Pavlivka và Ugledar nằm ở tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine), cách thành phố thủ phủ Donetsk 50 km về phía tây nam.
Theo báo cáo này, trong 3 ngày qua có thể Nga đã phát triển những cuộc tấn công thăm dò quanh các thị trấn Pavlivka và Ugledar thành cuộc tấn công có tính hiệp đồng hơn. Báo cáo viết: "Nga có khả năng đang nhắm đến việc mở trục tiến công mới vào khu vực Donetsk, và chuyển hướng lực lượng Ukraine khỏi khu vực Bakhmut".
Ukraine vào tuần trước cho biết giao tranh "ác liệt" đang diễn ra để giành quyền kiểm soát Ugledar. Thị trấn này cách Bakhmut khoảng 150 km về phía nam, và Bakhmut chính là nơi chiến sự kéo dài nhiều tháng qua, dẫn đến tổn thất nặng nề cho cả hai bên.
Bộ Quốc phòng Anh đánh giá "có một khả năng thực tế là Nga sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến ở Bakhmut", nhưng báo cáo cũng cho rằng Nga không chắc có đủ binh lực để đạt bước đột phá quan trọng trong khu vực.
Hôm 30.1, ông Yan Gagin, cố vấn cho người đứng đầu "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng, xác nhận với thông tấn xã TASS rằng các tay súng thuộc công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga đã áp sát và giành quyền kiểm soát một phần tuyến đường huyết mạch nối liền thành phố Chasov Yar với Bakhmut.
Tại sao việc kiểm soát thị trấn nhỏ Kreminna lại quan trọng đối với quân Ukraine?
Đây là một trong số ít những đường tiếp tế còn sót lại của lực lượng phòng thủ Ukraine tại Bakhmut. Cắt đứt được tuyến đường huyết mạch này sẽ khiến điều kiện tác chiến của lực lượng này gặp thêm nhiều khó khăn do thiếu đạn dược, vũ khí, lương thực và thuốc men.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 30.1 cho rằng Mỹ là bên "đã châm ngòi khủng hoảng Ukraine, cũng là nhân tố lớn nhất và đổ dầu vào lửa xung đột, khi liên tục gửi vũ khí hạng nặng đến Ukraine, điều chỉ khiến xung đột leo thang và kéo dài".
Tuyên bố này được bà Mao đưa ra khi được hỏi về thông tin chính phủ Mỹ đã thu được một số bằng chứng cho thấy một số công ty quốc doanh Trung Quốc có thể đang hỗ trợ kinh tế cũng như các thiết bị quân sự phi sát thương để Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bà Mao lập trường của Bắc Kinh là "khách quan và công bằng". Bà nói Trung Quốc "luôn đứng về phía hòa bình, đã và đang nỗ lực thúc đẩy giải pháp chính trị cho xung đột Ukraine, không bao giờ là người ngoài cuộc và không bao giờ đổ thêm dầu vào lửa, càng không trục lợi".
Bà Mao nói cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ". Bà nói Bắc Kinh không chấp nhận "hành vi tống tiền" và không ngồi yên nhìn Washington làm tổn hại quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Bà tuyên bố "Nếu Mỹ thực sự muốn chấm dứt xung đột và quan tâm đến cuộc sống của người dân Ukraine, họ cần ngừng gửi vũ khí và trục lợi từ cuộc chiến".
Sau khi đạt được cam kết từ phương Tây về viện trợ xe tăng chủ lực, Ukraine đang tiếp tục đẩy mạnh vận động hành lang nhằm được cung cấp chiến đấu cơ hiện đại.
Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ngày 31.1 cho biết Ba Lan gửi "tín hiệu tích cực" về việc chuyển giao máy bay F-16. Ông Yermak nói: "Ba Lan sẵn sàng chuyển tiêm kích F-16 cho chúng tôi với sự phối hợp của NATO".
Từ nước Mỹ, hiện cũng đang diễn ra nhiều nỗ lực nhằm giúp Ukraine có loại chiến đấu cơ mạnh mẽ này.
Chiến đấu cơ đa năng F-16 được hãng General Dynamics của Mỹ phát triển từ thập niên 1970 nhưng đã trải qua nhiều nâng cấp. F-16 có thể đạt tốc độ tối đa hơn 2.100 km/g ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m với tầm hoạt động 546 km. F-16 được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm và 11 giá treo có thể mang theo 7,7 tấn vũ khí.
Dù Ukraine từ lâu đề nghị phương Tây chuyển tiêm kích, Mỹ từ chối viện trợ các chiến đấu cơ F-15 và F-16. Các nước thành viên NATO cũng sẽ phải xin phép Mỹ nếu muốn chuyển tiêm kích F-15 và F-16 cho Ukraine.
Ngoài những mẫu máy này, Ukraine cũng muốn những loại tiêm kích khác của phương Tây như Eurofighter Typhoon. Anh cho đến gần đây đã bác bỏ khả năng này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã tuyên bố không chuyển máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi được các phóng viên hỏi về khả năng ủng hộ phương án chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine vào hôm 30.1, ông đã có một câu trả lời ngắn gọn và dứt khoát là "không".
Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 30.1 cho rằng việc phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ dẫn đến "sự leo thang đáng kể" của cuộc xung đột.
Ông Peskov nói Kyiv "đòi hỏi ngày càng nhiều vũ khí", trong khi các nước phương Tây đang "khuyến khích những yêu cầu này và tuyên bố sẵn sàng cung cấp những loại vũ khí như vậy".
Người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng "việc cung cấp vũ khí khiến các quốc gia NATO ngày càng tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột" nhưng "không có khả năng thay đổi tiến trình của các sự kiện".
Trong một báo cáo mới đây, tổ chức tư vấn chính sách RAND, nơi đã cố vấn chính sách cho Lầu Năm Góc trong nhiều thập niên, nhận định rằng việc giao tranh kéo dài ở Ukraine sẽ không mang lại lợi ích tốt nhất cho Mỹ.
Bình luận (0)