Xem nhanh: Ngày 279 chiến dịch Nga, NATO tái cam kết kết nạp Ukraine, đẩy mạnh viện trợ chống 'vũ khí giá rét'

Tấn Cư - Thế Vinh - La Vi và 4 người khác
30/11/2022 23:29 GMT+7

Khối liên minh quân sự NATO vừa lặp lại cam kết sẽ kết nạp Ukraine và Georgia, cả hai đều là láng giềng của Nga, và khẳng định tổ chức này sẽ tiếp tục mở rộng hiện diện trong các nước từng thuộc Liên Xô cũ.

Moscow đã nhiều lần cảnh báo Nga xem việc NATO lấn dần về phía biên giới của mình là một hiểm họa an ninh lớn.

Theo sau các cuộc họp ở Bucharest, thủ đô Romania hôm 29.11, các bộ trưởng ngoại giao thuộc NATO ra thông cáo “ủng hộ mạnh mẽ cam kết với Chính sách mở cửa” của khối quân sự.

Họ cũng lên án hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương trong nhiều thập niên” và khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Kyiv.

Trước mắt, NATO cam kết sẽ giúp Ukraine sửa chữa hệ thống năng lượng sau các đợt tấn công của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov vào đầu tháng này cho biết mùa đông có thể làm chậm đà tiến công, song cũng sẽ là khoảng thời gian hai bên tận dụng để khôi phục lực lượng.

Tuy nhiên ông Reznikov ông cho rằng Ukraine sẽ bước ra khỏi mùa đông mạnh mẽ hơn nhiều nhờ bổ sung lực lượng gồm hàng nghìn binh sĩ đang được huấn luyện ở Anh.

Bên lề hội nghị tại Bucharest vào hôm 29.11, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói rằng NATO phải ra quyết định chính trị để cung cấp xe tăng hiện đại cho Ukraine trong mùa đông này.

Mặt khác, theo trang tin theo Kyiv Independent, Slovakia ngày 29.11 cho biết nước này đang chuyển giao 30 xe chiến đấu bộ binh bánh xích BMP-1 cho Ukraine. Đổi lại, Slovakia sẽ nhận 15 xe tăng Leopard 2 từ Đức để thay thế. Cùng ngày, Ukraine thông báo đã nhận được hệ thống pháo phản lực phóng loạt LRU của Pháp. Đây là phiên bản châu Âu có nâng cấp của loại pháo phản lực M270 của Mỹ có thể bắn loại đạn có tầm bắn đến 80 km mà Ukraine hiện có trong trang bị.

Ukraine cũng đã nhiều lần đề nghị phương Tây cung cấp loại tên lửa có tầm bắn đến 300 km nhưng hiện chưa được chấp thuận. Phương Tây lo ngại loại tên lửa này có thể giúp Ukraine tấn công lãnh thổ Nga, khiến Moscow leo thang xung đột ảnh hưởng đến chính các nước phương Tây.

Tuy nhiên cho dù chưa nhận được loại vũ khí tầm xa đó thì trong hơn 9 tháng xung đột qua, Ukraine cũng đã không ít lần tổ chức tấn công vào những mục tiêu trên chính đất Nga. Một cuộc tấn công mới đây vào một nhà máy điện ở tỉnh Kursk có thể là lời nhắc nhở về điều này.

Cũng tại hội nghị ngoại trưởng NATO tại Bucharest (Romania) ngày 29.11, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói nước này cần các hệ thống tên lửa phòng không như HAWK, Patriot và máy biến thế.

Trong tháng 11, ông Kuleba sau khi hội đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã gợi ý rằng “đã đến lúc Patriot xuất trận".

Trong khi đã cung cấp cho Kyiv hệ thống tên lửa phòng không hiện đại NASAMS thì Lầu Năm Góc mới đây cho biết không có ý định chuyển giao hệ thống này cho Kyiv trong thời gian trước mắt.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev cảnh báo các tổ hợp Patriot là "mục tiêu hợp pháp" nếu xuất hiện tại Ukraine.

Ông Medvedev viết trên Telegram ngày 29.11 rằng ông hy vọng lãnh đạo NATO hiểu rõ là nếu liên minh quân sự này "cung cấp các tổ hợp Patriot và đưa kíp vận hành đến Ukraine như Tổng thư ký Jens Stoltenberg ám chỉ, họ sẽ lập tức trở thành mục tiêu hợp pháp cho lực lượng vũ trang Nga".

Về tình hình chiến sự, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong một bài đăng trên Telegram viết rằng “dù tổn thất nặng nề, Nga vẫn tìm cách tiến lên ở vùng Donetsk, giành một chỗ đứng ở vùng Luhansk, tiến vào vùng Kharkiv, và đang mưu tính gì đó ở miền nam".

Tuy nhiên ông Zelensky khẳng định các lực lượng Ukraine vẫn đứng vững và không cho phép Nga thực hiện mưu tính. Những ngày qua, chiến sự ác liệt nhất ở ở miền đông Ukraine đang diễn ra xung quanh Bakhmut, nơi đã bị lực lượng Nga bao vây trong nhiều tháng.

Một quan chức quân sự cấp của của Mỹ mới đây xác nhận một báo cáo trước đó của tình báo Anh, theo đó Nga dường như đang triển khai các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình không trang bị đầu đạn nhằm làm suy yếu hệ thống phòng không của quân đội Kyiv.

Theo The Guardian, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một bản cập nhật vào hôm 30.11 về kế hoạch đóng băng và tịch thu tài sản của Nga. Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết “đã phong tỏa 300 tỉ euro dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga và 19 tỉ euro của các nhà tài phiệt Nga".

Bà nói rằng trong ngắn hạn, EU và các đối tác của mình có thể quản lý các quỹ và đầu tư số tiền này. Reuters đưa tin số tiền thu được sẽ được chuyển đến Ukraine để bồi thường thiệt hại cho nước này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 29.11 cho biết ước tính sẽ cần đến hơn 1.000 tỉ USD để tái thiết nước này sau những ảnh hưởng từ xung đột với Nga kéo dài hơn 9 tháng qua.

Theo ông Zelensky, Kyiv đang lên kế hoạch cho một chương trình cho phép chính quyền những nước đối tác và các công ty tham gia xây dựng lại một số tỉnh, thành phố hay vùng kinh tế nhất định.

Tổng thống Ukraine tuyên bố rằng một số quốc gia như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Nhật Bản và Úc đã thể hiện sự quan tâm về chương trình tái thiết này.

Chuyển sang một thông tin khác thì đô đốc Hải quân Mỹ hôm 29.11 cho biết NATO đang xem xét lại ý tưởng cung cấp máy bay chiến đấu cho Kyiv.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.