình". Ông cũng gợi ý Liên Hợp Quốc tổ chức trưng cầu dân ý "để xác định một cách khách quan mong muốn của đa số người dân tại các khu vực tranh chấp".

Ông Subianto "kêu gọi Nga và Ukraine lập tức chấm dứt chiến sự", và lưu ý rằng xung đột kéo dài hơn 15 tháng đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và nguồn cung cấp lương thực của các quốc gia châu Á.

Ông Lý Huy, Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu, hôm qua 2.6 nhận định cả Nga và Ukraine vẫn chưa hoàn toàn khép lại cánh cửa đối thoại.

Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, Nga đã phải điều đơn vị đặc nhiệm tới tỉnh Belgorod để đối phó các nhóm thám báo và dân quân từ Ukraine vượt biên giới sang tấn công.

Nga chưa bình luận về thông tin của phía Ukraine.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga công bố video cho thấy lực lượng nước này dùng pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A, pháo và tên lửa tập kích mục tiêu mà Nga cho là "các nhóm khủng bố Ukraine", chặn đợt tấn công nhằm vào tỉnh Belgorod ngày 1.6.

Giới chuyên gia phương Tây cho rằng các đợt pháo kích qua biên giới và xâm nhập lãnh thổ Nga trong thời gian gần đây khiến nước này phải phân tán lực lượng để đối phó. Họ cũng nhận định an ninh tại các vùng biên giới của Nga suy giảm, nguy cơ khiến nước này tiêu tốn nhiều nguồn lực để vá lỗ hổng.

Nhưng ngược lại, một số chuyên gia nhận định những vụ tập kích qua biên giới bất thành có thể mang lại lợi ích cho Nga trong cuộc chiến thông tin. Việc ca ngợi nỗ lực ngăn chặn thành công "chiến dịch phá hoại, khủng bố do Ukraine và phương Tây hậu thuẫn" có thể khiến công chúng Nga đoàn kết và ủng hộ chiến dịch quân sự của nước này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.