Xem nhanh: Chiến dịch ngày 412, Ukraine quyết bám trụ Bakhmut; hé lộ đặc nhiệm NATO có mặt?

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 412, Ukraine quyết bám trụ Bakhmut; hé lộ đặc nhiệm NATO có mặt?

12/04/2023 22:53 GMT+7

Chiến sự vẫn đang diễn ra khốc liệt tại miền đông Ukraine. Thông tấn xã Nga TASS ngày 11.4 dẫn lời ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo lực lượng đánh thuê Wagner, tuyên bố hơn 80% diện tích của thành phố Bakhmut hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó cho biết đang tập trung nỗ lực lớn tại Bakhmut và các đội tấn công của Wagner với sự hỗ trợ của lính dù tiếp tục chiến đấu để giành lấy các khu dân cư tại trung tâm thành phố, đẩy Ukraine về hướng tây.

Ukraine ngay lập tức bác bỏ tuyên bố của ông Prigozhin. CNN dẫn lời phát ngôn viên Serhii Cherevatyi của Bộ Chỉ huy miền đông Ukraine khẳng định tuyên bố của ông Prigozhin không đúng.

Ông nói: "Tôi vừa liên lạc với chỉ huy một trong số các lữ đoàn bảo vệ thành phố. Tôi có thể tự tin nhấn mạnh rằng lực lượng phòng vệ Ukraine kiểm soát phần lãnh thổ lớn hơn của Bakhmut".

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar hôm 11.4 nói trên kênh truyền hình quốc gia rằng Nga đang tập trung nỗ lực lớn tại Bakhmut, vì vậy Ukraine cũng phải tập trung lực lượng để ngăn chặn, và đã giáng những đòn nặng nề vào các lực lượng của Moscow.

Giới chức Ukraine bày tỏ lo ngại nếu Nga kiểm soát được Bakhmut thì sẽ có thể mở rộng tiến công sang các thành phố then chốt khác ở miền Đông.

Theo Thứ trưởng Maliar, lực lượng Nga sẽ không từ bỏ mục tiêu kiểm soát hoàn toàn thành phố Bakhmut. Bà nói vì lực lượng quân sự tư nhân Wagner đã tổn thất nặng tại đây nên Nga buộc phải tung quân chính quy vào tham gia tấn công.

Theo hãng tin AFP, binh sĩ Ukraine đang khẩn trương đào hệ thống chiến hào ở tây Bakhmut, sẵn sàng lập phòng tuyến mới nếu thành phố thất thủ.

Lãnh đạo nhóm tay súng Wagner của Nga tuyên bố lực lượng Nga đang kiểm soát khoảng 80% diện tích Bakhmut. Quân đội Ukraine phải chuẩn bị phương án đối phó kịch bản thành phố thất thủ, nhằm cản trở đối phương mở các mũi tiến công nhằm vào những đô thị trọng yếu ở phía tây Bakhmut như Kramatorsk và Sloviansk.

Liên quan đến vụ rò rỉ thông tin mật của Bộ Quốc phòng Mỹ đang gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua, có một điều đáng lưu ý là cả Ukraine và Nga dường như đều đánh giá thấp giá trị và tính chính xác của những thông tin này.

Theo hãng tin AP, thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 12.4 cho rằng vụ rò rỉ một kho tài liệu cực kỳ nhạy cảm có thể là một động thái của Mỹ nhằm "lừa dối Nga".

AP dẫn lời ông Ryabkov nói: "Có lẽ rất thú vị khi ai đó xem những tài liệu này. Đó có thể là tài liệu thật, nhưng cũng có thể là giả mạo hoặc có thể là một vụ rò rỉ có chủ ý".

Theo ông Ryabkov, "vì Mỹ là một bên trong cuộc xung đột Ukraine và về cơ bản đang tiến hành một cuộc chiến tranh lai chống lại chúng tôi, nên có thể những chiêu trò như vậy đang được sử dụng để đánh lừa đối thủ của họ là Nga". Khái niệm chiến tranh lai dùng để chỉ loại hình chiến tranh kết hợp nhiều phương thức, từ chính trị, quân sự cho tới tấn công mạng.

Vụ rò rỉ thông tin quân sự của Mỹ bao gồm những thông tin mật về cuộc xung đột Ukraine, cũng như các đánh giá bí mật về các đồng minh của Washington.

Cũng liên quan đến vụ việc, đài NBC News của Mỹ đưa tin có hai tài liệu cho thấy Ukraine đã lên kế hoạch tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga và Belarus.

Lầu Năm Góc hôm 11.4 tuyên bố sẽ "lật tung từng tảng đá" cho đến khi tìm ra nguồn gốc và mức độ ảnh hưởng của vụ rò rỉ tài liệu. Một số chuyên gia an ninh quốc gia và quan chức Mỹ nghi ngờ nguồn tiết lộ thông tin có thể là người Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng đã điện đàm với những người đồng cấp Ukraine nhằm trấn an đồng minh.

Ông Blinken cho biết ông đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba và tái khẳng định "sự ủng hộ lâu dài của chúng tôi" đối với Ukraine và những nỗ lực bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, độc lập của nước này.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns ngày 11.4 nói vụ rò rỉ là "vô cùng đáng tiếc". Ông cho biết Lầu Năm Góc cùng Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành, và kêu gọi các cơ quan hữu trách “rút ra bài học về cách thắt chặt quy trình bảo mật thông tin.

Đây được đánh giá là vụ rò rỉ tài liệu mật nghiêm trọng nhất tại Mỹ trong nhiều năm qua, gây ảnh hưởng đến nhiều đồng minh của Mỹ. Một số thông tin nhạy cảm nhất được cho là liên quan tới năng lực quân sự và những điểm yếu trong quân đội Ukraine, cũng như số lượng binh sĩ đặc nhiệm phương Tây được cho là đã triển khai tới Ukraine.

CNN dẫn lời một số quan chức thạo tin nhận định rằng các tài liệu dường như là một phần của bản tóm tắt tình báo hàng ngày được chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo cấp cao của Lầu Năm Góc, bao gồm cả Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley.

Trong số thông tin bị rò rỉ, cũng có những thông tin mà nếu là sự thật thì Moscow chắc chắn là không vui, ví dụ thông tin Serbia đã đồng ý cung cấp vũ khí cho Kyiv hoặc thậm chí đã chuyển giao rồi.

Serbia là quốc gia hiếm hoi ở châu Âu còn từ chối cấm vận Nga vì xung đột ở Ukraine.

Cụ thể hơn, thông tin rò rỉ cho thấy Serbia từ chối cung cấp huấn luyện cho các lực lượng Ukraine, nhưng đã cam kết gửi viện trợ sát thương hoặc đã cung cấp rồi. Tài liệu cũng cho thấy Serbia có ý chí chính trị và khả năng quân sự để cung cấp vũ khí cho Ukraine trong tương lai.

Thông tin trên, cũng như các thông tin khác trong số tài liệu rò rỉ, đều chưa được kiểm chứng và cũng không có bên liên quan nào lên tiếng xác nhận.

Yêu cầu được cung cấp xe tăng của Ukraine đang được phương Tây đáp ứng và một số lượng xe tăng Leopard 2 của Đức và Challenger 2 của Anh đã được chuyển giao cho các lực lượng Kyiv. Tuy nhiên, một nhà phân tích quân sự lại cho rằng Ukraine thực ra đang cần một thứ khác hơn là xe tăng.

Tờ DongA Ilbo hôm nay 12.4 dẫn các nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc nói nước này quyết định "cho vay" thay vì bán 500.000 đạn pháo 155 mm. Quyết định cho vay chứ không phải bán là nhằm mục đích vừa giúp Mỹ bù đắp kho dự trữ sau khi viện trợ cho Ukraine, vừa giảm thiểu khả năng đạn pháo Hàn Quốc được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Mỹ đã mua 100.000 đạn pháo từ Hàn Quốc và đề nghị mua số lượng tương tự hồi tháng 2. Hai bên được cho là đạt thỏa thuận cho vay hồi tháng 3.

Hàn Quốc cho đến nay vẫn giữ lập trường không viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine.

Hôm 12.4, một quan chức cấp cao Nga cho biết việc Mỹ cho rằng nhà báo Evan Gershkovich của tờ The Wall Street Journal bị bắt giữ trái phép không có ý nghĩa gì đối với Nga và sẽ không làm thay đổi lập trường của Moscow, theo Reuters.

Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho biết Nga hiện đang xem xét cấp quyền tiếp cận lãnh sự cho các nhà ngoại giao Mỹ đối với ông Gershkovich, người cho đến nay chỉ có liên lạc tối thiểu với đội ngũ pháp lý của ông kể từ khi bị giam giữ hai tuần trước. Tuy nhiên, ông chỉ trích những nỗ lực của Mỹ nhằm “gây sức ép” với Moscow về vấn đề này.

Tổng thống Joe Biden đã nói chuyện với gia đình ông Gershkovich qua điện thoại vào hôm 11.4 và cho biết Washington đang làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo ông Gershkovich được thả. Ông là phóng viên Mỹ đầu tiên bị bắt ở Nga vì tội gián điệp kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.