Xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn: 'Ngân hàng Nhà nước không thể im lặng'

22/04/2024 16:07 GMT+7

Theo VCCI, về quá trình xử lý một khoản đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, nếu hết thời hạn mà chưa xử lý xong, Ngân hàng Nhà nước phải có thông báo gia hạn gửi cho ngân hàng chứ không thể im lặng.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý dự thảo Quyết định quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là dự thảo).

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo có quy định riêng về điều kiện, thủ tục theo hướng đơn giản hơn khi chấp thuận cấp tín dụng tối đa vượt trần

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo có quy định riêng về điều kiện, thủ tục theo hướng đơn giản hơn khi chấp thuận cấp tín dụng tối đa vượt trần

NGỌC THẮNG

Theo VCCI, Quyết định 13/2018/QĐ-TTg áp dụng cho các trường hợp ngân hàng có khoản vay mới vượt giới hạn trên. Do đó, việc thẩm định và chấp thuận những khoản vay này cần được thực hiện hết sức thận trọng, bảo đảm hạn chế rủi ro cho các ngân hàng và góp phần thực hiện một số nhiệm vụ kinh tế - xã hội đặc biệt.

Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng là 15% và cho nhóm khách hàng có liên quan là 25% vốn tự có của ngân hàng.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định lộ trình giảm tỷ lệ này qua các năm xuống 10% đối với một khách hàng và 15% đối với nhóm khách hàng có liên quan. Lộ trình giảm kéo dài từ 1.7.2024 - 1.1.2029. Đây có thể coi là trường hợp thay đổi pháp luật.

VCCI cho rằng, khi thực hiện quy định này sẽ nảy sinh tình huống ngân hàng và khách vay có hợp đồng tín dụng được ký trước ngày luật năm 2024 có hiệu lực với dư nợ tín dụng thấp hơn giới hạn quy định tại luật năm 2010, nhưng cao hơn giới hạn được phép theo luật năm 2024.

Trong trường hợp đó, nếu vẫn phải thực hiện thủ tục thẩm định, chấp thuận như trước đây sẽ mất nhiều thời gian, không thực sự cần thiết và phát sinh nhiều vướng mắc.

Ví dụ, nếu như đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn trước đây không được chấp thuận thì các bên sẽ dừng việc ký kết hợp đồng tín dụng và đi tìm nguồn tài chính khác. Nhưng nếu trường hợp các bên đang thực hiện hợp đồng tín dụng đã ký mà khi xin phép lại không được chấp thuận thì sẽ gây tác động tiêu cực đến tài chính của dự án.

"Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo có quy định riêng về điều kiện, thủ tục theo hướng đơn giản hơn khi chấp thuận cấp tín dụng tối đa vượt trần đối với trường hợp các hợp đồng tín dụng được ký trước ngày luật năm 2024 có hiệu lực mà vẫn phù hợp với luật năm 2010", VCCI nêu rõ.

Về thời hạn xử lý thủ tục hành chính, dự thảo đang được sửa đổi theo hướng sẽ bỏ thời hạn xử lý thủ tục hành chính của Ngân hàng Nhà nước với lý do "quá trình xử lý một khoản đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn thường rất phức tạp, mất rất nhiều thời gian nên dẫn tới không đáp ứng đúng quy định thời hạn tại Quyết định 13/2018/QĐ-TTg".

Theo VCCI, việc quy định thủ tục hành chính nhưng không rõ ràng về thời hạn giải quyết là không phù hợp với Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính. Nếu cơ quan soạn thảo thấy rằng việc xử lý thủ tục có thể kéo dài thì nên quy định theo hướng có thời hạn nhưng được phép gia hạn.

Theo đó, nếu như hết thời hạn mà chưa xử lý xong, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có thông báo gia hạn gửi cho ngân hàng chứ không thể im lặng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.