Xét tuyển sớm gây mất công bằng?

Hà Ánh
Hà Ánh
16/03/2024 05:53 GMT+7

Xét tuyển sớm giúp các trường ĐH chủ động hơn, thí sinh được giảm tải tâm lý nhưng mặt trái cũng không ít. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh sự thiếu công bằng với thí sinh trong một số trường hợp. Do đó, việc xét tuyển sớm dự kiến sẽ được điều chỉnh từ năm 2025.

Việc giữ hay bỏ xét tuyển sớm thu hút nhiều ý kiến khác nhau của các trường ĐH trong hội nghị tuyển sinh năm 2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 15.3 tại TP.HCM. Hội nghị có đại diện của các cơ sở giáo dục ĐH, học viện, trường ĐH và trường CĐ sư phạm, các sở GD-ĐT trong toàn quốc tham dự.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả tuyển sinh năm trước và triển khai kế hoạch tuyển sinh năm nay. Đặc biệt là dịp nhìn nhận lại 9 năm công tác tuyển sinh từ 2015, thực hiện điểm mới trong luật Giáo dục năm 2018 và quyền tự chủ các trường ĐH trong công tác tuyển sinh. Từ năm 2015 đến nay, công tác có những điều chỉnh lớn, nhỏ khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh (TS) trong xét tuyển.

Xét tuyển sớm gây mất công bằng?- Ảnh 1.

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong hội nghị tuyển sinh năm 2024 là xung quanh các phương thức xét tuyển

HÀ ÁNH

SỬ DỤNG NHIỀU PHƯƠNG THỨC CHƯA ĐẢM BẢO SỰ CÔNG BẰNG

Xuyên suốt hội nghị, phương thức tuyển sinh trở thành vấn đề chính với nhiều ý kiến. Cho rằng đây là vấn đề "nóng", theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy, các trường ĐH trong năm vừa qua vẫn sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển. Điều này dẫn đến sự nhiễu thông tin, có những phương thức xét tuyển không có TS đăng ký hoặc không có TS nào trúng tuyển. Việc sử dụng nhiều phương thức nhưng chưa có cơ sở phân tích đối sánh, chưa có cơ sở khoa học nên chưa đảm bảo sự công bằng cho TS.

Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy 2 phương thức xét tuyển chủ đạo trong năm 2023 vẫn là xét điểm thi tốt nghiệp THPT (chiếm gần 50% TS trúng tuyển) và xét học bạ (trên 30% trúng tuyển). Các kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy chỉ chiếm 2,5%. Theo Bộ GD-ĐT, số liệu này có thể thấy các kỳ thi riêng chưa đóng vai trò chủ đạo trong tổng số TS trúng tuyển toàn quốc.

Thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT từ ngày 10.7

Đặc biệt, về xét tuyển sớm, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho rằng: "Nhiều trường ĐH đang đua nhau xét tuyển sớm, hiện có 214/322 cơ sở đào tạo công bố xét tuyển sớm". Nhưng trong tổng trên 375.500 TS trúng tuyển xét tuyển sớm chỉ có trên 147.000 TS đăng ký nguyện vọng 1 (trúng tuyển sau lọc ảo). Có nghĩa là có chưa đến 40% TS quyết định nhập học bằng phương thức này.

MẶT TRÁI CỦA XÉT TUYỂN SỚM

Chia sẻ trước đại diện các cơ sở đào tạo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng xét tuyển sớm có ưu điểm giúp các trường chủ động hơn, giảm tải tâm lý cho TS và cho các trường, nhưng mặt trái không ít. "Cũng là tâm lý nhưng thay vì phải dồn vào một kỳ thi thì ngay từ đầu năm phải chuẩn bị cho xét tuyển sớm. Rồi sai sót, thiếu dự báo và tính thiếu công bằng. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh sự thiếu công bằng", Thứ trưởng nói.

Phân tích điểm này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu ví dụ, một trường có 100 chỉ tiêu ngành, trường ấn định 60 chỉ tiêu xét tuyển sớm, vậy căn cứ nào để xác định chỉ tiêu sớm này? Có trường còn chưa dự báo được tỷ lệ ảo nên đưa lên 200, lúc đăng ký vào đã hơn 100, không còn chỉ tiêu cho TS xét tuyển bằng phương thức khác. Đấy là một hiện tượng rất nhức nhối trong một số năm qua.

Ông Sơn phân tích thêm: Nếu trường nhận thoải mái TS đăng ký vào, trường sẽ rất chủ động nhưng nếu có trường chỉ 100 hoặc 1.000 chỉ tiêu thì xét tuyển sớm bao nhiêu cho hợp lý và đủ công bằng. Chỉ có trường hợp xét tuyển sớm có thể đảm bảo công bằng là trường được nhận TS xét tuyển sớm thoải mái, không ảnh hưởng đến chỉ tiêu phương thức xét sau và chỉ xét tuyển sớm những TS thực sự giỏi như tuyển thẳng, TS tài năng…

"Nhưng đây là sự thiếu công bằng. Điều này không chỉ một trường mà ở nhiều trường, dẫn tới có trường chỉ tiêu tuyển thực vượt rất nhiều. Có trường để không bị vượt lại siết chặt chỉ tiêu phương thức khác dẫn đến tình trạng điểm chuẩn nhảy vọt lên", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Xét tuyển sớm gây mất công bằng?- Ảnh 2.

Xét tuyển sớm gây mất công bằng?- Ảnh 3.

TÌM GIẢI PHÁP

Đại diện các trường ĐH cũng có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc xét tuyển sớm.

Tiến sĩ Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết có ý kiến cho rằng nên dồn hết vào đợt 1 để xét tuyển nhưng việc này sẽ gây áp lực cho các trường cũng như hệ thống xét tuyển. Do đó, theo ông Vinh, cần duy trì việc xét tuyển sớm để các trường xét tuyển các phương thức khác ngoài phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, không gây áp lực trong lần xét tuyển đợt 1.

Theo PGS-TS Lê Thành Bắc, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, xét tuyển sớm tạo điều kiện rất tốt cho các trường trong những năm qua. Tuy nhiên, PGS Bắc cũng chỉ ra một số nhược điểm cần xem xét để khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, hầu hết TS trúng tuyển sớm khi thi tốt nghiệp THPT, khi trường đã gọi TS công bố kết quả trúng tuyển sớm, tạo tâm lý TS không cố gắng hết sức cho kỳ thi này mà chỉ cần xét tốt nghiệp. Có thể vì thế mà tác động đến sự chênh lệch giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT với học bạ. Đề nghị nên có quy định chỉ được công bố xét tuyển sớm sau thi tốt nghiệp THPT, nếu được nên thực hiện năm sau vì năm nay đã có trường công bố rồi.

Một nhược điểm khác từ thực tế ĐH Đà Nẵng, PGS Bắc cho biết theo số liệu các năm vừa qua, ảo xét tuyển sớm cỡ khoảng 200 - 300%. Khi xét tuyển sớm, dữ liệu về ưu tiên tuyển sinh có sự sai sót khá nhiều trong hậu kiểm.

PGS-TS Nguyễn Hữu Công, Phó giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho biết ĐH này chỉ khoảng 20% TS trúng tuyển sớm trong đợt 1. "Xét tuyển sớm có ưu điểm là tạo sự yên tâm cho người học nhưng hơi khó dự báo cho các trường ĐH. Năm 2025 Bộ nên xem xét lại việc xét tuyển sớm, nên chăng chỉ dành cho các trường tuyển sinh ngành năng khiếu thôi", PGS Công kiến nghị.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nêu ý kiến: "Việc cho rằng xét tuyển sớm không thực sự hiệu quả, cũng không hoàn toàn chính xác". Theo ông Tùng, nên cân nhắc thử xem có kết hợp xét tuyển sớm và nhập học sớm được không. Hiện nay quy định của Bộ không cho các trường gọi TS nhập học sớm. "Vậy nên chăng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường có 1 - 2 ngày thực hiện thủ tục nhập học sớm, sau đó mới tổ chức cho TS đăng ký nguyện vọng và có thể thay đổi nếu cần?", ông Tùng đề xuất giải pháp.

Xét tuyển sớm gây mất công bằng?- Ảnh 4.

Các trường ĐH có nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có xét tuyển sớm. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, chưa có sự công bằng với thí sinh giữa phương thức xét tuyển sớm với các phương thức khác

ĐÀO NGỌC THẠCH


TUYỂN VƯỢT CHỈ TIÊU TRONG VÀI NĂM SẼ ĐÌNH CHỈ TUYỂN SINH

Tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ đã nhận ra, các trường cũng đã phát biểu. Năm nay các trường không được yêu cầu TS đóng lệ phí để giữ chỗ. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa của TS trong lựa chọn phương thức xét tuyển.

Một trong số các bất cập tuyển sinh hiện nay, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: "Chưa có minh chứng thuyết phục về sự bảo đảm công bằng giữa các phương thức tuyển sinh và giữa các tổ hợp xét tuyển. Các trường phải làm rất tốt công tác đánh giá, đối sánh kết quả học tập của TS theo từng phương thức tuyển sinh. Điều này không chỉ làm cho Bộ, cho TS mà trước hết cho các trường ĐH".

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, một số trường chưa thực hiện các quy định chung cũng là một bất cập trong tuyển sinh năm qua. Có trường vượt chỉ tiêu, đáng chú ý có trường vượt năng lực đào tạo rất nhiều. "Hầu hết các trường đều tuyển rất nghiêm túc nhưng đâu đó còn một số trường bất chấp tuyển vượt, vượt rất nhiều chứ không phải vài ba % do bị động tỷ lệ ảo", Thứ trưởng nói.

Đặc biệt, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, với các trường vượt chỉ tiêu năm ngoái sẽ bị trừ chỉ tiêu trong năm nay. "Nhưng trong thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu siết chặt việc này, một vài năm tiếp tục tuyển vượt năng lực sẽ bị đình chỉ tuyển sinh", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Kinh doanh và quản lý có tỷ lệ THÍ SINH trúng tuyển cao nhất

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT công bố tỷ lệ TS trúng tuyển theo các lĩnh vực đào tạo. Trong đó, kinh doanh và quản lý vẫn đứng đầu với 23,57% (giảm nhẹ so với năm 2022 với 24,54%). Tiếp theo là máy tính và công nghệ thông tin chiếm trên 11%, công nghệ kỹ thuật trên 10%, nhân văn trên 8%...

Ngược lại, các ngành có tỷ lệ thấp nhất gồm: dịch vụ xã hội, thú y, toán và thống kê, khoa học tự nhiên, khoa học sự sống…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.