Xem World Cup ở Singapore

14/07/2014 17:29 GMT+7

(TNO) Chỉ vì gọi một chai bia mà chúng tôi gặp rắc rối với cảnh sát, khiến cuộc vui xem trận cầu chung kết giữa Đức và Argentina mất đi một phần thi vị.

 
Holland Village Food Court là điểm nhất mở cửa 24/24 và phục vụ World Cup sau nửa đêm trong khu ăn chơi Holland Village

Thật tình thì tôi cũng thích xem đá bóng. Mà World Cup (WC) thì đương nhiên là số 1 rồi!

Nhưng phải lồm cồm thức giấc lúc 2, 3 giờ sáng (giờ Singapore) để xem những gì đang diễn ra ở nơi cách đến nửa vòng trái đất thì tôi... chấp nhận đầu hàng.

Vậy nên, mãi gần hết mùa WC, tôi vẫn chẳng xem trận nào.

Nhưng đến lúc người ta cứ dí mãi vào mắt hình ảnh các cầu thủ đẹp trai xứ xở của vũ điệu tango và những cổ xe tăng lì lợm chuẩn bị cho trận đấu cuối cùng thì tôi đã động lòng.

Mặc dù truyền hình Singapore chiếu trực tiếp miễn phí trận đấu đặc biệt này trên kênh Okto, tôi vẫn quyết định ra khu ăn chơi Holland Village (HV) để xem cùng đám đông.

Hai giờ rưỡi sáng, Andrew - anh bạn người Úc ở gần nhà - đón tôi tại tiền sảnh chung cư. Chúng tôi đi bộ qua HV.

HV đêm chủ nhật thường ít khách. Người ta lo ngủ sớm để giữ sức khỏe cho cả tuần làm việc sau đó. Vào thời điểm 2 rưỡi sáng, khu này càng vắng vẻ, yên ắng.

 
Để “lách luật”cấm bán bia sau nửa đêm, Holland Village Food Court phục vụ bia trong ly nhựa!

Andrew và tôi lo không biết có quán bar, nhà hàng nào mở cửa phục vụ WC? Đây là lần đầu tiên chúng tôi ra đây khuya như vậy.

Không phải khu ăn chơi thâu đêm, nên hầu hết quán xá HV đóng cửa trước khi bước qua ngày mới. Chỉ có Holland Village Food Court nằm ngay góc giao giữa hai con hẻm Lorong Liput và Lorong Mambong bán thức ăn và bia với giá khá mềm là không đóng cửa bao giờ. Điểm ăn uống này cũng có 3 chiếc ti vi màn hình phẳng khá rộng, đủ để làm náo nhiệt cả HV mỗi khi có các sự kiện thể thao lớn.

Chọn được một khoảng trống khá lý tưởng giữa mặt đường, Andrew khiêng 2 chiếc ghế nhựa và một chiếc bàn đặt vào đó. Chúng tôi ngồi xuống mà sung sướng. Xung quanh, nhiều thanh niên đủ các màu da đang tranh thủ ăn lót dạ, chuẩn bị thức thâu đêm.

“Milo trá hình”

Nhưng ngồi chưa ấm chỗ, ông chủ quán đã lật đật chạy lại xin lỗi và mang chiếc bàn đi cất: “Đã 'xuống đường' thế này thì chỉ có ghế thôi, bàn là không được. Cảnh sát họ đến là chết”. “Tôi mang cho anh chị một cái ghế nữa để đặt mấy thứ linh tinh nha. Ghế thì được chứ bàn thì không”, ông ta nói và lật đật chạy đi tìm ghế.

Sát rạt bên hông, trên Lorong Liput, xe cảnh sát trắng muốt lượn như bồ câu.

Kể từ khi diễn ra vụ bạo động ở khu Tiểu Ấn vào đêm chủ nhật 8.12.2013 do hàng trăm công nhân từ các nước Nam Á gây ra, làm thiệt hại nặng nề cho lực lượng an ninh địa phương - một sự biến mà Singapore chưa từng chứng kiến trong suốt hơn 40 năm - cảnh sát tăng cường tuần tra các điểm ăn uống, tụ tập ban đêm trên khắp đảo sư tử.

Quy định về việc bán thức uống có cồn cũng bị siết chặt hơn do lo ngại rượu bia khiến người ta mất lý trí, dễ dẫn đến đập phá, ẩu đả và gây rối trật tự công cộng.

Riêng khu Tiếu Ấn, bia rượu bị cấm tiệt từ sáng thứ bảy cho đến sáng sớm thứ hai hàng tuần...

Khi ông chủ quán mang ghế lại, chúng tôi kêu bia uống. Ông thì thầm: “Quá nửa đêm rồi, chúng tôi không được phép bán bia. Nhưng thế này nhé, tôi sẽ không mang chai bia ra mà đổ bia vào ly nhựa như nước ngọt vậy. Được chứ? Heneiken, Tiger hay San Miguel nào?” - “Một chai Tiger, 2 ly nhé”, Andrew đáp.

Không đầy 2 phút sau, ông ta mang ra 2 ly bia: “7 đồng rưỡi” (gần 130.000 đồng). Andrew trả tiền rồi thì thầm: “Chúng ta uống Milo nhé!”.

Chúng tôi cụng ly, nhấp một ngụm, rồi đặt ly xuống, dán mắt vào màn hình ở trên cao, xa xa.

Bắt quả tang

Nhưng chúng tôi còn chưa kịp nhấp ngụm thứ hai thì một thanh niên đen nhẻm ghé lại, ngồi xổm cạnh Andrew. Anh ta giới thiệu tên rồi nói gì đó lí nhí.

 
Cảnh sát “chìm” theo dõi, phát hiện và lập biên bản tang chứng vật, chứng ngay tại chỗ.

Cả Andrew và tôi đều nghĩ chắc anh ta là công nhân nhập cư từ Nam Á và đang muốn xin xỏ gì đó. Nhìn quanh, có một cô gái đi cùng anh ta nữa, nên chúng tôi lại nghĩ họ trong một nhóm làm từ thiện, có ý định xin quyên góp.

Nhưng khi anh ta hỏi: “Có phải cái thứ trong ly kia là bia không?”, thì tôi biết: “Thôi xong, cảnh sát rồi!”

Biết không thể giấu, Andrew thừa nhận đó là bia. Người thanh niên lạ mặt hỏi chúng tôi gọi bia vào lúc nào, đã đến ngồi ở đây từ khi nào...?

“Không nhớ chính xác”, Andrew trả lời.

Gặng hỏi đủ thứ, cuối cùng thì anh ta cũng hỏi câu quyết định: “Anh có thể nói chắc chắn là anh gọi bia sau nửa đêm chứ?” - “Tôi nghĩ vậy”, Andrew thừa nhận.

Anh ta liền đứng dậy, móc túi lấy ra thẻ cảnh sát, chìa cho chúng tôi xem, rồi đề nghị Andrew trình chứng minh thư trong lúc anh ta lôi ra giấy bút.

Theo mẫu có sẵn, viên cảnh sát “chìm” điền các chi tiết vào mẫu, và đề nghị Andrew cung cấp địa chỉ, số điện thoại, ký tên.

Anh ta cũng hỏi Andrew có nhớ người phục vụ bia mặc quần dài hay quần cụt. Sau khi Andrew nói “không nhớ”, anh ta nhìn quanh rồi chỉ: “Có phải ông kia không?” - “Hình như vậy”, Andrew đáp.

Anh ta trả lại thẻ cho Andrew, cảm ơn và rồi bỏ đi.

Cũng may, anh ta không hỏi gì đến tôi. Nếu không thì cũng hơi phiền một chút, vì nửa đêm ra xóm xem đá bóng, lại có Andrew đi cùng, nên tôi không đem giấy tờ gì, chỉ cầm chiếc điện thoại và chìa khóa nhà.

Công bằng mà nói, cảnh sát Singapore khá lịch sự. Họ điều tra và lập biên bản lặng lẽ, nhanh gọn và hầu như không gây một sự chú ý nào của những người xung quanh. Họ cũng chẳng tịch thu những ly bia tang chứng, nên chúng tôi vẫn có thể uống đến những giọt cuối cùng.

Khi họ đi khỏi, trận đấu giữa Argentina và Đức sắp sửa bắt đầu.

Gặp một người Việt thường đến HV xem bóng đá, tôi kể vừa bị cảnh sát “hỏi thăm”. Cậu này cho biết: “Mấy đêm trước em cũng gọi bia, nhưng không sao cả”.

Có lẽ do trận chung kết hứa hẹn nhiều kịch tính, nên cảnh sát “nghiêm” hơn, tôi đoán.

Mất vui

Trong trang phục thường dân và trà trộn vào giữa những thực khách xem bóng đá, khó ai biết được hai viên cảnh sát này đã “phục” sẵn từ khi nào.

Vụ “chám trán” khiến Andrew bần thần và có phần ân hận: “Giá như mình đừng gọi bia!”

Phải mất một lúc, những đường bóng qua đôi chân các cầu thủ xứ vũ điệu tango mới kéo được Andrew quay lại màn hình.

Xung quanh, cổ động viên đội Đức, gồm cả tôi, có phần lấn át những người ủng hộ đội Argentina.

Tôi cổ vũ đội Đức không phải vì Thomas Müller tài giỏi, vì Miroslav Klose khá đẹp trai mà tôi biết từ đầu thế kỉ, hay vì huấn luyện viên Joachim Löw lạnh lùng, quyết đoán.

Tôi yêu đội Đức chỉ bởi tôi có nhiều người bạn ở xứ sở này, vì tôi học tiếng Đức và từng có dự định du học ở Đức.

Nhưng Andrew thì chẳng có “dây mơ rễ má” gì với phần lục địa của châu u hay phía nam châu Mỹ, nên anh chẳng ngã về đội nào.

Nhưng bàn thắng của cầu thủ trẻ Mario Götze ở hiệp phụ thứ hai, đem về chiếc cúp vàng lịch sử cho đội Đức, khiến anh cũng rộn rã cùng tôi.

Tuy vậy, dư âm vụ uống bia “chui” vẫn lẽo đẽo theo chúng tôi trên đường về: “Lần sau mình đừng uống bia như vậy nữa”, anh bảo.

Niềm vui chiến thắng của đội Đức tôi yêu, vì thế, cũng thiếu trọn vẹn khi ông chủ quán cho biết sẽ bị phạt “nhưng chưa biết bao nhiêu”.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Tăng ca vẫn say World Cup
>> World Cup 2014: CĐV Đức tại TP.HCM vỡ òa hạnh phúc
>> World Cup đặc biệt ở xóm 'tử thần
>> Cortana dự đoán Đức vô địch World Cup 2014

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.