Đài truyền hình nhà nước của Ukraine Suspilne đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 27.3 đã đến thăm các địa điểm ở tiền tuyến tại tỉnh Zaporizhzhia thuộc miền nam Ukraine. Dẫn thông tin từ văn phòng tổng thống, đài Suspilne cho biết ông Zelensky “tìm hiểu về tình hình hoạt động và trao phần thưởng cho quân đội”.
Zaporizhzhia là một trong 4 tỉnh của Ukraine mà Nga chiếm đóng một phần, cũng như đơn phương tuyên bố sáp nhập vào năm ngoái. Tổng thống Zelensky đã đăng lên kênh Telegram của mình một đoạn video quay cảnh ông gặp gỡ những người lính ở đây.
Cũng tại Zaporizhzhia hôm 27.3, ông Zelensky đã gặp người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Rafael Grossi. Zaporizhzhia là nơi có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, nơi mà lực lượng Nga chiếm đóng gần như ngay từ đầu cuộc chiến.
Hai bên đã có một "cuộc trao đổi chi tiết" về việc bảo vệ nhà máy và nhân viên ở đây. Đồng thời, ông Grossi cũng nhắc lại cam kết hỗ trợ đầy đủ của IAEA đối với các cơ sở hạt nhân của Ukraine.
Trong khi đó, tại điểm nóng xung đột ở miền đông là thành phố Bakhmut, tư lệnh lục quân Ukraine nhấn mạnh quyết tâm tiếp tục chiến đấu để buộc quân Nga phải cạn kiệt sức lực tại đây.
Trong những ngày qua, thông báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus tiếp tục gây sóng gió.
Bộ Ngoại giao Belarus hôm nay cho biết nước này đồng ý để Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ do đối mặt với áp lực “chưa từng có" từ các nước phương Tây trong hơn 2 năm qua. Những áp lực này buộc Minsk phải hành động để đảm bảo an ninh quốc gia.
Cao ủy Đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng việc Belarus tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Nga sẽ là "hành động leo thang vô trách nhiệm, đe dọa an ninh châu Âu". Ông cảnh báo EU sẵn sàng tung ra các lệnh trừng phạt mới nếu Minsk không thay đổi quyết định. Trong khi đó, Ukraine kêu gọi HĐBA LHQ tổ chức họp khẩn về vấn đề này.
Về phía Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định phản ứng của phương Tây sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 28.3 nói Mỹ ra mặt "đạo đức giả" khi chỉ trích Moscow quyết định đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước ngoài, vì Washington cũng làm điều tương tự.
Ông Antonov chỉ ra rằng "trong 60 năm qua, Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật của họ tại 5 quốc gia phi hạt nhân là Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ".
Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhắc lại tuyên bố chung của lãnh đạo 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hồi tháng 1.2022, rằng "một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không có người thắng và không được phép xảy ra".
Bà Mao nhấn mạnh: "Trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả các bên cần tập trung nỗ lực ngoại giao để giải quyết khủng hoảng Ukraine bằng biện pháp hòa bình và cùng nhau xuống thang".
Một trong những lý do mà phía Nga đưa ra để biện minh cho quyết định triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus là việc Anh nói sẽ chuyển cho Ukraine đạn uranium nghèo để sử dụng cùng số xe tăng Challenger 2 mà London viện trợ cho Kyiv. Hôm 27.3, Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 27.3 cho biết đã nhận được một số xe tăng Anh, cũng như xe tăng Leopard 2 từ Đức và Bồ Đào Nha. Số vũ khí quan trọng này được chuyển đến giữa lúc Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc phản công quy mô lớn.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã bày tỏ sự phấn khởi khi được lái thử xe tăng Challenger 2 của Anh.
Trong một bài đăng trên Twitter, Bộ trưởng Oleksii Reznikov viết: “Thật vui khi được lái thử chiếc Challenger 2 đầu tiên của Ukraine. Những cỗ máy tuyệt vời này sẽ sớm bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu".
Trong bối cảnh phương Tây tiếp tục đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nói các nước NATO là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Báo Nga Rossiyskaya Gazeta hôm 27.3 dẫn lời ông Patrushev nói: "Trên thực tế, các nước NATO là một bên trong cuộc xung đột. Họ biến Ukraine thành một doanh trại quân đội lớn. Họ gửi vũ khí và đạn dược cho quân đội Ukraine, cung cấp thông tin tình báo cho họ".
Ông Patrushev cũng cảnh báo rằng Nga có vũ khí “hiện đại độc nhất vô nhị” để tiêu diệt mọi kẻ thù nếu sự tồn vong của mình bị đe dọa. Ông cũng cho rằng Washington đang đánh giá thấp sức mạnh hạt nhân của Moscow.
Mỹ chưa lập tức bình luận về phát biểu của vị quan chức Nga.
Cũng liên quan đến viện trợ xe tăng cho Ukraine thì như quý vị cũng biết trong một bản tin gần đây của truyền hình báo Thanh Niên, Mỹ đã quyết định cung cấp phiên bản cũ hơn của xe tăng M1 Abrams để rút ngắn thời gian chuyển giao. Thế nhưng dù không phải là bản nâng cấp M1A2 tiên tiến hơn, thì những chiếc xe tăng M1A1 cũng được giới phân tích phương Tây cho là có năng lực vượt trội loại xe tăng phổ biến của Nga ở Ukraine.
Hôm qua, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục khẳng định lại rằng ông có thể giải quyết xung đột Nga - Ukraine chỉ trong một ngày và các cuộc đàm phán sẽ "rất đơn giản".
Trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News, ông Trump cảnh báo nguy cơ chiến sự Nga - Ukraine có thể sẽ kéo dài cho đến bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Ông chỉ trích chính sách của Tổng thống Joe Biden "có nguy cơ dẫn đến Thế chiến 3".
Ông Trump nói nếu đắc cử tổng thống khi xung đột Nga-Ukraine còn tiếp diễn, ông “có thể giải quyết trong vòng 24 giờ với sự tham gia của Tổng thống Putin và Zelensky"
Cựu tổng thống Mỹ khẳng định những cuộc đàm phán để chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine "rất đơn giản", song lại từ chối tiết lộ dự định chi tiết.
Vẫn còn quá sớm để tính đến những khả năng như ông Trump vừa nói. Những gì đang xảy ra hiện tại là hai bên vẫn đang chuẩn bị sức lực cho một cuộc quyết chiến lớn trong những tháng tới. Ukraine hiện đang có sự trợ giúp lớn từ phương Tây, không chỉ bằng viện trợ vũ khí, xe tăng như quý vị vừa xem, mà còn được hỗ trợ huấn luyện binh sĩ.
Theo lời một nhân vật thân Nga ở vùng Luhansk, tình hình ở đây có vẻ nguy cấp với lực lượng phòng thủ.
Ông Andrey Marochko, lãnh đạo quân sự đã nghỉ hưu của “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” tự xưng, hôm 27.3 nói với hãng tin RIA Novosti rằng "truyền thông Ukraine đang liên tục đưa tin về những đơn vị đặc nhiệm được điều đến Bakhmut để chiến đấu như bộ binh. Điều này cho thấy tình hình lực lượng Ukraine ở đó rất nguy cấp, buộc đối phương ném các lực lượng tinh nhuệ vào cối xay thịt".
Ông Marochko nói các đơn vị Ukraine huấn luyện ở phương Tây cũng đang được triển khai tới Bakhmut, nhằm bù đắp thương vong lớn trong những ngày qua.
Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin này.
Lực lượng của công ty an ninh tư nhân Wagner đang giữ vai trò xung kích trong cuộc tiến công của Nga tại mặt trận Bakhmut. Lực lượng này được cho là đã chịu nhiều tổn thất trong các trận đánh khốc liệt tại đây.
Ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo Wagner, gần đây cho biết trung bình 500 - 800 người tới đăng ký tại các trung tâm tuyển dụng của Wagner trên khắp nước Nga mỗi ngày. Ông ước tính Wagner có thể bổ sung thêm khoảng 30.000 thành viên trước tháng 5.
Quốc hội Hungary ngày 27.3 đã thông qua dự luật cho phép Phần Lan gia nhập NATO, đưa quốc gia Bắc Âu này tiến một bước gần hơn để trở thành thành viên đầy đủ của liên minh quân sự phương Tây.
Sau sự chấp thuận của Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nước duy nhất trong số 30 thành viên của NATO chưa phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan.
Trong khi đó, dự luật về việc gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn đang mắc kẹt tại quốc hội ở cả Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận (0)