Xem xét phương án 'siêu nút giao' 3 tầng Vành đai 2 TP.HCM

Mai Hà
Mai Hà
06/09/2024 10:46 GMT+7

Nút giao Vành đai 2 - Phạm Văn Đồng thuộc dự án xây dựng đường Vành đai 2 TP.HCM đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng là nút giao lập thể, 3 tầng.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM tham gia ý kiến về phương án thiết kế nút giao thông Vành đai 2 TP.HCM với đường Phạm Văn Đồng.

Xem xét phương án 'siêu nút giao' 3 tầng Vành đai 2 TP.HCM- Ảnh 1.

Phối cảnh nút giao 3 tầng Phạm Văn Đồng - Vành đai 2 TP.HCM trong tương lai

ẢNH: SỞ GTVT TP.HCM

Về phương án thiết kế, Bộ GTVT cho biết, theo phương án thiết kế nút giao thông Vành đai 2 - Phạm Văn Đồng đề xuất của UBND TP.HCM, nhánh cầu N3.3 (phục vụ phương tiện rẽ trái trực tiếp từ đường Phạm Văn Đồng sang đường Vành đai 2 hướng đi Gò Dưa, đi tầng +2, cao độ mặt cầu +19,3 m) được thiết kế giao cắt ngang với mức cao trình quy hoạch tuyến đường sắt đoạn An Bình - Hòa Hưng.

Nếu bố trí đường sắt đoạn An Bình - Hòa Hưng đi cao (đi tầng +3, cao độ đỉnh ray khoảng +27 m) vượt nhánh cầu N3.3 nêu trên sẽ không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về độ dốc dọc của đường sắt.

Đây là nội dung cần cân nhắc khi hoàn thiện phương án thiết kế nút giao thông Vành đai 2 - Phạm Văn Đồng theo dạng thức nút giao đã được TP.HCM nghiên cứu trong bước chủ trương đầu tư.

Hạn chế ảnh hưởng đến ranh chiếm dụng công trình theo các quy hoạch được duyệt và không ảnh hưởng đến quy hoạch tuyến đường sắt đoạn An Bình - Hòa Hưng trong tương lai.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo chủ đầu tư dự án nghiên cứu phương án điều chỉnh nhánh cầu N3.3 (đi tầng +3) vượt tuyến đường sắt đoạn An Bình - Hòa Hưng theo quy hoạch hoặc phương án thiết kế hầm chui cho hướng rẽ trái trực tiếp từ đường Phạm Văn Đồng sang đường Vành đai 2 hướng đi Gò Dưa.

Chủ đầu tư dự án cũng cần phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam để thỏa thuận phương án thiết kế và phương án triển khai thi công nút giao thông Vành đai 2 - Phạm Văn Đồng bảo đảm khai thác an toàn tuyến đường sắt hiện hữu và tuyến đường sắt đoạn An Bình - Hòa Hưng quy hoạch trong tương lai.

Về quy hoạch tuyến đường sắt đoạn An Bình - Hòa Hưng, theo Bộ GTVT, đã được nghiên cứu trong hồ sơ Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM.

Cụ thể, tuyến đường sắt này được quy hoạch xây dựng mới, quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, đoạn tuyến đường sắt này dự kiến quy hoạch đi trên cao (bằng hệ thống cầu cạn) theo hành lang tuyến đường sắt khổ 1.000 mm hiện hữu để giải quyết xung đột giao cắt với các tuyến đường bộ trong khu vực theo quy định pháp luật về đường sắt.

Trước vị trí giao cắt với đường Vành đai 2 khoảng hơn 600 m (theo hướng từ Bắc vào Nam) dự kiến bố trí ga Thủ Đức trên cao (nằm giữa ga An Bình và ga Bình Triệu) với chiều cao dự kiến 17 m - 17,5 m và cao độ đỉnh ray dự kiến +19 m đến +19,5 m (cao độ nền đường hiện trạng khoảng 2 m).

Hiện hồ sơ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM đã được Bộ GTVT gửi lấy ý kiến UBND TP.HCM và các bộ, ngành, địa phương có liên quan từ tháng 6.2024. Tuy nhiên, Bộ GTVT chưa nhận được ý kiến của UBND TP.HCM.

Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu và sớm có văn bản tham gia ý kiến để triển khai các bước tiếp theo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.