|
Trước nay, hệ thống phân loại phim chỉ có 2 loại là trên và dưới 16 tuổi, hầu hết được áp dụng với phim điện ảnh chiếu rạp mà chưa có tiền lệ nào với phim truyền hình. Bộ quy chế mới về hệ thống phân loại phim theo độ tuổi mới đang được hoàn thiện và dự kiến đến năm sau sẽ được áp dụng, “phủ khắp” các loại hình. Theo thông tin từ Cục Điện ảnh, hệ thống phân loại này sẽ quy định cụ thể cho các bộ phim ở mọi thể loại, chất liệu, định dạng phát hành. “Tất nhiên trong đó phải có cả các kênh truyền hình” - vị đại diện Cục Điện ảnh cho biết. Bộ quy chế mới được học hỏi từ hệ thống phân loại của các nước trên thế giới. “Hệ thống phân loại này sẽ được đưa ra dựa theo các tiêu chí về mặt thể chất, tâm sinh lý, văn hóa, giáo dục… phù hợp với người VN”.
Trông chờ vào ý thức người xem ?
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ từng tiếc rẻ khi không thể đưa một kịch bản hay thành phim truyền hình chỉ vì động tới chủ đề đồng tính. “Đây là chủ đề còn rất nhạy cảm với phim truyền hình bởi khán giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau”, chị nói. Không chỉ nội dung, những hình ảnh nhạy cảm cũng thường phải cắt bỏ.
|
Cách đây 2 năm, Đài truyền hình VN (VTV) bị khán giả phản ứng gay gắt khi phim Hoa nắng phát sóng có cảnh người đàn ông liếm rượu trên ngực cô gái, mặc dù hội đồng duyệt phim lên tiếng rằng đây là cảnh chủ ý của nhà làm phim phê phán lối sống trụy lạc của những người trẻ trong phim, đồng thời gợi mở cho tình huống tiếp theo. “Nếu phim chiếu rạp thì người xem ở tư thế chủ động. Còn truyền hình lại khác, đôi khi khán giả xem một cách thụ động. Bố mẹ mở ti vi thì con cái cũng có thể ngồi xem cùng. Làm phim truyền hình ở VN phải lưu ý tới tính chất đó” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói. Việc “dán nhãn” phim có thể coi là con đường mở để những bộ phim có nội dung, hình ảnh vốn được coi là “nhạy cảm” như về giới tính, hoặc các thể loại phim giải trí không dành cho trẻ em và có yếu tố bạo lực, kinh dị… lên được sóng truyền hình, để khán giả người lớn được thưởng thức nhiều “món” đa dạng hơn.
Thực tế, các kênh truyền hình trên thế giới không e ngại chiếu những bộ phim như vậy, nhưng chiếu trong vòng kiểm soát. Nhiều kênh truyền hình mang nội dung “người lớn” được khóa lại, người xem được kiểm soát độ tuổi mới có thể mở xem được, ngoài ra các chương trình đã dán nhãn phân loại theo độ tuổi được yêu cầu phát sóng ở những khung giờ quy định. Việc khóa kênh như nước ngoài xem chừng khó có thể áp dụng tại VN trong tương lai gần do hạn chế về mặt kỹ thuật. Tất cả chỉ có thể trông chờ vào ý thức của nhà đài (giờ phát sóng) và của người xem.
Đến lúc này việc các kênh truyền hình trong nước “dán nhãn” cho phim đã là muộn, nhưng dù sao muộn còn hơn không.
Thông thường các hệ thống phân loại phim trên thế giới dựa vào mức độ nội dung, hình ảnh có yếu tố bạo lực, tình dục, ngôn từ tục tĩu... để đưa ra các cấp độ. Hệ thống phân loại phim Đức do SPIO (Head Organisation of the Movie Industry) đưa ra gồm: FSK 0 không giới hạn độ tuổi, FSK 6 dành cho khán giả dưới 6 tuổi, khuyến cáo có sự chỉ dẫn của bố mẹ, FSK 12 dành cho khán giả trên 12 tuổi, FSK 16 dành cho khán giả trên 16 tuổi, FSK 18 chỉ dành cho người lớn trên 18 tuổi. Bên cạnh các phân loại FSK, còn có phân loại Infoprogramm dành cho chương trình giáo dục như phim tài liệu, phim giảng dạy. Ở Mỹ áp dụng hệ thống phân loại phim của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (Motion Picture Association of America - MPAA) với các cấp độ: G - có thể công chiếu rộng rãi, PG - cha mẹ nên hướng dẫn con trẻ khi xem, PG -13 - cha mẹ cần giám sát, bởi phim có hình ảnh không thích hợp với trẻ dưới 13 tuổi, R - không thích hợp với khán giả dưới 16 tuổi mà không có cha mẹ hay người giám hộ đi cùng, NC-17 dành cho khán giả trên 17 tuổi. |
Ngọc An
Bình luận (0)