|
Trả lời PV Thanh Niên, ông Phan Văn Huyến, Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc giải thích, dự án mở rộng tuyến đường ĐT 607 cũng như thi công tuyến đường nội bộ Khu đô thị số 9 buộc phải giải tỏa hàng chục hộ dân, trong đó có 5 hộ dân nằm trên mặt tiền đường ĐT 607. Do khó khăn về quỹ đất nên xã đã kiến nghị huyện giải quyết. Nhưng khi vận động thì 5 hộ dân bị ảnh hưởng không chịu nhận đất tái định cư ở những khu vực khác mà yêu cầu phải được nhận đất mặt tiền.
|
Sau khi xem xét, UBND H.Điện Bàn đã lên phương án thu hẹp khuôn viên Tượng đài Dũng sĩ để lấy đất mặt tiền trên đường ĐT 603 (gần ngã tư ĐT 607 - ĐT 603) bố trí 5 lô cho 5 hộ tái định cư. Ông Huyến cho rằng sau khi thu hẹp, tượng đài “vẫn đảm bảo diện tích và thẩm mỹ” do đã được xây dựng hàng rào nhằm cách ly khu dân cư. “Một bên là dân sinh, một bên là ý nghĩa lịch sử nên cần hài hòa được cái chung của 2 dự án. Không phải chúng tôi không lo gì cho quá khứ nhưng trong tình thế phải có sự hy sinh cho cái chung. Không còn con đường nào khác nên buộc phải cắt bớt phần đất tượng đài để có đất”, ông Huyến nói.
Lãnh đạo UBND H.Điện Bàn cũng cho rằng khu vực tượng đài được quy hoạch theo định hướng không gian với diện tích 1,2 ha, trong đó diện tích hiện trạng khoảng 5.000 m2. Khi xây dựng đường ĐT 607 và ĐT 603 đã giải tỏa vài chục hộ dân tại ngã tư, do vậy “cần phải có phần đất bố trí tái định cư thích hợp”. “Đất đai cho tái định cư lợi thế tương thích về dài hạn là không có. Không còn cách nào khác, chúng tôi buộc phải điều chỉnh quy hoạch khu tượng đài với diện tích khoảng 2.000 m2 sang đất ở”, ông Trần Úc, Phó chủ tịch UBND H.Điện Bàn phân trần. Ông Úc cũng khẳng định việc xén bớt đất tượng đài đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt thông qua quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị số 9 cách đây 3 tháng.
Có mặt tại hiện trường, PV Thanh Niên ghi nhận ít nhất 25 m tường rào mới xây cuối năm 2013 bao quanh khu Tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc đã bị đập bỏ. Nhiều người dân sinh sống gần khu vực này khi tiếp xúc với PV đã bày tỏ thái độ bức xúc, đặc biệt là các cựu chiến binh. “Tượng đài cũng như mồ mả, là nơi thờ phụng thiêng liêng các dũng sĩ Điện Ngọc đã chiến đấu anh dũng. Khuôn viên tượng đài còn gắn liền với sinh hoạt công cộng, để giáo dục thế hệ trẻ, thế mà đem các hộ gia đình vào sinh sống. Rồi ăn ở, rồi phơi phóng áo quần thì làm sao có thể đảm bảo không mất mỹ quan”, ông Chế Văn Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Ngọc Vinh, nói.
Ông Phùng Ngọc Thiệt (69 tuổi, thương binh) thì cật lực phản đối. Ông nói thẳng: “Thu hẹp rồi cho dân vào ở là không được. Tượng đài thì phải trang nghiêm. Làm thế tội các anh ấy lắm”.
Tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc nằm ngay tại ngã tư - điểm giao của 2 tuyến đường ĐT 603 và ĐT 607, gồm 2 phần: cột tượng thẳng đứng cao khoảng 20 m và phần cánh cung đường kính khoảng 14 m, trên đó có bức phù điêu khắc hình 7 dũng sĩ. Khuôn viên xây dựng tượng đài nằm khá gần di tích Giếng Nhà Nhì (hay còn gọi là Ao 7 dũng sĩ Điện Ngọc) - nơi ghi dấu chiến công của 7 dũng sĩ Điện Ngọc được xếp hạng Di tích cấp quốc gia (theo quyết định của Bộ VH-TT năm 1990). Đây là một công trình tôn vinh tinh thần chiến đấu quả cảm của 7 dũng sĩ (thuộc lực lượng vũ trang địa phương) vào ngày 24.6.1962, tại Giếng Nhà Nhì. |
Hoàng Sơn
>> Đã sửa lỗi sai trên tượng 'Danh tướng' Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Tháo dỡ tượng đài
>> Rác dưới chân tượng đài
Bình luận (0)