Xem nhanh: Ngày 363 chiến dịch, ông Biden nói Ukraine sẽ thắng; Nga muốn gì khi đình chỉ hiệp ước hạt nhân?

Xem nhanh: Ngày 363 chiến dịch, ông Biden nói Ukraine sẽ thắng; Nga muốn gì khi đình chỉ hiệp ước hạt nhân?

22/02/2023 23:23 GMT+7

Chiến sự ác liệt vẫn đang diễn ra ở miền đông Ukraine. Hôm 21.2, lãnh đạo vùng ly khai Donetsk Denis Pushilin tuyên bố lực lượng Nga đang đạt được đà tiến trên mọi khu vực ở tiền tuyến.

Ngược lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào cùng ngày nói rằng lực lượng Ukraine vẫn giữ vững vị trí ở mặt trận miền đông. Ông nói Nga chịu tổn thất rất lớn ở Donetsk và Luhansk nhưng vẫn không bỏ cuộc.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 21.2 cho biết các đội xung kích của lực lượng Nga trong 48 giờ trước đó đã tiến thêm 2,5 km về phía khu vực Ukraine thiết lập phòng tuyến bên ngoài Bakhmut. Như quý vị cũng biết, Bakhmut là thị trấn chiến lược mà hai bên đang giành giật trong suốt nhiều tháng qua.

Một đại diện của lực lượng dân quân “Cộng hòa Nhân dân Lugansk” tự xưng hôm 21.2 cho biết quân đội Ukraine đã điều động một phần Tiểu đoàn Aidar tinh nhuệ đến giải vây cho khu vực thành phố Bakhmut ở miền Đông nước này.

Ông cũng nói rằng các đơn vị Ukraine phòng thủ Bakhmut đang biến cơ sở của một doanh nghiệp công nghiệp lớn thành nơi cất trữ vũ khí, thiết bị và đảm bảo an toàn cho binh sĩ.

Trên mặt trận ngoại giao, Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang ở Ba Lan, nơi ông sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo nhóm 9 nước thành viên Đông Âu của NATO và người đứng đầu khối Jens Stoltenberg.

Ông Biden đã đến Warsaw sau chuyến thăm bất ngờ đến Kyiv hôm 20.2. Tại đây, ông đã có bài phát biểu nảy lửa nhằm tập hợp sự nhất trí từ các đồng minh NATO để ủng cho Ukraine và đương đầu Nga.

Trước bài diễn văn của ông Biden dành cho các đồng minh NATO thì Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có một bài phát biểu cứng rắn trước nghị viện nước này. Đó chính là Thông điệp Liên bang kéo dài 1 giờ 45 phút mà bản tin Truyền hình báo Thanh Niên hôm qua có đề cập. Phát biểu của ông Putin nhấn mạnh vào mối quan hệ căng thẳng giữa Nga với phương Tây, tiếp tục nêu lý do phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tổng thống Putin cũng thể hiện sự thách thức các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt với nền kinh tế Nga. Đồng thời, bài phát biểu báo hiệu một thời kỳ khó lường về kiểm soát vũ khí hạt nhân khi ông Putin tuyên bố đình chỉ sự tham gia của Nga trong hiệp ước kiểm soát hạt nhân New START với Mỹ.

Trong Thông điệp Liên bang hôm 21.2, Tổng thống Vladimir Putin cáo buộc Mỹ hành xử "kỳ lạ" khi yêu cầu thanh tra các cơ sở hạt nhân của Nga trong khi NATO đang "giúp đỡ Ukraine tìm cách tấn công chính những cơ sở này".

Theo giới phân tích, dường như ông Putin đang đề cập đến cuộc tập kích bằng máy bay không người lái vào sân bay Engels gần Saratov, cách Moscow khoảng 730 km về phía đông nam, hồi tháng 12/2022. Đây chính là nơi Nga đặt căn cứ máy bay ném bom chiến lược có thể mang vũ khí hạt nhân.

Ukraine không nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng Nga cáo buộc Kyiv đã thực hiện đòn tập kích với sự hỗ trợ của NATO. Ông Putin cho rằng các chuyên gia NATO đã "trang bị và hiện đại hóa" máy bay không người lái để Ukraine tiến hành vụ tập kích sân bay Engels.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga và Mỹ đang sở hữu 90% trên tổng số đầu đạn hạt nhân của toàn thế giới. Nga có 5.977 đầu đạn vào thời điểm đầu năm 2022, trong đó hơn 1.600 đầu đạn đã triển khai. Mỹ có 1.750 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng chiến đấu trong tổng số 5.428 đầu đạn.

Tổng thống Vladimir Putin hôm 21.2 đã trình lên Hạ viện Nga dự luật đình chỉ New START để xem xét thông qua.

Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho biết dự luật này sẽ được xem xét bỏ phiếu trong hôm nay. Nếu được Hạ viện Nga thông qua, dự luật sau đó sẽ được trình lên Thượng viện Nga phê duyệt.

Ngày 22.2, giới chức Nga tiếp tục quy trách nhiệm cho Mỹ và phương Tây về quyết định của Tổng thống Putin liên quan hiệp ước kiểm soát hạt nhân New START.

Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, hiện là phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga, cho biết động thái này là một phản ứng đáng ra đã có từ lâu đối với việc Mỹ và NATO tuyên chiến với Nga. 

Phía Nga hôm 22.2 cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về động thái của LHQ liên quan việc luân chuyển nhân viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho biết IAEA đang làm gián đoạn quá trình thay đổi nhân sự theo lịch trình mà không có lý do chính đáng.

Hiện nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga. 

Thưa quý vị, quay lại với chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thủ đô Kyiv hôm 20.2, tình báo Nga mới đây cho biết Moscow đã nắm thông tin này nhưng không có cam kết đảm bảo an ninh trong quãng thời gian Tổng thống Biden ở Kyiv. TUyên bố này trái ngược với thông tin do phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra trước đó.

Liên quan đến tình hình chiến sự, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov chiều 21.2 tuyên bố, trong 24 giờ trước đó, các lực lượng Nga đã phá hủy 2 Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp cho Ukraine và một kho đạn dược của Ukraine gần thành phố Kramatorsk thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng ở miền đông Ukraine, theo Hãng tin TASS.

Ông Konashenkov còn nói rằng trong các trận chiến mới, lực lượng Nga "đã loại bỏ" tới 70 quân nhân Ukraine, một xe tăng, hai chiếc xe chiến đấu bọc thép, ba phương tiện cơ giới, một bệ phóng rốc két đa nòng Grad, một khẩu lựu pháo D-20 và một hệ thống pháo M777 do Mỹ sản xuất.

Trước đó vào sáng cùng ngày, quân đội Ukraine tuyên bố đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga trong các tỉnh Kharkiv, Luhansk và Donetsk ở miền đông, theo trang The Kyiv Independent.

Ở một diễn biến khác, hai quan chức Mỹ tiết lộ rằng Nga đã thử tên lửa Sarmat thất bại tại thời điểm Tổng thống Joe Biden ở Ukraine.

Trung Quốc gần đây đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải. Quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) vào cuối tuần trước cho biết Bắc Kinh có một kế hoạch hòa bình và sẽ công bố đúng ngày chiến dịch quân sự của Nga tròn một năm.

Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay, kế hoạch của Bắc Kinh gồm kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ cũng như đề xuất đảm bảo an ninh cho các cơ sở hạt nhân, cấm sử dụng vũ khí hóa học, sinh học. Ngoài ra, đề xuất còn bao gồm kêu gọi các bên ngừng bắn, phương Tây dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với các quan chức NATO và EU tại Brussels (Bỉ) ngày 21.2, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, ông Vương Nghị đã chia sẻ với ông về một số nội dung chính trong kế hoạch hòa bình do Bắc Kinh đề xuất.

Tuy nhiên, ông Kubela không tiết lộ liệu những nội dung chính mà Bắc Kinh đã chia sẻ. Ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh nước này vẫn ưu tiên công thức hòa bình 10 điểm do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra hồi cuối năm ngoái.

Trong một diễn biến liên quan, báo Wall Street Jounal của Mỹ mới đây tiết lộ thông tin độc quyền là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Nga để bàn chuyện Ukraine trong vài tháng tới.

Một nhân vật đình đám rất quen thuộc với chúng ta là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lại vừa có phát ngôn đáng chú ý về Ukraine.

Tại một cuộc vận động tranh cử ở Florida ngày 20.2, ông Trump tuyên bố tuyên bố nếu tái đắc cử thì ông sẽ có cách làm trung gian hòa giải để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine chỉ trong vòng vài giờ.

Ông Trump nói nếu đắc cử thì “ngay từ đêm giành chiến thắng, tôi sẽ gọi cho hai người là Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tôi nói rằng chúng ta sẽ gặp nhau. Tôi đảm bảo có thể giải quyết được vấn đề đó. Chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận chỉ trong 24 giờ".

Theo ông Trump, việc các nước phương Tây tiếp tục đổ viện trợ quân sự vào Ukraine đang làm trì hoãn quá trình giải quyết xung đột bằng biện pháp ngoại giao và khiến nhiều người thiệt mạng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.