Xem nhanh: Chiến dịch ngày 368, 'mắt thần' Nga bị tấn công tận Belarus; Ukraine sắp phản công ở đâu?

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 368, 'mắt thần' Nga bị tấn công tận Belarus; Ukraine sắp phản công ở đâu?

27/02/2023 23:39 GMT+7

Đêm 26, rạng sáng ngày 27.2, còi báo động đã vang lên tại nhiều vùng lãnh thổ của Ukraine, trong đó bao gồm khu vực thủ đô Kiev.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine thông báo từ 11 giờ đêm 26.2, các máy bay không người lái (UAV) tự sát của Nga đã liên tục tấn công các mục tiêu tại nước này. Các vụ tập kích được kéo dài đến sáng ngày 27.2.

Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố rằng lực lượng nước này đã bắn hạ 11/14 UAV mà Nga tung ra trong đêm.

Thị trưởng Oleksandr Symchyshyn cho biết ít nhất 1 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương trong cuộc tấn công UAV của Nga vào thành phố Khmelnytskyi cách Kyiv khoảng 320 km.

Trong bản tin cập nhật tình hình chiến sự, Bộ Quốc phòng Nga cho biết giới chức thân Nga đã báo cáo ít nhất 14 vụ nổ xung quanh thành phố Mariupol. Các địa điểm xảy ra sự cố bao gồm một kho đạn ở sân bay, hai kho nhiên liệu và một công trình thép mà Nga sử dụng làm căn cứ quân sự. Mariupol nằm cách tiền tuyến ít nhất 80 km.

Mặc dù bị tàn phá do chiến sự, Mariupol vẫn rất quan trọng đối với Nga vì đây là thành phố lớn nhất mà Moscow kiểm soát được vào năm 2022, đồng thời thành phố cũng nằm trên tuyến đường hậu cần quan trọng.

Tuy nhiên, thông tin bất ngờ xuất hiện trong ngày hôm nay không xảy ra ở Ukraine, mà ở nước láng giềng Belarus, mà hiện đang là đồng minh thân cận nhất của Nga.

Theo giới chuyên gia quân sự phương Tây, máy bay A-50 mang lại ưu thế lớn cho quân đội Nga trước Ukraine nhờ khả năng phát hiện vật thể bay từ khoảng cách 800 km và mục tiêu mặt đất từ cách 300 km. Máy bay này cho phép Nga lập bản đồ tác chiến đường không sâu trong lãnh thổ Ukraine mà không cần vượt qua biên giới, đồng thời phát hiện phi cơ bay thấp ở những khu vực mà radar mặt đất không thể quan sát.

Không quân Nga có thể đang biên chế 10 máy bay A-50, trong đó ít nhất một chiếc được triển khai ở Syria, số còn lại được luân phiên vận hành và bảo dưỡng. Được biết Nga đang phát triển phiên bản A-100 với nhiều tính năng vượt trội, nhưng dự án bị chậm trễ do thiếu ngân sách và thiết bị.

Tại thị trấn Bakhmut, nơi hiện là tâm điểm giành giật của hai bên, trong những ngày gần đây lực lượng Nga, trong đó nổi bật là các tay súng thuộc công ty quân sự tư nhân Wagner, đã liên tục tuyên bố kiểm soát thêm nhiều khu vực. Trong tuần qua, nhà lãnh đạo Wagner là ông Yevgeny Prigozhin cho biết các thành viên đã kiểm soát 2 ngôi làng nằm cách Bakhmut chỉ khoảng 5km.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Tass hôm 26.2, ông Denis Pushilin, nhà lãnh đạo “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng, tuyên bố tình hình của lực lượng phòng thủ Ukraine tại chảo lửa Bakhmut đang "không khả quan".

Theo ông Pushilin, quân đội Nga đang siết chặt "gọng kìm" bao vây chảo lửa Bakhmut. Cùng với đó, tuyến đường duy nhất còn sót lại với mục đích việc tiếp tế cho các lực lượng Ukraine bên trong Bakhmut hiện đã bị pháo binh Nga đặt trong tầm kiểm soát.

Ông Pushilin khẳng định "những thông tin tích cực sẽ tới từ mặt trận này trong thời gian tới".

Viện nghiên cứu Chiến tranh ISW của Mỹ nhận định Nga có bước tiến nhỏ quanh thành phố Bakhmut, song gặp khó khăn trong việc duy trì tiến công hiệu quả ở tỉnh Zaporizhzhia. ISW cũng cho rằng "lực lượng Nga chịu tổn thất đáng kể trên chiến trường".

Giữa lúc tình hình miền đông đang rực lửa thì hôm qua 26.2 Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky bất ngờ cách chức một tướng chỉ huy quân đội, nhưng lại không nêu rõ lý do.

Giám đốc CIA William Burns trong một cuộc phỏng vấn hôm 26.2 cho biết liên minh giữa Nga và Iran đang phát triển nhanh chóng, một động thái mà ông gọi là đáng quan ngại, theo CNN.

Ông nhấn mạnh: "Hiện tại (quan hệ song phương) đang phát triển nhanh chóng theo hướng rất nguy hiểm. Chúng ta biết rằng Iran đã cung cấp hàng trăm máy bay không người lái cho Nga, thứ mà họ đang sử dụng để gây đau đớn cho người dân và cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine. Chúng tôi biết họ đã cung cấp đạn dược cho pháo binh và cả xe tăng".

Ông Burns cho biết CIA cũng nhận thấy những dấu hiệu cho thấy Nga đang đề xuất giúp đỡ Iran trong chương trình tên lửa và ít nhất là xem xét khả năng cung cấp máy bay chiến đấu cho Iran để đổi lấy viện trợ quân sự trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Tuy nhiên, quan ngại lớn nhất mà Mỹ và phương Tây nêu ra trong những ngày gần đây là khả năng Trung Quốc có thể cân nhắc chuyển cho Nga các loại vũ khí sát thương. Thông tin này xuất hiện khi các lực lượng Moscow gặp khó khăn trong việc giành lợi thế dù xung đột đã trôi qua được một năm, trong khi đó Kyiv đang chuẩn bị phản công bằng vũ khí tiên tiến do phương Tây cung cấp.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan mới đây cũng đưa ra lời cảnh báo về “cái giá phải trả” nếu Bắc Kinh cung cấp vũ khí sát thương cho Moscow.

Phó giám đốc cơ quan tình báo quân sự Ukraine Vadym Skibitsky hôm 26.2 nói với truyền thông Đức rằng Nga hiện không có vũ khí đạn dược từ Trung Quốc.

Ông Skibitsky cũng nói rằng Nga không thể sản xuất đủ đạn dược, pháo và các loại vũ khí mới, đặc biệt là các tổ hợp tên lửa. Vị quan chức này nói quân đội Ukraine đã phá hủy 60% xe tăng và 40% xe bọc thép Nga trong 6 tháng đầu cuộc xung đột.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong cuộc trả lời phỏng vấn đài ABC News mới đây nêu lên một thông tin bất ngờ. Theo vị quan chức này thì Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định gửi xe tăng M1 Abrams cho Ukraine chỉ là để đáp ứng yêu cầu của Đức.

Ông Sullivan kể lại rằng ông Biden ban đầu quyết định không gửi xe tăng Abrams cho Ukraine vì quân đội Mỹ cho rằng loại xe tăng này không hiệu quả cho Ukraine bằng xe tăng Leopard 2 của Đức. Tuy nhiên, ông Biden sau đó đã đổi ý khi Đức tuyên bố họ không muốn là nước duy nhất gửi xe tăng cho Ukraine. Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ gửi xe tăng Abrams cho Ukraine chỉ nhằm mở đường cho Berlin chuyển xe tăng Leopard cho chính quyền Kyiv.

Tuy nhiên, nhìn chung thì Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine cả về quân sự lẫn kinh tế. Và khi tại Mỹ bắt đầu xuất hiện những tiếng nói đòi hỏi xem xét lại lượng viện trợ khổng lồ dành cho Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky mới đây cảnh báo rằng điều này có thể gián tiếp dẫn đến việc Washington mất sức ảnh hưởng trên thế giới.

CNN ngày 25.2 dẫn các nguồn tin cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang chuẩn bị danh sách vũ khí mà nước này mong muốn được viện trợ để gửi tới quốc hội Mỹ, trong đó có tên lửa tầm xa và tiêm kích F-16. Tổng thống Ukraine cho rằng những vũ khí này là cần thiết để kết thúc cuộc chiến với Nga.

Hệ thống vũ khí có tầm bắn xa nhất mà phương Tây đã cung cấp cho Ukraine tới nay là tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS sử dụng đạn rocket có thể bắn trúng mục tiêu cách 80 km. Ukraine từ lâu đề nghị Mỹ chuyển đạn tên lửa có tầm bắn xa hơn của tổ hợp HIMARS, nhưng chưa được Washington đồng ý. Trong tháng 1.2023, Mỹ đã cam kết sẽ viện trợ cho Ukraine loại bom lượn cải tiến phóng từ mặt đất có tầm bắn lên đến hơn 150 km.

Ukraine khẳng định số vũ khí hiện đại từ phương Tây sẽ đóng vai trò rất lớn trong chiến dịch phản công sắp tới. Mới đây, một quan chức tình báo Ukraine vừa có những phát biểu nói rõ hơn về kế hoạch phản công này.

Dĩ nhiên là dù quan chức Ukraine có nói sẽ phản công ở miền nam, thì cũng phải nhớ lại là vào mùa hè năm ngoái, Kyiv cũng tuyên bố tập trung phản công ở miền nam, nhưng sau đó lại bất ngờ tổ chức những đòn tấn công mạnh mẽ ở miền đông, giành lại vùng Kharkiv và nhiều diện tích lãnh thổ khác.

Cựu tổng thống Nga trong một bài phát biểu được công bố hôm 26.2 cảnh báo rằng việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine có nguy cơ gây ra thảm họa hạt nhân toàn cầu, đồng thời nhắc lại mối đe dọa về chiến tranh hạt nhân đối với Kyiv.

Phát ngôn trên của ông Dmitry Medvedev được coi là một nỗ lực nhằm ngăn chặn liên minh quân sự NATO và các đồng minh phương Tây của Kyiv tham gia nhiều hơn vào cuộc xung đột.

Những bình luận mới nhất của ông Medvedev, người giữ chức phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga, được đưa ra sau cảnh báo hạt nhân của Tổng thống Vladimir Putin. 

Ông Putin nói rằng ông xem cuộc đối đầu của Moscow với phương Tây và một trận chiến sống còn cho sự tồn vong của Nga và người dân Nga. Ông Putin nói Nga buộc phải lưu tâm đến năng lực hạt nhân của NATO, bởi liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu muốn hủy diệt nước này. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.