Xem nhanh: Ngày 340 chiến dịch Nga, Tổng thống Ukraine nói tình hình rất khó, phương Tây cần sớm cấp thêm vũ khí mạnh

Xem nhanh: Ngày 340 chiến dịch Nga, Tổng thống Ukraine nói tình hình rất khó, phương Tây cần sớm cấp thêm vũ khí mạnh

30/01/2023 23:35 GMT+7

Lãnh đạo của "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng (DPR), ông Denis Pushilin, nói các lực lượng thân Nga đang tiếp tục tiến lên ở thị trấn Vuhledar tại miền đông Ukraine.

Thông tấn xã Nga TASS dẫn lời ông Pushilin nói rằng các đơn vị DPR đang củng cố vị trí ở phía đông Vuhledar và gây áp lực lên lực lượng phòng thủ Ukraine tại đây. Tuy nhiên, ông cho rằng còn quá sớm để dự báo về việc kiểm soát thị trấn này vì lực lượng Ukraine chưa nhận lệnh rút quân.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu thường kỳ đêm 29.1 đã báo động về tình hình rất khó khăn do lực lượng Nga tấn công liên tục tại Bakhmut, Vuhledar và các khu vực khác ở Donetsk. Ông Zelensky cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì viện trợ quân sự của phương Tây.

Cuộc xung đột ở Ukraine được dự báo sẽ trở nên khốc liệt hơn trong năm nay, khi cả Nga và Ukraine đều đang củng cố lực lượng để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn trong các tháng tới. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gần đây cảnh báo rằng cuộc xung đột đang đi đến "giai đoạn quyết định", có thể đưa chiến sự đến tận bán đảo Crimea, nơi Nga đã sáp nhập từ năm 2014.

Trang tin Business Insider mới đây dẫn lời tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy lục quân Mỹ tại châu Âu, nhận định rằng Crimea sẽ trở thành "khu vực quyết định" của cuộc xung đột. Ông cho rằng trong vài tháng tới Ukraine sẽ chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để giành lại Crimea từ Nga.

Giới quan sát nhận định nếu Ukraine mở chiến dịch giành lại Crimea thì đó có thể là một cuộc xung đột đẫm máu cho cả hai bên. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley vào cuối năm 2022 có nhận định là khả năng Ukraine đánh bật được Nga khỏi Crimea "về mặt quân sự là không cao".

Tuy nhiên, lực lượng vũ trang Ukraine đang và sẽ được củng cố mạnh mẽ với số vũ khí hạng nặng mà Mỹ và các đồng minh NATO cam kết cung cấp gần đây.

Ngày 29.1, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBC của Canada, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết Kyiv sẽ sớm đưa vào trang bị các mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây viện trợ, nhiều khả năng là ngay vào mùa xuân năm nay.

Theo Bộ trưởng Reznikov, quân đội Ukraine dự định thành lập ít nhất 2 tiểu đoàn xe tăng từ nguồn viện trợ mà các nước phương Tây đã cam kết. Ông nói 2 tiểu đoàn mới sẽ tham gia thực hiện "chiến dịch phản công mùa xuân".

Vị quan chức Ukraine cũng bày tỏ hy vọng rằng các cam kết về xe tăng vừa qua "chỉ mới là khởi đầu", và các nước phương Tây sẽ tiếp tục cung cấp xe tăng cho Kyiv trong tương lai.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 30.1 kêu gọi Hàn Quốc viện trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine.

Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Hàn Quốc đã tìm cách tránh đối đầu với Nga cả vì lý do kinh tế và vì Nga có khả năng tác động đến vấn đề Triều Tiên. Seoul đã chi hàng chục triệu USD viện trợ nhân đạo và 20 loại thiết bị quân sự phi sát thương cho Ukraine, trong đó có mũ chống đạn và trang bị y tế.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói rằng chính sách của nước này nghiêm cấm cung cấp vũ khí cho các quốc gia có xung đột, nên khó có thể viện trợ khí tài cho Ukraine.

Tuy nhiên, khi phát biểu trong chuyến thăm Hàn Quốc, ông Stoltenberg kêu gọi Seoul hỗ trợ nhiều hơn nữa và cho biết Ukraine đang có "nhu cầu cấp bách" về đạn dược.

Nhà lãnh đạo NATO cũng lưu ý rằng các quốc gia như Đức, Thụy Điển và Na Uy từng áp dụng chính sách tương tự Hàn Quốc, nhưng đến nay đã thay đổi. Theo ông, các nước cần cung cấp vũ khí cho Ukraine nếu "không muốn Nga chiến thắng".

Xem nhanh: Ngày 340 chiến dịch Nga, Tổng thống Ukraine nói tình hình rất khó, phương Tây cần sớm cấp thêm vũ khí mạnh - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu khi đứng trước một xe tăng Leopard 2 trong chuyến thăm một căn cứ quân sự Đức. Berlin đã cam kết sẽ chuyển cho Kyiv 14 xe tăng loại này.

Reuters

Còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 29.1 đã tái khẳng định Đức sẽ không gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine, sau quyết định viện trợ xe tăng. Ông Scholz đã cảnh báo không nên làm tăng "nguy cơ leo thang" căng thẳng và nhấn mạnh: "Không có chiến tranh giữa NATO và Nga. Đức sẽ không cho phép leo thang như vậy".

Thủ tướng Đức cũng nói thêm rằng việc tiếp tục đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin là điều "cần thiết". Cuộc điện đàm cuối cùng giữa hai nhà lãnh đạo là vào đầu tháng 12.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.