Thông tin được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Điểm sàn và sự lựa chọn của thí sinh" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều nay (23.7). Chương trình diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.
Dự báo điểm chuẩn các ngành
Trong chương trình, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trường đã công bố điểm sàn các ngành từ 16-21 điểm. Trong đó riêng khối ngành sức khỏe, ngành dược nhận hồ sơ từ 21 điểm, ngành điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học từ mức 19 điểm.
Dự báo về tình hình điểm chuẩn, thạc sĩ Xuân Dung cho biết, điểm chuẩn của trường các năm gần đây thường chênh lệch từ 1-3 điểm so với điểm sàn. Phân tích kỹ hơn, một số ngành khối kỹ thuật công nghệ điểm chuẩn có thể bằng điểm sàn. Nhưng các ngành thu hút, xu hướng và có số thí sinh đăng ký nhiều như: truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, các ngành ngôn ngữ… điểm chuẩn có thể cao hơn 2-3 điểm. Các ngành ngôn ngữ điểm chuẩn thường chênh lệch cao hơn 1 điểm, riêng ngành ngôn ngữ Anh có năm cao hơn tới 2 điểm.
Nhận định chung về các ngành khoa học sức khỏe, thạc sĩ Xuân Dung phân tích: "Năm nay, điểm sàn Bộ GD-ĐT công bố tương đương so với năm rồi. Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT các môn thi trong tổ hợp xét tuyển khối ngành sức khỏe năm nay cũng tương đương với năm ngoái. Có thể dự đoán mức độ cạnh tranh và điểm chuẩn các ngành khoa học sức khỏe có sự biến động không lớn". Tuy nhiên, thạc sĩ Dung lưu ý: "Điểm chuẩn còn phụ thuộc vào tỷ lệ chỉ tiêu cụ thể các trường dành xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Ví dụ, các ngành khoa học sức khỏe của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM vẫn dành 45% chỉ tiêu xét điểm thi, khả năng không có sự thay đổi nhiều về điểm chuẩn năm nay".
Bí quyết sắp xếp nguyện vọng theo điểm học bạ hoặc điểm thi cho thí sinh xét tuyển đại học
Thạc sĩ Lưu Thị Lan Phương, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, cho biết điểm sàn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT các ngành của trường dao động từ 15-19 điểm. Trong đó, ngành có điểm sàn cao nhất là điều dưỡng ở mức 19. "Năm trước, ngành điều dưỡng có điểm sàn 19 và điểm chuẩn 19,5. Có thể dự báo điểm chuẩn các ngành năm nay không nhiều biến động so với năm ngoái. Riêng các ngành có sử dụng tổ hợp xét tuyển chứa môn ngữ văn, địa lý mức độ cạnh tranh giữa các thí sinh có thể tăng nhẹ", thạc sĩ Lan Phương chia sẻ.
Còn thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết điểm sàn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của trường từ 16-18 điểm tùy ngành. Đây chỉ là điểm tối thiểu nhận hồ sơ, thí sinh cần tham khảo thêm điểm chuẩn các năm trước. Ngoài ra, thí sinh cũng cần phân biệt về mức điểm thí sinh nhận được học bổng đầu vào của các trường.
4 "gạch đầu dòng" thí sinh cần nhớ khi đăng ký nguyện vọng
Lời khuyên với thí sinh khi đăng ký nguyện vọng, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung đưa ra 4 "gạch đầu dòng" thí sinh cần lưu ý.
- Thứ nhất, thí sinh cần lọc ra và sắp xếp chọn lọc các nguyện vọng trước khi thực hiện việc đăng ký (nguyện vọng trúng tuyển sớm và nguyện vọng đăng ký mới).
- Thứ hai, phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, trong đó nguyện vọng yêu thích nhất đặt đầu tiên và giảm dần theo thứ tự nguyện vọng bởi nguyên tắc lọc ảo của phần mềm là khi trúng tuyển ở nguyện vọng 1 thì tất cả nguyện vọng sau đó đều bị vô hiệu hóa. "Thí sinh cũng không nên sợ rớt mà bỏ hẳn đi ngành học mong muốn khỏi danh sách đăng nguyện vọng đăng ký. Thay vào đó, hãy mạnh dạn đặt ngành đó ở nguyện vọng 1 nhưng thêm các nguyện vọng dự phòng phía dưới. Nguyện vọng dự phòng có thể là những ngành gần với ngành đang chọn và đồng thời sử dụng nhiều phương thức để tăng khả năng trúng tuyển", thạc sĩ Dung nhấn mạnh.
- Thứ ba, dù quy định cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng thí sinh vẫn nên có giới hạn cho mình. Thí sinh không nên đặt quá nhiều nguyện vọng vì tương ứng với đó là lệ phí xét tuyển, chỉ 5-7 nguyện vọng là phù hợp.
- Thứ tư, thí sinh phải rà soát kỹ thông tin cá nhân, kiểm tra mã ngành, mã trường mình thực hiện xét tuyển. Thí sinh đừng để giờ chót mà nên hoàn thành việc đăng ký mà cần thực hiện trước đó 1-2 ngày để con đường đến với giảng đường ĐH thuận lợi hơn nhiều.
Thạc sĩ Trần Văn Trắng thì nhắc nhở thí sinh về sự khác biệt giữa ngành và chuyên ngành. Thạc sĩ Trắng nói: "Khi đăng ký trên cổng Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ có thể tìm mã ngành mà không thấy mã chuyên ngành. Ví dụ, marketing số là một chuyên ngành thuộc ngành quản trị kinh doanh, nếu muốn học chuyên ngành này khi đăng ký, thí sinh cần tìm đúng mã ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn để đăng ký".
Còn thạc sĩ Lưu Thị Lan Phương lưu ý thêm về chiến lược đăng ký nguyện vọng xét tuyển: "Thí sinh nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm tương ứng với nhóm ngành mơ ước, nhóm ngành vừa sức, nhóm ngành dự phòng. Cách đặt nguyện vọng này sẽ giúp thí sinh có thể nắm bắt cơ hội và tránh tình trạng 'bị trắng tay' ngoài mong muốn".
Bình luận (0)