Sáng 8.3, học sinh lớp 12 các trường THPT Sơn Mỹ và Thu Xà (TP.Quảng Ngãi) có mặt tại Trường THPT Sơn Mỹ để nghe các chuyên gia đến từ các trường ĐH - CĐ giải đáp những thắc mắc về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ.
Học sinh Trường THPT Sơn Mỹ (TP.Quảng Ngãi) theo dõi thông tin trong buổi Tư vấn mùa thi diễn ra tại trường sáng ngày 8.3 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Chương trình do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức.
Các môn thi tốt nghiệp được tuyển sinh vào khối nào ?
Năm nay không ít trường ĐH-CĐ có nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới không giống với các khối thi truyền thống. Đó là vấn đề được nhiều học sinh (HS) có mặt tại buổi tư vấn thắc mắc nhiều nhất.
HS Nguyễn Thị Hương, Trường THPT Thu Xà đặt câu hỏi: “Bên cạnh các khối thi cũ A, B, C, D… thì còn có thêm khối thi nào mới trong kỳ thi tới? Em đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia 4 môn thì có xét khối D1 được không?”. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, thông tin: “Năm nay, có thêm nhiều tổ hợp môn mới như toán, văn, lý; toán, văn, sinh; văn, tiếng Anh, sử; toán, tiếng Anh, hóa… Các em nên xem đề án tuyển sinh của các trường để nắm rõ hơn về các tổ hợp môn mới”. Về các môn thi tốt nghiệp có xét được khối D1 hay không, tiến sĩ Trần Mạnh Thành cho biết 3 môn tốt nghiệp bắt buộc gồm có toán, văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn khác. Như vậy có 3 môn nằm trong khối D1 nên thí sinh hoàn toàn có thể xét tuyển khối D1.
Chọn ngành rồi hãy chọn trường
Nguyễn Văn Chương, HS Trường THPT Thu Xà, muốn biết khu vực miền Trung có trường ĐH nào tốt và tiêu chí nào để nhận biết, đánh giá được chất lượng của một trường ĐH. Tiến sĩ Phạm Sỹ Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Kế toán, cho rằng tại VN, phụ huynh và thí sinh có thể tự đánh giá thông qua người có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, cựu sinh viên, các kênh thông tin trên báo chí, mạng…
PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Phó phòng sau ĐH và quản lý khoa học Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: để đánh giá trường ĐH-CĐ chất lượng thì nhìn vào các tiêu chí như truyền thống đào tạo, đội ngũ giảng viên, kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, cơ sở vật chất và đánh giá của xã hội. Tất cả những thông tin này đều dễ dàng tìm kiếm trên mạng và những người xung quanh.
Trong khi đó, tiến sĩ Huỳnh Ngọc Hào, Hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung, khuyên: “Trước tiên thí sinh cần xác định mình thích khối ngành nào, kỹ thuật, kinh tế hay xã hội, từ đó định hướng chọn trường để học. Sau đó tùy vào sức học để đăng ký vào trường nào. Nếu thi có điểm cao thì mạnh dạn đăng ký các trường tốp trên, vừa phải thì lựa chọn CĐ, CĐ nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động”.
Cơ hội công việc không phụ thuộc vào bằng cấp
Việc làm vẫn là vấn đề HS lo lắng và quan tâm sau những băn khoăn về quy chế. Nguyễn Thu Thủy, HS Trường THPT Sơn Mỹ, đưa ra nhận định: “Em thấy nhiều anh chị học ĐH xong khó xin việc làm. Vậy em nên thi ĐH hay CĐ để ra trường không bị thất nghiệp? Có phải trình độ thấp thì càng khó hay không?”. PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình tiếp tục đưa ra lời khuyên: “Năm nay quy chế mở rộng cơ hội cho thí sinh. Tuy nhiên, trước khi nộp hồ sơ, các em nên lựa chọn ngành nghề, trường phù hợp năng lực học tập. ĐH không phải là con đường vào đời duy nhất. Nếu kết quả thi thấp thì các em nên xét học CĐ, trung cấp. Cơ hội việc làm không phụ thuộc vào bằng trung cấp, ĐH hay tiến sĩ, thạc sĩ, quan trọng là năng lực làm việc của ứng viên. Chỉ cần có đam mê và nỗ lực thì bậc học nào cũng dễ kiếm việc”.
HS Nguyễn Thu Hà lo lắng nếu không đậu tốt nghiệp thì có cơ hội vào học trung cấp hay không và khả năng liên thông ĐH như thế nào? Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tuyên, Phó ban Tuyển sinh Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam, cho biết: Trong trường hợp không đủ điều kiện tốt nghiệp phổ thông thì vẫn có thể xét tuyển vào học bậc trung cấp vì bậc học này nhận cả người đã tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp. “Lúc đó, em sẽ học khoảng 2 năm 3 tháng, trường vừa đào tạo chuyên môn vừa dạy những môn văn hóa để giúp các em hoàn thành chương trình văn hóa đạt điều kiện mà Bộ GD-ĐT quy định. Nếu tốt nghiệp xong em muốn liên thông lên ĐH ngay thì đăng ký thi ĐH cùng với thí sinh chính quy. Trong trường hợp đi làm đủ 36 tháng, em chỉ thi các môn chuyên ngành để liên thông. Thời gian để lấy bằng ĐH là từ 2 năm rưỡi”, ông Tuyên hướng dẫn.
Báo Thanh Niên xin cảm ơn các đơn vị đã hỗ trợ tổ chức thành công chương trình: Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, Công ty TNHH MTV Mai Linh Quảng Ngãi, Nhà máy nước khoáng Thạch Bích, các trường THPT Sơn Mỹ và Thu Xà.
|
Chỉ tuyển 25% chỉ tiêu
Theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy vừa mới ban hành, những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống.
Việc thêm các tổ hợp môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc: sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn toán và ngữ văn để xét tuyển; các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành; đối với trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hóa kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển.
|
|
Bình luận (0)