TNO

Xem tàu ngầm lớn nhất thế giới của Nga xuyên mặt băng phóng tên lửa

06/10/2016 09:02 GMT+7

(Tin Nóng) Từ dưới lòng biển Bắc Cực, chiếc tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới Severstal của Nga trồi lên, phá tan lớp băng và phóng tên lửa đạn đạo R-39 Sineva bay xa hàng ngàn km.

(Tin Nóng) Từ dưới lòng biển Bắc Cực, chiếc tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới Severstal của Nga trồi lên, phá tan lớp băng và phóng tên lửa đạn đạo R-39 Sineva bay xa hàng ngàn km.

Sự kiện này xảy ra từ năm 1996, nhưng đầu tháng 10.2016 clip quay cảnh ấn tượng này mới công bố, theo PopularMechanics ngày 3.10.

Severstal là một trong 6 tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới do Liên Xô chế tạo từ những năm 1980, thuộc Dự án 941. Tàu ngầm lớp này gọi là Akula (tức Cá mập, NATO gọi là Typhoon). Tàu được dùng để phóng tên lửa đạn đạo loại R-39 Sineva (SS-N-20 theo phân loại của NATO), tầm bắn 8.000 km, mang 10 đầu đạn hạt nhân, mỗi tàu Akula mang 20 quả tên lửa thế này.

Một trong những nơi an toàn nhất cho các tàu ngầm hạt nhân Liên Xô trước đây và Nga hiện nay là giấu mình dưới lớp băng dầy ở Bắc Cực, tránh được sự theo dõi của các tàu ngầm NATO và Mỹ. Từ dưới lớp băng này, tàu Akula với lớp vỏ vững chắc có thể thình lình trồi lên phá tan lớp băng và phóng tên lửa bay hàng ngàn km tấn công mục tiêu của đối phương dễ dàng.

Trong clip lần đầu công bố ngày 2.10 qua, tàu ngầm hạt nhân lớp Akula, chiếc Severstal thực hiện 2 lần phóng tên lửa Sineva trong năm 1996, lần đầu vào tháng 8 và lần sau là tháng 11 ở Bắc Cực, đều xuyên phá lớp băng để nổi lên tác xạ.

Tàu ngầm "khủng" lớp Akula (trái) bên cạnh một tàu ngầm hạt nhân lớp Delta III

Akula là lớp tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới. Quái vật bằng thép khổng lồ này dài 175 m, bằng 2 sân bóng đá, cao bằng toà nhà 9 tầng, lượng choán nước khi lặn 48.000 tấn. Cả 6 chiếc Akula của Liên Xô đều được sách kỷ lục Guinness ghi nhận là tàu ngầm lớn nhất thế giới. Để so sánh, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của Mỹ dài 170 m.

Theo RBTH, bên trong con quái vật bằng thép khổng lồ này có hồ bơi, phòng tắm sauna, câu lạc bộ thể thao, phòng ăn… trông như khách sạn trên bờ. Tàu có các khoang cấp cứu để có thể đưa toàn bộ thuỷ thủ và sĩ quan thoát khỏi tàu khi có sự cố. Thân tàu bọc một lớp cao su cách âm, nặng gần 800 tấn, giúp tàu di chuyển êm, khó bị phát hiện.

 Kích cỡ ấn tượng của tàu ngầm Typhoon này là để mang các tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân loại R-39 Sineva mà tàu ngầm hạt nhân thông thường không mang được.

Bên trái là tàu ngầm hạt nhân Akula (Dự án 941), chiếc Dmitry Donskoi

Trong 6 chiếc Akula được chế tạo, nay chỉ còn 3 chiếc hoạt động

Mỗi tàu trang bị 20 ống phóng tên lửa thẳng đứng, phóng tên lửa liên lục địa R-39 Sineva (mang 10 đầu đạn/tên lửa, tầm bắn hơn 8.000 km). Tàu còn có 6 ống phóng ngư lôi loại 533 mm, 8 dàn phóng tên lửa phòng không loại Igla-1.

Tàu ngầm lớp Akula là cảm hứng để Hollywood thực hiện bộ phim Cuộc săn tìm Tháng Mười Đỏ (tên gọi 1 tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô trong phim).

Đến nay, trong 6 chiếc Akula được sản xuất chỉ còn 3 chiếc hoạt động là TK-17 Arkhangelsk, TK-20 Severstal và TK-208 Dmitry Donskoi. Chiếc  Dmitry Donskoi được cải tạo để phóng thử nghiệm lớp tên lửa đạn đạo mới Bulava sẽ bố trí trên các tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Dự án 955 Borey.

Tuy vậy tên lửa Bulava bị than phiền là kém chất lượng so với tên lửa Sineva của tàu Akula khi qua 21 lần phóng có đến 8 lần thất bại, mới nhất là tàu ngầm hạt nhân Yury Dolgoruky (lớp Borey) hôm 27.9 phóng 2 quả Bulava thì chỉ 1 quả thành công, quả còn lại nổ tung sau khi phóng.

Theo Hải quân Nga, tàu ngầm lớp Akula này còn được duy trì hoạt động đến năm 2022.

Xem tàu ngầm hạt nhân lớp Akula, chiếc Severstal phá băng trời lên phóng tên lửa R-39 Sineva hồi năm 1996:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.