Nhiều người tiếc nuối nếu biết vậy sẽ gọi nhiều hơn so với chỉ tiêu.
Có trường gọi vượt trên 20%
Năm nay, Trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) thông báo tuyển 730 chỉ tiêu. Tuy nhiên, hiện nay số thí sinh (TS) xác nhận nhập học hơn 650, thiếu khoảng 10% so với chỉ tiêu. “Năm nay Bộ tuyên bố khả năng ảo là rất hãn hữu và Bộ cũng chỉ đạo các trường không được vượt chỉ tiêu, nên lúc đó trường tôi không dám điều chỉnh nữa. Quả thật chúng tôi không ngờ là vẫn ảo thế nên cũng thấy hơi tiếc vì mình quá thận trọng”, GS Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng trường này, chia sẻ.
|
Ông Nguyễn Xuân Trạch, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp VN, nói: “Chúng tôi thấy tiếc bởi đã không gọi nhiều hơn để trừ hao ảo. Chúng tôi cũng có trừ hao, nhưng ít thôi, bởi theo chỉ đạo của Bộ thì ai mà gọi quá nhiều sau này Bộ sẽ phạt. Với lại, chúng tôi cứ tin tưởng ở Bộ, tin tưởng vào lọc ảo”.
Theo bảng thống kê cuối cùng mà Bộ gửi cho các trường, trong số những trường có tỷ lệ TS xác nhận nhập học cao, có nhiều trường khá “bạo tay” khi chốt mức điểm trúng tuyển. Chẳng hạn Học viện Ngân hàng đã chốt mức điểm trúng tuyển tương ứng với số TS trúng tuyển đội lên so với chỉ tiêu là 771 (vượt 21%) để có số lượng TS xác nhận nhập học vừa đủ 100%. Hoặc Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM “gọi” đội lên hơn 900 (vượt 23%), Trường ĐH Cần Thơ đội lên 1.475 (vượt 18%), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) vượt 14%… Nhờ vượt quá nhiều so với chỉ tiêu mà các trường này đều có số lượng TS xác nhận nhập học trong “ngưỡng an toàn” bởi số TS trúng tuyển thực nếu có vượt chỉ tiêu cũng chỉ ở mức dưới 10%.
Vì sao ảo vẫn cao?
Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Có trường phàn nàn với tôi rằng, các anh nói nếu tham gia nhóm thì ảo sẽ ít đi, vậy mà giờ ảo vẫn 30 - 40%. Có trường chủ quan gọi có 111% so với chỉ tiêu với suy nghĩ chỉ cần trừ hao ảo 10% là được, ai ngờ ảo đến 40%!”. Ông Tớp còn kể lại có trường đã gọi điện cho 800 TS có trong danh sách trúng tuyển để mời đến xác nhận nhập học nhưng TS đều từ chối. “Rất nhiều trường trong nhóm miền Bắc sẽ phải tuyển bổ sung. TS sẽ đăng ký xét tuyển với từng trường mà như thế thì càng ảo nữa, bởi sẽ không biết đằng nào mà lần!”, ông Tớp chia sẻ.
tin liên quan
Xét tuyển đại học: Tốp trên 'ngắt véo', tốp dưới còn 'da, xương'Một số trường tốp trên đã gọi trúng tuyển có tỷ lệ so với chỉ tiêu khá cao, khiến nhóm trường tốp dưới tuy có điểm chuẩn trúng tuyển thấp hơn nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
tin liên quan
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về hiện tượng 'mưa điểm 10'Tại hội nghị tổng kết giáo dục đại học năm học 2016 - 2017 sáng nay (11.8), Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã lý giải về hiện tượng 'mưa điểm 10' và điểm chuẩn ngành sư phạm thấp.
Ông Trạch cũng phân tích: “Có thể phần mềm của Bộ chỉ kiểm soát được số TS đăng ký xét tuyển vào ĐH, TS đăng ký vào CĐ thì Bộ không có dữ liệu. Vì thế, TS sẽ đăng ký cả hai bên, cuối cùng chọn học CĐ, mà Bộ thì không dự đoán được số này. Khả năng thứ hai là do việc xét tuyển vào ĐH cùng lúc áp dụng 2 phương thức vừa xét tuyển căn cứ vào kết quả thi THPT vừa xét tuyển dựa vào học bạ. Bộ chỉ kiểm soát được số TS đăng ký xét tuyển dựa vào kết quả thi thôi. Ngoài ra, còn do TS chọn những kênh khác như du học, xuất khẩu lao động”.
“Lỗi không phải do công cụ lọc ảo” !
Trả lời Báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết với quy định TS không giới hạn số nguyện vọng đăng ký xét tuyển, nếu không có công cụ “lọc ảo” thì rõ ràng kết quả đợt 1 xét tuyển sẽ tệ hơn rất nhiều.
Ông Ga khẳng định: “Công cụ “lọc ảo” năm nay đã phát huy tác dụng rất tốt. Một số trường tuyển thiếu chỉ tiêu do TS trúng tuyển mà không nhập học hoàn toàn không phải lỗi của công cụ “lọc ảo” này. Với số liệu thống kê hiện nay, số TS trên điểm sàn chưa nhập học vào bất kỳ trường nào khoảng 170.000, trong khi đó số chỉ tiêu cần tuyển xấp xỉ 100.000. Vì thế, nguồn tuyển còn rất lớn”.
|
Bình luận (0)