Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật thuế (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015) quy định: Đối với hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế TNCN; đối với hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm nộp thuế TNCN theo tỷ lệ ấn định trên doanh thu theo từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Dự thảo luật Thuế thu nhập cá nhân thay đổi
ẢNH: NGỌC THẮNG
Quá trình thực hiện có ý kiến cho rằng mức 100 triệu đồng/năm để xác định cá nhân không thuộc diện nộp thuế TNCN là không phù hợp, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo tỷ lệ trên doanh thu không được giảm trừ gia cảnh. Trong khi đó, từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) đối với bản thân người nộp thuế, 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc.
Để phù hợp với sự biến động của giá cả, thống nhất với ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh đang được đề xuất sửa đổi (tại dự án luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang trình Quốc hội cũng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về mức doanh thu chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh và giao Chính phủ quy định mức cụ thể). Theo đó, quy định này cũng cần được cập nhật để bổ sung tại luật Thuế TNCN đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trên cơ sở kế thừa đầy đủ quy định tại dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua. Dự thảo đưa ra một số giải pháp như sửa đổi, bổ sung quy định về doanh thu để thống nhất với các pháp luật liên quan.
Đối với mức giảm trừ gia cảnh (GTGC), dự thảo thừa nhận mức hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới. Mức GTGC cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới đây, đồng thời không làm giảm vai trò của chính sách thuế TNCN trong hệ thống thuế. Mức giảm trừ "quá cao" sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế TNCN trong việc thực hiện các chức năng của sắc thuế này (đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập) và vô hình sẽ đưa chính sách thuế TNCN trở lại "chính sách thuế đối với người có thu nhập cao" như giai đoạn trước đây. Đồng thời, có thể cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước trong từng thời kỳ.
Giải pháp đưa ra bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ; nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để phù hợp với thực tiễn phát sinh.
Bình luận (3)
Nghiên cứu lâu quá !!! Lạc hậu thì điều chỉnh mức giảm trừ ngay, tại sao phải gộp vào luật mới, đến tận giữa năm 2026 mới họp thông qua ? Và năm 2027 mới áp dụng ??? Mức giảm trừ gia cảnh phải từ 8triệu/người phụ thuộc và mức khởi điểm chịu thuế phải từ 14 triệu (sau khi đã trừ hết giảm trừ gia cảnh). Chứ nâng lên 1, 2 triệu thì trong khi chờ áp dụng đã lạc hậu nữa rồi.
Đến nay mới có "dự thảo" thì rõ là quá chậm , chưa kể các mức đưa ra sẽ không ít người cho là không phù hợp ...biết rồi khổ lắm..đành chờ xem tin mới của Báo Thanh Niên
Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng giờ mới dự thảo thì quá chậm, việc gì được xem không còn phù hợp nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân thì kiến nghị nên nhanh chóng xem xét,thay đổi