'Xem nhiều chương trình thời sự để học sử giỏi hơn'

25/04/2016 10:52 GMT+7

Đó là chia sẻ của Ong Thị Thương, nữ sinh đạt điểm cao nhất môn lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua.

Ong Thị Thương (18 tuổi, nữ sinh lớp 12 chuyên sử, Trường THPT chuyên Bắc Giang) sinh ra tại huyện nghèo Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Bố mẹ đều làm nông nghiệp, Thương là chị cả trong một gia đình có 2 chị em. Từ khi thi đỗ vào trường chuyên, một mình Thương chuyển lên thành phố ở trọ, tự sinh hoạt và học tập.
Tháng 1 vừa qua, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Thương đạt điểm số môn sử 17,75 - cao nhất cả nước. Theo sát Thương cũng là một học sinh chuyên Bắc Giang, đạt 17,5, thấp hơn 0,25 điểm.
Thương chia sẻ, sau khi thi xong khá hài lòng về bài thi, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng kết quả lại đứng đầu cả nước. “Em vẫn còn nhớ đang trong giờ tin học, cô giáo đã gọi điện thông báo cho bạn lớp trưởng, là bạn thân của em. Nghe tin xong, lớp trưởng quay sang ôm chầm lấy em, thông báo em đạt giải Nhất, rồi hai đứa khóc thút thít vì xúc động quá”, Thương nói.
Để đạt thành tích trên, nữ sinh này không ngừng nỗ lực phấn đấu trong suốt quá trình học. Thương có một bí quyết học sử mà không nhiều học sinh vận dụng.
“Ở lớp, em tích cực trao đổi với bạn bè, học nhóm, vẽ sơ đồ tư duy cùng với bạn. Về nhà đọc lại tài liệu, ôn lại kiến thức trên lớp, xem nhiều kiến thức trên các chương trình thời sự. Em rất chăm xem thời sự để học sử”, Thương trao đổi.
Tại sao em lại nghĩ ra cách học đó? Chúng tôi hỏi. Thương trả lời: “Cách học thế này giúp em ngấm sâu kiến thức hơn, viết được nhiều hơn trong quá trình làm bài thi. Em nghĩ những kiến thức học trên lớp thôi chưa đủ nên em đã liên hệ thêm nhiều kiến thức xã hội bây giờ để bài sâu hơn, các thầy sẽ đánh giá cao hơn”.
Thương đứng thứ 2 từ trái sang, trong top 6 giải Nhất học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử 
Đam mê lịch sử, Thương vẫn còn rất nhiều trăn trở về hệ thống sách giáo khoa dạy sử hiện hành. “Có lẽ vì sách nhiều chữ quá, lại ít tranh, các sự kiện được nêu ra dày đặc khiến cho các bạn học sinh chưa thật hứng thú”, Thương nói.
“Nếu được thay đổi, em muốn các thầy tăng thêm hình ảnh minh họa, đồng thời, nên tăng cường nội dung viết về sự hy sinh của cha ông hơn. Qua các sự kiện lớn, học sinh mới chỉ thấy được vinh quang, chiến thắng nhưng lại chưa cảm nhận được công sức mà cha ông bỏ ra”, Thương nêu ý kiến của bản thân về sách giáo khoa lịch sử.
Nhắn nhủ với những bạn chưa yêu môn sử, Thương thẳng thắn: “Không yêu thích cũng nên biết được những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước mình. Người Việt Nam nên biết sử Việt Nam, bởi bản thân không biết thì khi mọi người hỏi đến làm sao trả lời?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.