Xem nhanh: Ngày 426 chiến dịch, Nga dùng xe tăng T-14, vũ khí phá Starlink, bác tin đồn về ông Putin

Xem nhanh: Ngày 426 chiến dịch, Nga dùng xe tăng T-14, vũ khí phá Starlink, bác tin đồn về ông Putin

26/04/2023 22:36 GMT+7

Ông Serhii Cherevatyi, người phát ngôn của quân đội Ukraine ở miền đông, ngày 25.4 cho biết tình hình chiến sự ở thành phố Bakhmut "thay đổi theo thời gian" và hai bên vẫn giành giật các vị trí tại đây.

Ông nói Nga “đang tập trung toàn bộ lực lượng vào Bakhmut. Ông cũng nhận định rằng lực lượng quân sự tư nhân Nga Wagner không còn một mình thực hiện các nhiệm vụ ở Bakhmut. Theo ông Cherevatyi, Nga triển khai ngày càng nhiều hơn các cuộc không kích và lực lượng đổ bộ đường không tại đây.

Ông Cherevatyi nói pháo binh Ukraine đang nỗ lực bảo vệ các tuyến đường tiếp tế vào Bakhmut, trong khi các kỹ sư đang làm tất cả những gì có thể "để đảm bảo khôi phục một số tuyến đường liên lạc".

Báo cáo tình báo của Bộ Quốc phòng Anh ngày 26.4 nhận định tại các quận phía tây của thành phố Bakhmut thuộc vùng Donetsk, các cuộc giao tranh quy mô lớn giữa các lực lượng Ukraine và Nga vẫn tiếp diễn.

Trong bản cập nhật hôm nay, tình báo quốc phòng Anh nhận định "một diễn biến quan trọng trong tuần qua là giao tranh ở ngoại ô Bakhmut, khi Ukraine tìm cách duy trì quyền kiểm soát tuyến đường tiếp tế 0506".

Đường 0506 là một con đường nông thôn nhỏ nhưng đã trở thành tuyến tiếp tế quan trọng cho lực lượng phòng thủ của Ukraine. Các tuyến đường tiếp tế khác cho Bakhmut có thể bất tiện hơn do lầy lội.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích tình báo nguồn mở Phần Lan Emil Kastehelmi, lực lượng Ukraine vẫn còn một con đường khác vào Bakhmut là đường T0504 nằm phía nam.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết các tuyến phòng thủ của Ukraine ở thành phố Bakhmut hiện được kết hợp vào một khu vực phòng thủ lớn hơn nhiều, bao gồm thị trấn Chasiv Yar ở phía tây.

Ở một diễn biến khác, một quan chức quốc phòng Anh ngày 25.4 xác nhận London đã bắt đầu chuyển đạn uranium nghèo đến Ukraine và Bộ Quốc phòng Anh không biết Ukraine dùng loại đạn này ở đâu.

Vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng: "Anh đã tuyên bố cung cấp cho Ukraine không chỉ xe tăng mà còn đạn pháo chứa thành phần uranium. Nếu điều đó xảy ra, Nga buộc phải đáp trả". Hiện chưa rõ Nga sẽ đáp trả bằng biện pháp nào đối với động thái của Anh.

Đạn uranium sẽ được Ukraine sử dụng cho xe tăng Challenger 2. Challenger 2 cùng với các xe tăng hạng nặng khác do phương Tây cung cấp được Ukraine xem là chìa khóa thay đổi cuộc chơi, trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị cho cuộc phản công lớn. Tuy nhiên, một nhân tố mới đã xuất hiện ở chiến trường Ukraine và được cho là đối thủ đáng gờm của những chiếc xe tăng phương Tây.

Mỹ đã cam kết chuyển giao 31 xe tăng M1 Abrams nổi tiếng của mình cho Ukraine để hợp cùng Leopard 2 của châu Âu và Challenger 2 của Anh tăng cường sức mạnh cho Ukraine. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder hôm 24.4 cho biết một số xe tăng Abrams đã được gửi đến Đức để tổ chức huấn luyện cho quân nhân Ukraine. Tuy nhiên, số xe tăng sẽ được gửi cho Ukraine vẫn đang trong quá trình chuẩn bị và tái trang bị cho phù hợp với yêu cầu của Kyiv.

Chuyển sang một thông tin khác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói thế giới đang đối mặt thập niên nguy hiểm nhất kể từ thế chiến 2. Nhà lãnh đạo gọi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine là "cuộc chiến sống còn của Nga trước phương Tây". Ông Putin tuyên bố sẽ dùng mọi cách có thể để bảo vệ nước Nga.

Hôm 25.4, một đồng minh thân cận của ông Putin là ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nói thế giới có lẽ đang đứng trên bờ vực của chiến tranh thế giới mới và nguy cơ đối đầu hạt nhân đang gia tăng.

Sau chuyến đi bất ngờ của Tổng thống Putin đến Kherson và Luhansk vào tuần trước, một số quan chức Ukraine tuyên bố ông Putin chỉ điều người thế thân đi công tác, còn chính ông thì vẫn ở lại Điện Kremlin. Tổng thống Nga cũng là đối tượng của rất nhiều tin đồn về tình trạng sức khỏe kém.

Trong cuộc họp báo ngày 25.4 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Ngoại trưởng Sergey Lavrov nói Nga và Mỹ đang duy trì kênh liên lạc đặc biệt và không công khai để thảo luận về trao đổi tù nhân. Theo ông Lavrov, kênh này đã được thiết lập khi Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin gặp nhau tại Geneva năm 2021.

Khi phóng viên hỏi ông có đích thân tham gia vào các cuộc thảo luận về trao đổi tù nhân hay không, Ngoại trưởng Lavrov trả lời "không".

Mỹ chưa bình luận về thông tin của Ngoại trưởng Nga.

Về căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây, theo hãng tin TASS, Tổng thống Vladimir Putin hôm 25.4 đã ký một sắc lệnh đưa ra các biện pháp trả đũa nếu tài sản của Nga ở nước ngoài bị tịch thu.

Sắc lệnh nêu rõ nếu tài sản của Nga bị “các nước thù địch” tịch thu, thì Moscow sẽ đặt tài sản nước ngoài ở Nga dưới sự kiểm soát tạm thời của mình.

Sắc lệnh cũng tuyên bố rằng việc quản lý tài sản tạm thời chỉ có thể được thay đổi hoặc rút lại nếu có sự đồng ý của tổng thống Nga.

Cũng liên quan đến tình hình căng thẳng giữa Nga và phương Tây, theo hãng tin Reuters, 3 máy bay quân sự của Nga đã bị không quân NATO chặn đón trên không phận quốc tế ở biển Baltic.

Lực lượng không quân Đức cho biết 2 chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 và 1 máy bay Ilyushin Il-20 đã được lực lượng Đức và Anh phát hiện. Bộ này cũng đã bổ sung một số hình ảnh về các máy bay trên Twitter.

Chuyển sang một thông tin khác thì Điện Kremlin được cho là đã phát triển một vũ khí bí mật để phá sóng vệ tinh Starlink của Ukraine.

Starlink là dịch vụ internet vệ tinh do hãng SpaceX của tỉ phú Elon Musk cung cấp. Trong chiều dài cuộc xung đột ở Ukraine cho đến nay, vị tỉ phú này là một nhân vật gây tranh cãi. Hãng SpaceX của ông đã viện trợ cho Ukraine nhiều bộ thiết bị đầu cuối, cho phép quân đội nước này duy trì liên lạc thông qua mạng lưới gần 4.000 vệ tinh. Nhưng cũng chính ông Musk đã có nhiều tuyên bố khiến người Ukraine bức xúc liên quan đến câu hỏi về lối thoát cho cuộc xung đột. SpaceX từng tuyên bố sẽ không cho phép dùng dịch vụ Starlink cho mục đích quân sự, đó là điều có thể làm binh sĩ Ukraine không vui. Nhưng tỉ phú Musk mới đây tuyên bố mình cũng có những đóng góp lớn khác cho Ukraine.

Theo The Guardian, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow không thấy "hiệu quả" của một hiệp ước với Liên Hiệp Quốc nhằm hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Ông cáo buộc các nước phương Tây đã gây ra tình trạng bế tắc này.

Nga đã tuyên bố rằng nếu vẫn còn trở ngại đối với việc xuất khẩu các mặt hàng của Nga thì Moscow sẽ không đồng ý gia hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Biển Đen của Ukraine.

Vào năm 2022 Nga đã ký một thỏa thuận, trong đó Liên Hiệp Quốc đồng ý giúp cố gắng loại bỏ mọi trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Mặc dù những mặt hàng xuất khẩu đó bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga, Moscow cho biết các hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm vẫn đặt rào cản đối với việc xuất khẩu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.