Xem nhanh: Ngày 479 chiến dịch, cạm bẫy Nga chực chờ phản công; Ukraine không dễ vào NATO

Xem nhanh: Ngày 479 chiến dịch, cạm bẫy Nga chực chờ phản công; Ukraine không dễ vào NATO

18/06/2023 23:53 GMT+7

Theo hãng tin Reuters, một quan chức do Nga bổ nhiệm ở vùng Zaporizhzhia hôm 18.6 thừa nhận Ukraine đã giành lại làng Piatykhatky. Đây là làng đầu tiên Ukraine tái kiểm soát ở hướng tấn công ở miền nam kể từ đầu tháng này.

Quan chức Vladimir Rogov nói lực lượng Ukraine tấn công dồn dập và đạt kết quả bất chấp thiệt hại lớn, và hiện đang củng cố vị trí trong lúc bị Nga pháo kích.

Ông Rogov cho biết giao tranh quyết liệt đang diễn ra trong khu vực.

Blogger quân sự Nga mang biệt danh War Gonzo thì cho biết lực lượng Nga đã rút khỏi làng Piatykhatky ở mặt trận Zaporizhzhia. Blogger này nói về dấu hiệu Ukraine đã tập trung một lượng lớn quân dự bị trong khu vực, chủ yếu là bộ binh nhưng cũng có "phương tiện thiết giáp hạng nặng", và blogger này đặt câu hỏi Kyiv liệu có tung lực lượng này vào một cuộc tấn công lớn trong khu vực hay không.

Tuy nhiên, thách thức lớn vẫn nằm phía trước lực lượng Ukraine, là hệ thống phòng thủ mà Nga đã dày công xây dựng trong suốt nhiều tháng qua.

Trong bản cập nhật chiến sự hôm 17.6, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga có thể đã giành được "lợi thế tạm thời" ở miền nam Ukraine, đặc biệt là kể từ khi triển khai các trực thăng tấn công sử dụng tên lửa tầm xa hơn nhắm vào các mục tiêu trên bộ.

Bộ Quốc phòng Anh nhận định Nga đã củng cố lực lượng trực thăng tấn công kể từ khi các hoạt động phản công của Ukraine bắt đầu ở miền nam.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Anh, một số hình ảnh cho thấy "hơn 20 trực thăng bổ sung của Nga đã được triển khai tới sân bay Berdiansk (ở Ukraine), cách tiền tuyến khoảng 100 km".

Theo báo Spiegel của Đức, một số lính xe tăng của Ukraine đã phải giả vờ xe bị hỏng để tránh xung trận.

Tờ báo này dẫn lời một người lính tên Sasha, trưởng xe Leopard 2A6 của Ukraine đang tham chiến ở mặt trận Zaporizhzhia, thừa nhận loại xe tăng này "là mục tiêu hàng đầu của đối phương". Tuy nhiên, ông cùng đồng đội cùng kịp lái cho biết họ không lên án những người muốn trốn tránh giao tranh, vì "vận may có thể chấm dứt bất cứ lúc nào. Nếu đối phương bắn trúng tháp pháo, cả kíp xe sẽ trở thành cát bụi. Thà từ chối xuất trận ngay từ đầu còn tốt hơn là tháo chạy giữa trận đánh".

Giữa lúc chiến sự vẫn diễn ra trên khắp các mặt trận, Tổng thống Vladimir Putin hôm 17.6 nói Nga sẵn sàng đối thoại với Ukraine, một ngày sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky loại trừ khả năng hòa đàm với Moscow vào thời điểm này.

Trong cuộc gặp với các lãnh đạo châu Phi tại thành phố Saint Petersburg hôm 17.6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lần đầu tiên hé lộ dự thảo hòa bình Nga và Ukraine xây dựng hồi tháng 3.2022, và ông Putin cáo buộc Kiev lật ngược thỏa thuận sau khi Moscow rút một phần lực lượng.

Dự thảo thỏa thuận hòa bình này mang tên "Hiệp ước về Quy chế Trung lập vĩnh viễn và Bảo đảm an ninh của Ukraine".

Tổng thống Putin cho biết trưởng phái đoàn Ukraine đề xuất xây dựng dự thảo trong cuộc gặp tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3.2022, và quan chức 2 nước sau đó tiếp tục họp để soạn và bổ sung nội dung.

Dự thảo có 18 điều khoản, đề cập tới tình trạng trung lập và quy mô lực lượng vũ trang Ukraine, cũng như các bảo đảm an ninh cho nước này khi xung đột kết thúc. Theo đó, Ukraine cam kết đưa trạng thái "trung lập vĩnh viễn" vào hiến pháp, trong khi Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus sẽ là những quốc gia bảo đảm an ninh cho nước này.

Ông Putin sau đó cho biết: "Trưởng đoàn Ukraine còn ký nháy vào dự thảo, chữ ký của ông ấy ở đây. Sau khi chúng tôi rút quân khỏi khu vực Kyiv như cam kết, chính quyền Ukraine đã ném dự thảo vào sọt rác".

Ông Putin cho rằng hành động của chính quyền Ukraine gây mất lòng tin vào những thỏa thuận trong tương lai, nhưng khẳng định Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine.

Trong khi một trong những yêu sách của Nga đặt ra ngay từ trước cuộc xung đột là Ukraine phải duy trì trạng thái trung lập. Tuy nhiên, nguyện vọng được gia nhập NATO đang trở nên rõ ràng hơn lúc nào hết.

Giới truyền thông thậm chí đã đưa tin về một bản dự thảo do Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đệ trình nhằm hỗ trợ đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine.

Theo đó, Kyiv sẽ không cần phải hoàn thành bản chiến lược hành động, một kế hoạch bắt buộc đối với các quốc gia muốn trở thành thành viên của NATO.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 17.6 dường như đã dội một gáo nước lạnh vào thông tin này khi tuyên bố sẽ không có biệt đãi cho Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.