Xét hỏi, làm rõ vai trò từng bị cáo vụ Đồng Tâm

Vũ Hân
Vũ Hân
09/09/2020 06:31 GMT+7

Tại phần xét hỏi, các bị cáo 'vụ án Đồng Tâm ' đều thừa nhận đã nhận thức hành vi của mình là vi phạm pháp luật, do thiếu hiểu biết, mong được hưởng sự khoan hồng...

Ngày 8.9, phiên xét xử sơ thẩm 29 bị cáo tại xã Đồng Tâm (H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội) về tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ” bước vào ngày thứ 2, tập trung vào phần xét hỏi các bị cáo. Phiên xét xử kéo dài từ 8 - 11 giờ 30 cùng ngày, bắt đầu lại lúc 13 giờ 30 chiều và kết thúc vào lúc 18 giờ 30.
Tại phần xét hỏi, các bị cáo đều thừa nhận đã nhận thức hành vi của mình là vi phạm pháp luật, do thiếu hiểu biết, mong được hưởng sự khoan hồng. Một số bị cáo không đồng tình với một số nội dung trong kết luận điều tra và cáo trạng.

Xét xử 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm: An ninh siết chặt quanh tòa án

Nhiều bị cáo tiếp tục xin lỗi gia đình nạn nhân

Nhiều luật sư của bị cáo cũng khai thác thêm một số chi tiết để làm rõ vai trò từng bị cáo trong vụ án, việc có liên đới trực tiếp tới hành vi “giết người” như bị truy tố hay không. Trong nhóm các bị cáo bị buộc tội chủ mưu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội là Lê Đình Công (56 tuổi), Bùi Viết Hiểu (77 tuổi), Nguyễn Văn Tuyển (46 tuổi), Lê Đình Doanh (32 tuổi), Lê Đình Chức (40 tuổi), có 3 bị cáo Công, Hiểu, Tuyển phủ nhận việc mình trực tiếp tham gia “giết người”, do không có mặt ở vị trí 3 cán bộ công an bị rơi xuống và cũng không có hành vi trực tiếp nào liên quan đến các cái chết này.
Về 24 bị cáo có vai trò thấp hơn, nhiều bị cáo cho biết không tham gia “tổ đồng thuận” và cũng không bàn bạc gì về việc chống đối cơ quan chức năng.

Toàn cảnh bản án cho 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm: 2 án tử hình, 1 án chung thân - Thực hiện: Đan Hạ

Một số bị cáo như: Trần Thị La (42 tuổi), Trần Thị Phượng (36 tuổi), Nguyễn Quốc Tiến (40 tuổi), Nguyễn Văn Tuyển... bày tỏ hối hận, xin lỗi gia đình các cán bộ, chiến sĩ công an đã hy sinh... “Mặc dù bị cáo không gây ra cái chết cho 3 chiến sĩ nhưng bị cáo cũng thành thật chia buồn và xin lỗi 3 gia đình”, bị cáo Trần Thị Phượng nói tại tòa. Bị cáo La, Phượng cũng xin được hưởng lượng khoan hồng để về nuôi con, vì bị cáo La là mẹ đơn thân, bị cáo Phượng có 3 con nhỏ (con út mới 16 tháng tuổi khi bị cáo và chồng là Bùi Văn Tiến bị bắt trong vụ án này, hiện không biết ai nuôi).
Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến cũng cho biết vợ là Đào Thị Kim (cũng bị bắt trong vụ án này) không biết gì về việc bị cáo vay 1 triệu đồng để nộp mua lựu đạn, mong được tòa khoan hồng để vợ về nuôi 3 con. Trong buổi sáng, bị cáo Nguyễn Quốc Tiến cũng xin nói thêm vài lời để chia buồn với gia đình những cán bộ, chiến sĩ đã bị thiệt mạng. “Thưa quý tòa và các gia đình, trong thời gian giam giữ, bị cáo đã ngày đêm ăn năn hối cải, sám hối, thành tâm mong linh hồn các nạn nhân sớm được siêu thoát”, bị cáo Tiến nói và cúi đầu về hướng gia đình nạn nhân xin lỗi.
Xét hỏi, làm rõ vai trò từng bị cáo vụ Đồng Tâm1

Bị cáo Trịnh Văn Hải khai báo trước hội đồng xét xử

Bị cáo Nguyễn Văn Tuyển (người bị cụt 1 tay và hỏng 1 mắt) cũng bày tỏ mình “tuy không giết người, nhưng có liên quan, nên gửi lời chia buồn đến gia đình các chiến sĩ và mong Đảng, Nhà nước xem xét cho bị cáo”.
Bị cáo Bùi Văn Niên trình bày hoàn cảnh bị cụt 1 tay và phải mổ hộp sọ sau tai nạn giao thông, bản thân có bệnh động kinh nên đã bị vợ bỏ đi lấy chồng khác từ khi con mới 10 tháng tuổi, một mình đi bán bông tăm ngoáy tai nuôi con; bản thân đêm đó cũng chỉ ngồi ở nhà Lê Đình Chức, khi thấy báo động thì bò sang nhà ông Lê Đình Kình gõ kẻng, rồi bị khói cay nên vào buồng ngồi cho đến khi lực lượng công an vào bắt. “Cũng chỉ biết xin lỗi với 3 đồng chí chiến sĩ công an. Thôi thì tàn tật thế này, không biết nói gì chỉ biết gửi lời xin lỗi để bị cáo sống trên đời cũng thoải mái một tí”, bị cáo Niên nói trước tòa.
Bị cáo Nguyễn Xuân Điều (68 tuổi) khai bị chấn thương sọ não, gút, nặng tai, chỉ có mặt ở nhà ông Kình và “ném 2 hòn đá con con xuống đường”. Bị cáo Nguyễn Văn Duệ (58 tuổi), có bố và chú ruột là liệt sĩ, mong được hưởng khoan hồng...
Trong giờ giải lao, chủ tọa phiên tòa đã cho phép các luật sư tiếp xúc với bị cáo dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ. Các luật sư muốn tiếp cận tài liệu vụ án cũng được giải quyết vào trưa cùng ngày.

Bị cáo Hiểu mong “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”

Sau giờ giải lao, bị cáo Bùi Viết Hiểu xin có ý kiến thêm. Bị cáo “xin lỗi chủ tọa phiên tòa, chiều qua bị cáo đã phát biểu nguồn gốc đất từ 1981 là quá lạc hậu, vì từ 1990 đến giờ chính sách đất đai đã thay đổi nhiều, bị cáo không hề biết; vì vậy bị cáo muốn thành thật xin lỗi chủ tọa phiên tòa. Bị cáo đã thấy hành vi và lời nói của bị cáo là sai, không theo kịp tình hình nên không nắm được thay đổi của đất đai. Mong chủ tọa phiên tòa “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, cho bị cáo hưởng lượng khoan hồng của pháp luật”.
Liên quan đến cái chết của 3 cán bộ công an, bị cáo Trịnh Văn Hải (32 tuổi), người có mặt ở hiện trường, khai 3 cán bộ rơi xuống hố do bị cáo Lê Đình Chức chọc và khi rơi xuống hố 3 người vẫn còn sống. Bị cáo cũng cho biết không nhìn rõ diễn biến thế nào, chỉ biết bị cáo Chức ở phía trên chọc xuống.
Hôm nay 9.9, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận.
Tại tòa, đại diện người bị hại là bà Phạm Thị Lộc (vợ đại tá Nguyễn Huy Thịnh), ông Phạm Công Lâm (cha đại úy Phạm Công Huy) và mẹ của thượng úy Dương Đức Hoàng Quân đều không có yêu cầu gì cụ thể về bồi thường; mong tòa án xử đúng người, đúng tội và yêu cầu đền bù đúng theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý, tại phiên xét xử, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn mời đại diện UBND xã Đồng Tâm nhưng đại diện này không có mặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.