Xem nhanh: Ngày 393 chiến dịch, Ukraine nói sắp phản công; tướng Mỹ tin cần đàm phán để kết thúc

Xem nhanh: Ngày 393 chiến dịch, Ukraine nói sắp phản công; tướng Mỹ tin cần đàm phán để kết thúc

La Vi: Kịch bản. Trúc Huỳnh: MC. Thanh Nguyên: Dựng. Tấn Cư: Quay.
24/03/2023 23:33 GMT+7

Nhà chức trách Ukraine hôm 24.3 cáo buộc UAV Nga đã tấn công thành phố Kryvyi Rih. Đây chính là quê hương của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Chính quyền Kryvyi Rih xác nhận ít nhất 5 UAV cảm tử đã đánh trúng các mục tiêu tại thành phố này. Cảnh sát địa phương khẳng định các vụ tấn công trên đã không để lại hậu quả về người. Tuy nhiên, thiệt hại về tài sản và cơ sở vật chất đã được ghi nhận.

Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ở Mỹ cho rằng đợt tập kích quy mô nhỏ bằng UAV gần đây của Nga vào Ukraine cho thấy Moscow đang thiếu hụt tên lửa tầm xa chính xác.

Bà Nataliya Humenyuk, phát ngôn viên Quân khu Miền Nam Ukraine, cho rằng các cuộc tập kích bằng tên lửa của Nga vẫn là mối đe dọa ở mức cao với nước này, nhưng lực lượng Nga nhiều khả năng chỉ có thể tiến hành những đợt tấn công hạn chế.

Trong khi đó, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt tại vùng Donbass, dù tình hình tại điểm nóng Bakhmut có vẻ dịu lại trong vài ngày qua.

Giới chuyên gia phương Tây dự báo Ukraine có thể mở cuộc phản công trong tương lai gần, nhưng hiện tại cần phải cầm cự để chờ tới lúc nhận được xe tăng, thiết giáp hiện đại của phương Tây. Trong khi đó, Tư lệnh Lục quân Ukraine mới đây khẳng định lực lượng của ông sẽ sớm triển khai cuộc phản công sau khi đứng vững trước chiến dịch tấn công mùa đông của Nga.

Ông Serhii Cherevatyi, người phát ngôn của lực lượng Ukraine ở miền Đông, hôm 23.3 cho biết thành phố Bakhmut vẫn là "trọng điểm tiến công chính của lực lượng Nga", hứng chịu hơn 200 cuộc tấn công trong một ngày.

Ông Cherevatyi nói rất khó để đánh giá cường độ các cuộc tấn công của Nga xung quanh Bakhmut có giảm đi hay không, lý do là còn nhiều yếu tố ảnh hưởng như thời tiết, hoạt động luân chuyển quân và quân dự bị của Nga.

Tuy nhiên, ông Cherevatyi xác nhận Nga vẫn giữ nguyên chiến thuật sử dụng các nhóm tác chiến nhỏ nhằm "làm suy yếu tuyến phòng thủ của Ukraine". Ông nói các đơn vị thuộc tổ chức quân sự tư nhân Nga Wagner đang ở gần Bakhmut, còn quân chính quy Nga sẽ tiếp viện khi cần thiết.

Người phát ngôn lực lượng Ukraine nói nhiệm vụ chính của các đơn vị Ukraine ở khu vực này là “cầm cự, tiêu hao lực lượng của đối phương, trong khi các đơn vị được huấn luyện ở cả Ukraine và nước ngoài, được trang bị các thiết bị phòng thủ mới, đang phối hợp với nhau".

Ukraine có quân số thường trực khoảng 260.000 người vào thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Quân đội Ukraine đến nay vẫn có thể bổ sung quân số thường xuyên và đang đặt hy vọng vào hàng chục nghìn binh sĩ mới, trong đó có cả những người được huấn luyện ở phương Tây, sẵn sàng cho cuộc phản công mùa xuân.

Số nam giới Ukraine tình nguyện nhập ngũ và sẵn sàng chiến đấu vẫn được duy trì đều đặn. Tuy nhiên, ông Ruslan Bortnik, lãnh đạo Viện Chính trị Ukraine, cơ quan nghiên cứu chính sách ở Kyiv, cảnh báo rằng thời gian có thể không đứng về phía Ukraine khi nước này tiếp tục mất quân trên chiến trường khi chiến sự kéo dài.

Ukraine có thể nhận được ngày càng nhiều khí tài hiện đại từ phương Tây, nhưng mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa nếu quân đội nước này không thể bù đắp lực lượng tổn thất qua các đợt giao tranh.

Tổn thất cho các lực lượng Nga ở Ukraine chắc chắn cũng không nhỏ.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley mới đây nhận định sẽ đến lúc cả hai phía Nga và Ukraine nhận ra rằng “cái giá phải trả để tiếp tục thực hiện cuộc chiến này thông qua các biện pháp quân sự là cực kỳ khó khăn”.

Trong một bài phát biểu qua video tại một cuộc họp ở Hội đồng châu Âu hôm 23.3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn tràn trề hy vọng về một chiến thắng quân sự trong năm nay nếu được phương Tây đoàn kết hỗ trợ. Ông tuyên bố: "Không ai biết chắc chắn cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu và trận chiến nào sẽ mang lại cho chúng ta thành công nhanh hơn và trận chiến nào sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Nhưng điều rõ ràng là nếu không có chậm trễ hoặc đình trệ trong sự hợp tác của chúng ta, nếu những nỗ lực chung của chúng ta tập trung cao độ vào chiến thắng của Ukraine, chúng ta sẽ giành được chiến thắng ngay trong năm nay".

Như phần trước của bản tin có đề cập, Bộ Quốc phòng Slovakia ngày 23.3 thông báo Slovakia đã bàn giao 4 máy bay chiến đấu MiG-29 đầu tiên mà nước này cam kết tặng cho Ukraine và số máy bay còn lại sẽ được chuyển giao trong vài tuần tới.

Hồi tuần trước, Slovakia đã hứa tặng tổng cộng là 13 chiếc máy bay MiG-29, do Liên Xô sản xuất, cho Ukraine.

Trong khi đó, báo The Kyiv Independent ngày 23.3 đưa tin Phần Lan đã cam kết cung cấp thêm 3 xe tăng Leopard 2 từ kho vũ khí của mình cho Ukraine, nâng tổng số lên 6 chiếc.

Tuy nhiên, Tổng thống CH Czech Petr Pavel ngày 22.3 nói nước này đã làm tất cả những gì có thể để giúp Ukraine trong cuộc xung đột Ukraine-Nga. Ông nói dù CH Czech vẫn có khả năng sản xuất một số hệ thống phòng không và đạn dược mà Ukraine cần, nhưng "bị hạn chế do thiếu lực lượng lao động".

Và trong NATO vẫn còn đó Hungary, một thành viên mà các đồng minh thân thiết với Ukraine không mấy ưa thích vì không tích cực hưởng ứng hỗ trợ Kyiv. Mới đây Hungary đã khẳng định dù mình là một thành viên thuộc Tòa Hình sự Quốc tế nhưng sẽ không thực hiện lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin theo lệnh bắt mà tòa án này đưa ra gần đây.

CNN dẫn lời Lực lượng Không quân Ấn Độ cho biết Nga không thể thực hiện các cam kết cung cấp vũ khí cho Ấn Độ vì cuộc xung đột Ukraine. Điều này gây căng thẳng tiềm tàng cho mối quan hệ của New Delhi với nhà cung cấp quốc phòng lớn nhất của họ là Moscow.

Một đại diện của không quân Ấn Độ nói với ủy ban quốc hội nước này rằng việc chuyển giao vũ khí từ Moscow sẽ không diễn ra vì chiến sự ở Ukraine.

Một dấu hiệu khác có thể cho thấy hệ thống quân sự Nga đang có vấn đề là việc nước này điều binh sĩ đến Belarus để huấn luyện. Theo một bản tin tình báo của Bộ Quốc phòng Anh, tính đến giữa tháng 3.2023, Nga có khả năng đã tái triển khai ít nhất 1.000 binh sĩ đang huấn luyện tại một thao trường ở tây nam Belarus.

Bộ Quốc phòng Anh bình luận rằng Nga đã phải viện đến quân đội Belarus để đào tạo binh sĩ của mình và điều này chứng tỏ xung đột Ukraine đã làm xáo trộn nghiêm trọng hệ thống đào tạo của quân đội Moscow.

Ở một diễn biến khác thì như quý vị đã biết, Mỹ là nhà tài trợ vũ khí lớn nhất của Ukraine. Nội bộ chính trường nước này gần đây đã xuất hiện những câu hỏi về vấn đề viện trợ quân sự cho Kyiv. Và sự ủng hộ dành cho Ukraine có thể trở thành vấn đề trọng tâm trong cuộc đua tổng thống năm 2024 của đảng Cộng hòa, khiến chính sách đối ngoại giữa các ứng cử viên có sự khác biệt về quan điểm.

Thống đốc bang Florida của Mỹ, ông Ron DeSantis, mới đây đã có động thái xoa dịu dư luận sau khi gọi xung đột Nga - Ukraine là "tranh chấp lãnh thổ". Ông nói việc ông dùng cụm từ trên là “nhầm lẫn” và nói hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine là “điều sai trái”.

Trong khi đó, ở Nga, vị quan chức nổi tiếng cứng rắn là ông Dmitry Medvedev, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, hôm nay tuyên bố các chuyên gia phương Tây áp tải vũ khí đến Ukraine sẽ là mục tiêu hợp pháp cho quân đội Nga.

Ông Medvedev, người từng là tổng thống Nga, nói dù việc cung cấp không bị coi là trực tiếp tham gia vào xung đột nhưng “số chuyên gia nước ngoài đi kèm khí tài viện trợ là bằng chứng cho thấy sự can dự trực tiếp của quốc gia khác. Những người đó sẽ được xem là lực lượng tham chiến, kẻ thù của quốc gia và mục tiêu hợp pháp, cần bị tiêu diệt".

Ông Medvedev tuyên bố "bất kỳ binh sĩ Mỹ, Ba Lan hay nước thành viên nào của NATO xuất hiện trong khu vực chiến sự cũng sẽ bị tiêu diệt".

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cũng nhấn mạnh mọi kịch bản đều có thể xảy ra trong chiến dịch tại Ukraine và quân đội Nga vẫn có thể tấn công đến Kyiv hay tận Lviv, là thành phố sát biên giới Ba Lan.

Trong tình thế hiện nay thì đây rõ ràng là kịch bản rất khó xảy ra, khi mà phía Nga có lẽ cũng đang phải rất lo lắng trước chiến dịch phản công mùa xuân mà Ukraine đang lên kế hoạch. Và trong thời gian qua Ukraine cũng đã chứng tỏ họ có thể mang chết chóc đến tận bên trong lãnh thổ nước Nga qua những đợt tấn công phá hoại hay phóng UAV tự sát vào các căn cứ quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Nga mới đây cho biết sẽ củng cố hệ thống phòng không của Moscow, trước nguy cơ thủ đô có thể sẽ trở thành mục tiêu của Kyiv.

Hãng tin Reuters hôm 23.3 đưa tin nhà chức trách Đan Mạch đã phát hiện ra một vật thể hình ống có đường kính khoảng 10cm gần một đường của dự án Nord Stream 2 ở biển Baltic. Vật thể này hiện đang bị kẹt trong cát dưới đáy biển với phần nhô ra dài khoảng 40cm.

Đan Mạch đã mời Nord Stream AG2, là công ty do Nga kiểm soát, tham gia vào quá trình định vị và trục vớt một vật thể lạ này. Đây cũng chính là công ty vận hành đường ống Nord Stream 2.

Theo Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, "vật thể này hiện chưa gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng nào đe dọa đến an toàn của đường ống".

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước tuyên bố tàu tìm kiếm của tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom đã phát hiện một vật thể có thiết kế như ăng ten nằm cách khu vực xảy ra các vụ nổ đường ống khí đốt Nord Stream khoảng 30km. Hiện chưa rõ đây có phải là vật thể mà Đan Mạch đang đề cập đến hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.