Xét tuyển ĐH bất lợi cho khối A: Đã có nhiều cảnh báo

Quý Hiên
Quý Hiên
28/07/2023 06:05 GMT+7

Theo chuyên gia, lãnh đạo các trường ĐH, sự phản khoa học của việc gộp 2 kỳ thi trong một mục đích đã được các chuyên gia cảnh báo từ ngay khi Chính phủ bàn chủ trương.

BẤT CÔNG TIỀM ẨN NGAY TRONG MỘT MÔN THI TRẮC NGHIỆM ?

Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, sau khi có điểm thi, các trường mới công bố nguyên tắc xét tuyển thì xét tuyển thế nào mới công bằng, câu trả lời vẫn bỏ ngỏ. Chẳng hạn, rất khó định lượng được điểm chênh bao nhiêu giữa các tổ hợp là hợp lý. Nếu phân bổ chỉ tiêu cho từng tổ hợp (theo từng ngành), thì căn cứ nào để phân bổ? Ngay cả với việc xét tuyển theo nhiều phương thức, nếu nhận định tính công bằng giữa các phương thức thì căn cứ nào để đánh giá? Ngay cả việc tại sao các trường lại xét môn tiếng Anh thay cho môn hóa cũng là câu hỏi không trả lời được.

Xét tuyển ĐH bất lợi cho khối A: Đã có nhiều cảnh báo - Ảnh 1.

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi môn toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

ĐÀO NGỌC THẠCH

Còn theo một chuyên gia về tuyển sinh ĐH thì với cách ra đề như hiện nay sự bất công tiềm ẩn ngay trong một môn thi trắc nghiệm, chứ không chỉ là giữa thí sinh (TS) tổ hợp này với TS tổ hợp khác. Từ năm 2017 Bộ GD-ĐT bắt đầu áp dụng thay đổi cách ra đề thi trắc nghiệm, mỗi đề thi trắc nghiệm từ 1 đề gốc thành 4 đề gốc. Sau kỳ thi, trong dư luận giới chuyên môn cho rằng có sự vênh nhau về độ khó của các mã đề. Thời điểm đó, một đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định với báo chí là không có chuyện các mã đề vênh nhau, và kết quả thi sẽ minh chứng cho điều này. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, chưa bao giờ Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm mã đề thi của từng môn thi. Trong khi đó, theo khảo sát của vị chuyên gia này, trên cơ sở phổ điểm của 24 mã đề môn toán của 6 tỉnh/thành (Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Tuyên Quang, Yên Bái) trong năm 2017 cho thấy có sự khác biệt về số lượng điểm cao ở từng mã đề. Cụ thể: số lượng điểm 8,6 - 10 của mã đề 102 nhiều gấp hơn 2 lần mã đề 101 (609:288); số lượng điểm 9,0 - 10 của mã đề 102 nhiều gấp gần 3 lần mã đề 101 (338:123).

NH HƯỞNG ĐẾN TƯƠNG LAI TRƯỜNG ĐÀO TẠO NGÀNH KHTN

Theo GS Lê Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, trường gần như không tuyển tổ hợp D01, mà chỉ tuyển các tổ hợp có ít nhất 2 môn khoa học tự nhiên (KHTN). Tuy nhiên, việc các trường ĐH kỹ thuật, công nghệ mở rộng nguồn tuyển và xét một điểm chuẩn cho tất cả các tổ hợp, ảnh hưởng ngược lại tới việc chọn học tổ hợp nào của học sinh phổ thông, cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tương lai của những trường ĐH đào tạo ngành KHTN.

"Như chính Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT báo cáo trong hội nghị tổng kết tuyển sinh năm ngoái, số TS trúng tuyển vào các ngành KHTN, toán và thống kê, khoa học sự sống… rất thấp. Chỉ chiếm từ 0,40 đến 0,64% trong tổng số TS trúng tuyển ĐH. Trong đó ngành KHTN chỉ tuyển chưa được 60%; ngành khoa học sự sống tuyển chưa được 61,36% chỉ tiêu. Ở mặt khác của bức tranh, ngành kinh doanh và quản lý tuyển được 24,54% trong tổng chỉ tiêu trúng tuyển. Bộ GD-ĐT cũng nhận thức được đây là vấn đề đáng lo ngại. Nếu thấy nó thực sự đáng lo ngại, trước hết Bộ hãy làm trong phạm vi quyền hạn của mình, đó là tìm hiểu, nghiên cứu để có chính sách cải thiện nguồn tuyển KHTN ngay từ bậc phổ thông. Phải làm sao để số em chọn học toán, lý, hóa sinh đủ nhiều, để lên đến ĐH tinh lọc là vừa. Cũng như việc phải có một nền móng đủ rộng, thì khi đó mới hy vọng xây được ngôi nhà cao", GS Sơn nói.

PGS Nguyễn Phong Điền cũng bình luận thêm: "Tính chất của kỳ thi, chất lượng đề thi, chính sách tuyển sinh của từng trường… là các yếu tố cùng gây ảnh hưởng tới chính chất lượng tuyển sinh của các trường ĐH. Nếu TS thấy khối A vừa học vất vả, vừa khó đỗ ĐH tương xứng với năng lực của bản thân, thì các em chọn lối đi "nhàn" hơn, là tập trung ôn thi văn, toán, tiếng Anh để xét ĐH, thi thêm tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) để xét tốt nghiệp. Và điều này ảnh hưởng tới nguồn tuyển của các ngành kỹ thuật, công nghệ…".

Xét tuyển ĐH bất lợi cho khối A: Đã có nhiều cảnh báo - Ảnh 2.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vừa để xét tốt nghiệp vừa để các trường tuyển sinh vào ĐH

NHẬT THỊNH


CẦN XEM LẠI VIỆC GỘP 2 KỲ THI TRONG 1

Theo tiến sĩ Lê Đông Phương, chuyên gia độc lập nghiên cứu về giáo dục ĐH, sự bất công với nhóm TS này hay nhóm TS kia trong xét tuyển ĐH dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là tất yếu. Việc tổ chức một kỳ thi với mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, nhưng lại dùng kết quả để xét tuyển ĐH, đã dẫn đến việc "ép" các trường ĐH dùng những thước đo ít có khả năng phân loại học sinh để xét tuyển. Bị "ép" dùng kết quả tốt nghiệp để xét tuyển nhưng lại bắt các trường phải "tự chủ" tuyển sinh, nên các trường không còn cách nào khác là đưa tràn lan tổ hợp xét tuyển vào với mục đích tìm cách tuyển được càng nhiều TS càng tốt.

Tiến sĩ Phương bình luận: "Thi tốt nghiệp là để đánh giá xem học sinh đã có đủ kiến thức phổ thông cơ bản để vào đời chưa, dù đó là đi làm, đi học hay cái gì khác. Nó xét đến tính phổ quát của kiến thức và không cần phải phân loại học sinh. Còn xét tuyển ĐH cần xem xét thế mạnh của mỗi học sinh trong các phương diện học thuật, tư duy, kỹ năng có liên quan tới ngành học, nhóm ngành học mà các em đăng ký, đòi hỏi sự sàng lọc, phân loại rõ ràng. Sự phân loại này giúp trường ĐH đánh giá đúng sự phù hợp của TS với ngành học. 2 mục tiêu này khác nhau quá xa và khi cố gượng ép dồn vào 2 trong 1 nó làm cả 2 mục tiêu đều bị ảnh hưởng".

Hiệu trưởng một trường ĐH cũng cho rằng, việc phải sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ xét tuyển là vì các trường ĐH ở vào tình thế cực chẳng đã. Kỳ thi tốt nghiệp là đợt khảo sát nhằm đánh giá khả năng trang bị những nền tảng tối thiểu để mỗi học sinh có những tri thức, kỹ năng trở thành công dân để vào đời. Kỳ thi vào ĐH là sự đánh giá năng lực cần thiết để đào tạo một nghề nghiệp nhất định. Bản chất 2 kỳ thi là khác nhau. 

Vị hiệu trưởng này cũng cho biết, ông và đại diện khác đến từ các trường ĐH đều đã chính thức phản biện rất nhiều lần về sự phản khoa học khi gộp 2 kỳ thi này. 

Tác động tới việc chọn tổ hợp môn của học sinh lớp 10

Từ mấy năm nay việc lấy chung một điểm chuẩn cho một ngành với tất cả tổ hợp xét tuyển là một bất lợi cho học sinh xét tuyển các tổ hợp có các môn lý, hóa, sinh. Việc này tiềm ẩn sự bất công cho học sinh chọn tổ hợp các môn trên, đặc biệt khối A00. Không những thế, nó còn tác động tới việc chọn tổ hợp môn của các em mới vào lớp 10. Các em bị chi phối bởi lẽ bất công trên, khó khăn cho việc định hướng nghề nghiệp.

Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THTP Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Số lớp ban D nhiều hơn hẳn ban A

Năm ngoái Trường THPT Quỳnh Lưu 1 có hơn 40 lượt học sinh đạt từ 27 điểm trở lên các tổ hợp A00, A01, B00 thì năm nay chỉ còn 10 lượt em. Trước tình hình điểm thi năm nay, TS chọn khối KHXH có điểm rất cao, nhiều học sinh có tâm lý chuyển từ KHTN sang học KHXH để dễ đạt điểm cao. Các trường THPT ở Nghệ An năm nay nhìn chung có xu hướng có số lớp ban D nhiều hơn hẳn ban A.

Ông Trần Ngọc Minh,Trường THPT Quỳnh Lưu 1 - Nghệ An

Mong các trường nghiên cứu lại cách tuyển sinh

Giáo viên chúng tôi mong các trường nghiên cứu lại cách tuyển sinh để các học sinh ban A đỡ thiệt thòi. Thực tế hiện nay học sinh ban A là đối tượng học sinh "tinh hoa", các giáo viên khi dạy thi học sinh giỏi (kể cả giáo viên văn) cũng thích thi ở các lớp ban A. Nếu trường THPT chỉ toàn lớp ban D thì các thầy cô dạy toán cũng không thể còn hứng thú như khi được dạy các lớp ban A.

Giáo viên ở một trường THPT khu vực nội thành Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.