Xếp hạng đại học: Không thể đòi hỏi cao khi đầu tư thấp

Quý Hiên
Quý Hiên
27/10/2018 08:01 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng được lọt vào top 500 bảng xếp hạng QS châu Á là dịp để các đơn vị đào tạo ĐH ở VN có thể soi mình, nhận thấy điểm yếu nhằm khắc phục nếu muốn duy trì thứ hạng hoặc không bị loại ra khỏi bảng xếp hạng những năm sau.

Chỉ tiệm cận với mức trung bình của châu Á
Việc phấn đấu thăng hạng phản ánh phần nào nỗ lực tăng chất lượng của chúng ta, nhưng bản chất là câu chuyện đầu tư
PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, Giám đốc Trung tâm kiểm định giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, đánh giá số lượng các trường ĐH VN gia tăng trong các bảng xếp hạng QS châu Á cho thấy xu thế năng lực hội nhập của trường ĐH VN trong tương quan với các trường khác trong khu vực và trên thế giới.
“Bảng xếp hạng QS hướng vào các tiêu chí lớn: đánh giá của cộng đồng về chất lượng nghiên cứu khoa học (qua khảo sát các học giả và nhà tuyển dụng); năng lực quốc tế hóa thông qua công bố quốc tế, thông qua lượt trao đổi sinh viên và học giả; năng lực khoa học công nghệ thông qua số lượng bài, số lượng trích dẫn… Thế mạnh của các trường ĐH VN đang gia tăng cả 3 phần này, điều đó cho thấy năng lực hội nhập ở đây không chỉ câu chuyện về đào tạo mà còn về nghiên cứu, thể hiện ở chỉ số trong công bố quốc tế, chỉ số trích dẫn, các chỉ số khác liên quan tới năng lực học thuật, tỷ lệ giảng viên (GV) là tiến sĩ, đều đang tiếp cận với khu vực và thế giới”, tiến sĩ Huy nhận xét.
Tuy nhiên, ông Huy cho rằng: “Điểm yếu cố hữu của VN là chỉ số về GV/sinh viên khá thấp so với mặt bằng chung của khu vực châu Á. Ngay cả ĐH Quốc gia Hà Nội là tốt nhất, nhưng cũng chỉ tiệm cận với mức độ trung bình của châu Á”.
Một điểm yếu khác, theo tiến sĩ Huy, là tỷ lệ GV/bài báo. Ngay cả ĐH Quốc gia Hà Nội, đơn vị có chỉ số GV/bài báo tốt nhất VN, cũng chỉ đạt 0,2 GV/bài báo công bố trên tạp chí Scopus.
Đòi hỏi đầu tư phải hết sức bài bản
Giáo dục ĐH VN bắt đầu quan tâm nghiên cứu khoa học quốc tế
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục ĐH trong những năm qua đã ý thức được việc xây dựng uy tín, chất lượng, hội nhập với thế giới. Hiện nay đã có 117 trường được kiểm định, hơn 100 chương trình được kiểm định quốc tế... Các cơ sở giáo dục ĐH bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu khoa học quốc tế.
Trước thông tin nhiều nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines đều có các trường được lọt vào top 100 bảng xếp hạng QS ASIA 2018 - 2019, trong khi đơn vị đạt thứ hạng cao nhất của ta cũng chỉ ở vị trí 124, PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: “Việc phấn đấu xếp hạng là một câu chuyện đầy thách thức. Việc phấn đấu thăng hạng phản ánh phần nào nỗ lực tăng chất lượng của chúng ta, nhưng bản chất là câu chuyện đầu tư. Trong khi đầu tư đối với giáo dục ĐH chỉ ở mức trung bình (nếu tính mức bình quân thì thấp rất nhiều so với các nước trong khu vực), thì đạt được những thành tích như đang có là rất đáng trân trọng”.
PGS Sơn cho rằng tất cả các bảng xếp hạng đều dành trọng số cao cho việc đánh giá về mức độ nghiên cứu. Trong khi đó, các trường ĐH không thể lấy nguồn thu từ học phí của sinh viên ra để làm nghiên cứu, mà đòi hỏi phải có sự đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp.
“Muốn nghiên cứu tốt, không phải chỉ đầu tư cho các đề tài mà còn cho phát triển con người, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu. Đã là nghiên cứu, mà nghiên cứu đỉnh cao để có công bố quốc tế thì đòi hỏi sự đầu tư phải hết sức bài bản, tốn kém, hiện đại. Cho nên, hiện nay 7 trường của VN nằm trong tốp 500, trong đó 2 ĐH quốc gia đứng ở vị trí 124 và 144 là cao, phản ánh giáo dục ĐH hiệu quả rất tốt so với mức độ đầu tư. Đầu tư chưa cao mà lại mong ở top 50 - 100 thì đó là điều không tưởng”, PGS Sơn nói.
Vì thế trong điều kiện hiện nay, theo PGS Sơn, khi phấn đấu để nâng các chỉ số phục vụ cho việc xếp hạng thì cũng cần để ý làm sao những nỗ lực phải trong phạm vi mình làm được mà không phải tốn kém gì thêm. Chẳng hạn như việc tăng số bài báo quốc tế. Việc này không tốn kém hơn nhiều nhưng phải công bố chọn lọc, hoặc gia công thêm tiếng Anh cho công bố ở tạp chí quốc tế để tăng sự ghi nhận của thế giới.
Cần quan tâm chất lượng trước xếp hạng
PGS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng việc tham gia các bảng xếp hạng có ý nghĩa ở chỗ khi muốn hội nhập quốc tế thì cũng cần biết mình đang ở đâu. Đánh giá của các hệ thống xếp hạng, dù họ lựa chọn hệ thống tiêu chí nào vẫn là những đánh giá có tính khách quan, để nhìn nhận lại hệ thống giáo dục ĐH của chúng ta, sự phấn đấu của các cơ sở giáo dục ĐH và cả công tác quản lý.
Theo PGS Bình, trên thế giới, nhiều ĐH truyền thống không quan tâm tới xếp hạng. Họ cho rằng họ nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tạo nên và giữ được chất lượng của mình. Xếp hạng là một vấn đề mới, ở VN lại càng mới. Gần đây khi đặt ra vấn đề tự chủ, cạnh tranh, thì mới có nhu cầu được xếp hạng. Cho nên cũng không cần đặt vấn đề 7 trường được lọt vào bảng xếp hạng châu Á hay 2 trường vào bảng 1.000 thế giới mà trước hết đặt vấn đề chất lượng. Cứ có chất lượng thì tự động nó sẽ đi vào xếp hạng.
Tuy nhiên, theo ông Bình, khi hội nhập thì phải quan tâm đến xếp hạng nhưng ở khía cạnh xác định chuẩn mực của các trường ĐH trên thế giới, phải đặt chất lượng trong bối cảnh chuẩn mực của thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.