Xem nhanh: Ngày 362 chiến dịch, ông Putin quyết đối đầu, ông Zelensky nhắc Trung Quốc không giúp Nga

Xem nhanh: Ngày 362 chiến dịch, ông Putin quyết đối đầu, ông Zelensky nhắc Trung Quốc không giúp Nga

21/02/2023 23:24 GMT+7

Các lực lượng Nga vẫn nỗ lực gây sức ép lên thị trấn chiến lược Bakhmut ở miền đông Ukraine. Hôm 20.12, ông Yan Gagin, một cố vấn của lãnh đạo “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng, cho rằng “giành được Bakhmut chỉ là vấn đề thời gian”.

Ông Gagin cho rằng “không nên vội vàng” vì quân đội Nga đang tìm cách bảo toàn lực lượng và tập kích chính xác các cứ điểm của Ukraine. Ông nói quân đội Ukraine đã mất hàng nghìn binh sĩ tại khu vực này. Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về phát biểu.

Chiều 21.2 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu quan trọng trước quốc hội Nga liên quan đến cuộc xung đột.

Một ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm bất ngờ đến thủ đô Kyiv của Ukraine. Tại đây ông đã gặp gỡ người đồng cấp Volodymyr Zelensky và đến thăm một số địa điểm trong khi còi báo động không kích rền vang. Tổng thống Biden tuyên bố: “Kyiv chiếm một phần trong trái tim tôi”, và có những lời phát biểu có cánh, làm nức lòng người Ukraine.

Cuộc chiến đang ở giai đoạn then chốt với nguy cơ kéo dài và điều này có thể trở thành áp lực buộc Ukraine phải tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Có thể nói, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cần một liều thuốc khích lệ tinh thần, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đích thân đến để cung cấp liều thuốc đó. 

Chuyến đi của ông Biden được tổ chức rất bí mật. Tổng thống Biden gần như không để lộ bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ông sắp thăm Kyiv. Chiều 18.2 ông vẫn đến nhà thờ vào chiều 18.2 và sau đó đưa vợ đi ăn tối tại một nhà hàng ấm cúng ở thủ đô Washington.

Ông khởi hành lúc 4 giờ sáng ngày 19.2 (giờ địa phương) từ một sân bay quân sự ở ngoại ô thủ đô Washington, sau đó tiếp tục với 10 tiếng đi tàu từ Ba Lan đến Ukraine. Ông có mặt tại Kyiv vào sáng 20.2 và lưu lại đây 5 tiếng.

Chuyến đi của ông Biden được so sánh với việc các tổng thống Mỹ trước đây đi tới các vùng chiến sự như Iraq hay Afghanistan, nhưng lần này nguy hiểm hơn nhiều. Không giống như những nơi đó, Mỹ không kiểm soát không phận hoặc sân bay ở Ukraine. Vì lý do này, chuyến thăm Kyiv đã được lên kế hoạch ở quy mô nhỏ hơn nhiều.

Để tránh nguy cơ rò rỉ thông tin và cũng vì lý do an ninh, Nhà Trắng quyết định không cử quá nhiều người tháp tùng: chỉ một số quan chức cấp dưới thân cận nhất của ông Biden, một nhóm y tế nhỏ, hai nhà báo và đội ngũ an ninh.

Sau khi rời Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thủ đô Warsaw vào tối 202. Ông Biden dự kiến sẽ hội đàm với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda vào hôm nay 21.2, trước khi họp với đại diện các quốc gia NATO khác ở Đông Âu vào hôm sau. Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ thảo luận việc tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở Ba Lan, đất nước láng giềng của Ukraine và cũng là một thành viên NATO.

Trong một thông tin khác, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương hôm nay bày tỏ quan ngại xung đột ở Ukraine đang “leo thang và thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát”, kêu gọi các bên đàm phán hòa bình. Ông Tần Cương cũng kêu gọi “các nước liên quan ngừng đổ thêm dầu vào lửa, ngừng đổ lỗi cho Trung Quốc”.

Phát ngôn này được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tung ra cảnh báo liên quan đến việc Trung Quốc và Nga bắt tay nhau. Theo ông, nếu điều đó xảy ra thì có thể sẽ dẫn đến một cuộc Chiến tranh thế giới mới.

Khi dừng chân tại Hungary trước thềm chuyến thăm Nga vào tuần này, quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị cũng kêu gọi đàm phán và tiến tới hòa bình ở Ukraine.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, ông Vương Nghị cho biết thế giới đang bị ảnh hưởng xấu từ xung đột và hỗn loạn. Ông nhấn mạnh rằng “Trung Quốc cùng Hungary sẵn sàng hợp tác với các quốc gia yêu chuộng hòa bình khác để chấm dứt tình trạng thù địch hiện nay càng sớm càng tốt”.

Phương Tây vẫn xem cấm vận là một trong những biện pháp mạnh để buộc Nga phải ngừng chiến dịch quân sự. Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết Mỹ và các đồng minh sẽ áp đặt các biện pháp mới trong tuần này để ngăn chặn những nỗ lực né tránh cấm vận của Nga.

Ông Adeyemo cho biết một liên minh gồm hơn 30 quốc gia sẽ ngăn chặn việc Nga mua hàng hóa dân dụng như tủ lạnh để lấy nguồn vi mạch để sản xuất vũ khí. Các biện pháp trừng phạt cũng sẽ tìm cách thắt chặt hơn nữa việc vận chuyển dầu và các hàng hóa bị hạn chế khác qua các nước có chung biên giới.

Theo Thứ trưởng Adeyemo, mục tiêu là khiến Nga phải trả giá đắt hơn nếu muốn trốn tránh các lệnh cấm vận.

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 20.2 cho biết khối này đã áp đặt mọi lệnh cấm vận quy mô lớn đối với Moscow. EU lúc này không còn nhiều dư địa để ban hành thêm lệnh cấm vận Nga và vì vậy, ông Michel cho biết các lệnh trừng phạt mới trong thời gian tới sẽ nhằm mục đích “thắt chặt các kẽ hở và ngăn chặn các nỗ lực lách luật”.

Cơ quan tình báo đối ngoại Nga ngày 20.2 cho biết kể từ tháng 12.2021, các nước thành viên NATO đã cung cấp cho Ukraine lượng lớn vũ khí hạng nặng, trong đó có 440 xe tăng, hơn 1500 xe chiến đấu bộ binh. Ngoài ra, Ukraine còn nhận được 1.170 hệ thống phòng không, 655 hệ thống pháo, 9.800 quả rocket. Cơ quan này cho biết “hầu hết thiết bị quân sự của phương Tây cấp cho Ukraine đã bị lực lượng Nga phá hủy”.

Phía Ukraine và các đồng minh phương Tây chưa có bình luận gì sau tuyên bố này. Tuy nhiên, những tuyên bố trước đó của Moscow về việc phá hủy các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt tiên tiến HIMARS đã bị cả Kyiv và Washington bác bỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.