Đỗ Bích Thúy không phải là một cây bút xông xáo với những đổi thay của thời cuộc. Đi một chặng đường dài từ Hà Giang về Hà Nội, mấy năm đã qua, chị vẫn cứ là một cô gái nông thôn chất phác với những cử chỉ chậm rãi, một "con trăng trong rừng ngải đắng" như cách gọi của ai đó. Đoạt không ít giải thưởng văn xuôi, những tác phẩm của Đỗ Bích Thúy khiến người ta phải nao lòng bởi sự gắn bó bền bỉ, da diết với miền sơn cước.
Vậy nên, thật kỳ lạ khi "con trăng" ấy bỗng chốc thoát ly khỏi chốn rừng già quen thuộc để quăng mình vào cái thế giới ồn ã, hào nhoáng, giăng đầy cạm bẫy và luôn âm ỉ xì-căng-đan của những cô người mẫu, một đề tài mà có lẽ Đỗ Bích Thúy rất thiếu thực tế. Nhưng với những ai từng quen biết chị, thì Diễm 500 đô hay Quá khứ đòi nợ của Nhà hát Tuổi Trẻ lại hấp dẫn trước tiên ở điểm ấy.
Không xoáy sâu vào những cuộc canh tranh khốc liệt cùng quá trình sa chân lỡ bước của các cô người mẫu, Đỗ Bích Thúy dành chủ yếu ngòi bút cho cuộc vật lộn hoàn lương của 3 cô thôn nữ xinh đẹp lỡ dấn thân vào "thế giới chân dài". Thế giới ấy đã không mất nhiều thời gian để biến họ trở thành những "gái gọi" cao cấp. 500 đô là số tiền Diễm (Quách Thu Phương) được trả sau mỗi lần "đi khách". Đủ để bỏ lại sau lưng giảng đường đại học, niềm hy vọng của mẹ cha và những tháng ngày trong lành Diễm từng sống. Nhưng khác với Hương và Mai, 500 đô chưa đủ để Diễm xóa bỏ những giằng xé trong tâm tưởng, nỗi ám ảnh về một ngày "quá khứ đòi nợ" và cả những khát khao bình dị của một cô gái nhà lành. Khi người đàn ông tên Toàn xuất hiện, yêu thương và sẵn sàng san sẻ nỗi ám ảnh ấy với cô, Diễm đã bất ngờ, đã tức giận, đã tủi hổ và đã khóc. Khóc vì ngượng ngùng và sung sướng - cả hai cảm giác tưởng như đã chết từ lâu. Nhưng khi cô muốn quay đầu trở lại, thì những cánh cửa đóng sập trước mắt. Và kết cuộc cho Diễm, kết cuộc cho các cô người mẫu - gái gọi khác là quay trở về thế giới 500 đô, chấp nhận cái giá của cuộc chơi, bởi "một khi đã lỡ nhúng chàm"...
Không cần phải dân trong nghề cũng có thể nhìn ra sự non nớt, ngây thơ và đôi chút áp đặt của Đỗ Bích Thúy ngay từ nhân vật Diễm. Dẫu xót xa, nhưng vẫn thấy có cái gì đó khó hiểu và hơi khiên cưỡng về những cơn phẫn nộ của Diễm trong lúc "đi khách", dù cô đã là "dân" chuyên nghiệp từ lâu. Còn đạo diễn Lê Hùng, sau rất nhiều những cú đột phá, bỗng chọn một cách dàn dựng đơn giản, một tiết tấu đều đặn, một phong thái khá nhẹ nhàng so với chính anh, bởi vậy mà có cảm giác, Diễm 500 đô không được sắc nét như Ngoại phạm hay Ê-dốp. Thay vào đó là một vài chi tiết "quá lửa". Chẳng hạn, để cho Đức Khuê bê y nguyên diễn xuất, thần thái và cả căn bệnh của anh chàng "nói nhiều không phải là nói nhiều" vào nhân vật Toàn. Một ý tưởng táo bạo nhưng dễ bẻ gãy cảm xúc của khán giả. Rất may, sự ngơ ngác, xót thương, nỗi tuyệt vọng của Toàn đều rất chân thật và người ta vẫn cảm thấy hài lòng với nhân vật chỉ có trong kịch nói này. Nhưng, để Quá khứ đòi nợ có thể đem đến một xúc cảm tròn đầy tương ứng với ý nghĩa sâu xa của nó, thì có lẽ, cần một sự xả thân mãnh liệt hơn ở cả Đỗ Bích Thúy và Lê Hùng.
Sông Thao
Bình luận (0)