Xem nhanh: Ngày 506 chiến dịch, Ukraine thừa nhận phản công chậm; Nga thua sút về xe tăng?

Xem nhanh: Ngày 506 chiến dịch, Ukraine thừa nhận phản công chậm; Nga thua sút về xe tăng?

15/07/2023 23:35 GMT+7

Trả lời phỏng vấn báo Washington Post, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi tuyên bố nước này sẽ quyết giành lại Crimea - bán đảo mà Nga đã sáp nhập năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý.

Nhiều quan chức phương Tây cho đến nay vẫn lo ngại Nga sẽ phản ứng mạnh nếu Ukraine tiến quân vào Crimea. Moscow nhiều lần tuyên bố sẽ bảo vệ các vùng lãnh thổ đã sáp nhập bằng mọi phương tiện sẵn có, kể cả vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, tướng Valerii Zaluzhnyi nói rằng ngay khi có đủ vũ khí và phương tiện cần thiết, Ukraine sẽ hành động. Ông nhấn mạnh: “Tôi không quan tâm tới ý kiến người khác. Không ai có thể ngăn cản tôi”.

Ngoài ra, trong bài trả lời phỏng vấn, ông Zaluzhnyi cũng tỏ ra bức xúc với các điều kiện của phương Tây về việc Ukraine không được dùng vũ khí được viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga do lo ngại xung đột leo thang. Vị tướng tuyên bố có thể sẽ dùng vũ khí Ukraine tự sản xuất trong nước để thực hiện việc đó.

Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine tuyên bố lực lượng nước này tiếp tục tiến lên ở phía nam thành phố Bakhmut. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm nay cảnh báo Nga đang dồn mọi nguồn lực vào chiến dịch ngăn chặn quân đội của Kyiv thực hiện cuộc phản công.

Thông tin này xuất hiện giữa lúc chính quyền Kyiv thừa nhận quân đội của họ tiến lên “không quá nhanh” trong chiến dịch phản công nhằm chiếm lại lãnh thổ ở phía đông và nam đất nước từ lực lượng Nga.

Lầu Năm Góc và quân đội Ukraine xác nhận đạn chùm (còn được gọi là bom chùm) của Mỹ đã đến tay lực lượng Ukraine, một tuần sau khi Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp loại vũ khí này trong gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD, theo Reuters.

Các quan chức Ukraine tuyên bố việc triển khai đạn chùm là phù hợp trong bối cảnh lực lượng Nga đã đặt mìn ở nhiều nơi trên lãnh thổ mà họ đang kiểm soát tại Ukraine.

Ông Valeryi Shershen, người phát ngôn quân khu miền nam Ukraine, cho biết loại vũ khí này sẽ được sử dụng một cách hạn chế trong khuôn khổ luật pháp, và “chỉ phục vụ việc giành lại các vùng lãnh thổ” của Ukraine.

Ông nói “Chúng sẽ không được sử dụng trên lãnh thổ Nga... Chúng sẽ chỉ được sử dụng ở những khu vực tập trung lực lượng quân sự Nga để chọc thủng phòng tuyến của đối phương”.

Dĩ nhiên, Nga phản đối mạnh mẽ việc Mỹ chuyển giao đạn chùm cho Ukraine và đã cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng. Hãng tin TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: “Nga nhận thức được mối nguy hiểm mà đạn chùm gây ra cho dân thường. Đó là lý do tại sao Nga chưa bao giờ sử dụng chúng trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, nếu lực lượng vũ trang Ukraine quyết định sử dụng loại đạn này, Nga sẽ buộc phải đưa ra một câu trả lời tương xứng”.

Tờ The New York Times ngày 15.7 dẫn lời các quan chức và nhà phân tích quân sự cảnh báo đạn chùm có thể sẽ không giúp Ukraine ngay lập tức trong cuộc phản công trước Nga. Và việc Mỹ cung cấp bom chùm cho Ukraine được xem là một biện pháp câu giờ trong lúc Ukraine chưa thực sự đạt được kết quả nào khả quan.

Trong những ngày đầu tháng 6, những đợt tấn công đầu tiên của Ukraine vào tuyến phòng ngự của Nga đã dẫn đến tổn thất nhiều xe tăng và xe bọc thép do phương Tây cung cấp cho Nga. Những phân tích dựa trên hình ảnh sau đó cho thấy tổn thất còn lớn hơn nhận định ban đầu, biến đây thành một thất bại nặng nề khiến Ukraine phải xem xét lại chiến lược phản công.

Một báo cáo mới từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng Ukraine đang dần vượt qua Nga về số lượng phương tiện thiết giáp hạng nặng này. Điều đó được cho là nhờ vào sự viện trợ kịp thời và hào phóng của các đồng minh phương Tây.

Hãng tin AP hôm 14.7 dẫn nội dung trả lời phỏng vấn của Phó Tổng thống Nam Phi Paul Mashatile với truyền thông địa phương, trong đó cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) lần thứ 15 được tổ chức ở Nam Phi.

Tuy nhiên, thế lưỡng nan đặt ra cho Nam Phi là việc nước này là một thành viên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC). Như quý vị đã biết, hồi tháng 3 tòa ICC đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Putin với cáo buộc đưa trái phép trẻ em Ukraine sang Nga. Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc của ICC.

Việc cho phép ông Putin tham dự cuộc họp BRICS sẽ gây thêm áp lực lên quan hệ của Nam Phi với Mỹ và các đối tác thương mại cũng như ngoại giao khác của phương Tây.

Chính vì thế, Nam Phi đang thuyết phục ông Putin thay đổi quyết định để tránh đẩy Nam Phi vào thế khó. Theo ông Mashatile, Nga đã từ chối các phương án thay thế, bao gồm chuyển hội nghị thượng đỉnh sang Trung Quốc, tổ chức họp trực tuyến hoặc để Ngoại trưởng Sergey Lavrov thay Tổng thống Putin đại diện phái đoàn Nga.

Về phần Nga, hãng thông tấn TASS hôm 14.7 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng hình thức tham gia của Tổng thống Putin tại hội nghị thượng đỉnh BRICS vẫn chưa được xác định.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hoan nghênh kế hoạch phòng thủ chống Nga mới là “kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”.

Tài liệu dày 4.400 trang nói trên nêu chi tiết việc bảo vệ các vị trí quan trọng trong trường hợp “khẩn cấp” và liệt kê một cuộc tấn công tiềm năng của Nga là một trong những mối đe dọa lớn nhất, theo Đài RT tối 13.7 dẫn lại thông tin từ báo Bild của Đức.

Tài liệu này xuất hiện trong bối cảnh NATO vừa kết thúc hội nghị thượng đỉnh rất quan trọng để bày tỏ cam kết mạnh mẽ ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Các đồng minh phương Tây trong suốt thời gian qua đã đổ hàng trăm tỉ USD viện trợ nhiều mặt cho Ukraine, đặc biệt là các loại vũ khí đạn dược.

Tuy nhiên, như bản tin truyền hình báo Thanh Niên có đề cập, ngay trước khi đến dự họp cùng các lãnh đạo NATO, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đăng một nội dung đầy giận dữ lên trang Twitter để chỉ trích NATO một cách công khai.

Có lẽ đây là chiêu khích tướng của ông Zelensky để hội nghị thượng đỉnh có một kết quả phù hợp hơn với mong muốn của Kyiv. Tuy nhiên, bài đăng của tổng thống Ukraine là gây phản ứng ngược, thậm chí khiến phái đoàn Mỹ giận dữ.

Theo hãng tin Reuters, Belarus ngày 14.7 biết các thành viên của tổ chức lính đánh thuê Wagner đang huấn luyện binh sĩ nước này tại một khu vực quân sự của Belarus. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ít nhất một phần thỏa thuận nhằm chấm dứt vụ nổi loạn của Wagner ở Nga có thể đang được thực thi.

Bộ Quốc phòng Belarus đã công bố một đoạn video cho thấy hình ảnh được cho là các thành viên Wagner đang hướng dẫn quân nhân Belarus tại một thao trường gần thành phố Osipovichi, cách thủ đô Minsk khoảng 90 km về phía đông nam.

Hai nguồn tin đề nghị giấu tên nói với Reuters rằng một số thành viên Wagner đã ở Belarus ít nhất từ ngày 11.7.

Cho đến nay, tung tích ông Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh nhóm Wagner, vẫn chưa rõ ràng sau vụ nổi loạn và có nhiều đồn đoán về số phận của ông. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13.7 cho biết Washington không chắc ông Prigozhin đang ở đâu nhưng đưa ra lời nhắc nhở thủ lĩnh Wagner rằng ông có thể bị đầu độc.

Thưa quý vị, trở lại với câu chuyện viện trợ vũ khí phương Tây cho Ukraine thì trong nhiều tháng qua xe tăng và xe bọc thép phương Tây đã bổ sung đáng kể sức mạnh cho quân đội Ukraine. Nhưng số phương tiện hàng nặng này bị tổn thất khi đối đầu với lực lượng Nga trong thời gian qua cũng không phải là nhỏ.

Mới đây, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định xe tăng phương Tây là mục tiêu hàng đầu để lực lượng Nga tiêu diệt.

Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đến thăm Ukraine vào ngày hôm nay 15.7 để hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Chuyến đi bất ngờ diễn ra sau khi ông Yoon tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania và đến thăm Ba Lan trong tuần này, nơi ông bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine và tìm cách hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột. Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết ông Yoon dự kiến sẽ hội đàm với ông Zelensky.

Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn Interfax ngày 14.7 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Phát ngôn của ông Peskov đã gián tiếp bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Trước đó, ông Erdogan nói ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thống nhất sẽ tiếp tục thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua biển Đen, sau khi thỏa thuận hiện tại hết hạn vào ngày 17.7.

Một số kênh truyền thông cho rằng phát biểu của ông Erdogan gợi ý các bên dường như đã đạt được thỏa thuận để gia hạn thỏa thuận. Nga cho biết họ sẽ chỉ đồng ý gia hạn nếu các điều kiện của nước này được đáp ứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.