Vấn đề gây bức xúc với phụ huynh và học sinh những ngày qua là việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ gặp nhiều trở ngại. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và triển khai năm học 2015 - 2016 diễn ra hôm qua, việc rút kinh nghiệm kỳ thi THPT quốc gia cũng được đặt ra.
Do năm đầu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ theo cách mới nên cả phụ huynh, thí sinh và các trường
đều rất căng thẳng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc từ Bộ đến các địa phương, các trường ĐH về công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả... kỳ thi THPT quốc gia để hoàn thiện các khâu của quá trình tổ chức thi. Đồng thời, xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức thi phù hợp từ năm 2016 và những năm tiếp theo.
|
Về việc xét tuyển dư luận đang quan tâm và bức xúc, ông Đam nhấn mạnh: "Thực ra vấn đề này đã nêu ra nhưng Bộ khẳng định đã lường được và yên tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Bộ chưa lường được hết và chưa thể yên tâm. Điều này có thể hiểu được vì là việc mới".
Ông Đam đề nghị Bộ tiếp tục lắng nghe, trên tinh thần cầu thị, sẵn sàng chịu vất vả, điều chỉnh nếu cần thiết để tất cả vì thí sinh. Mục tiêu lớn nhất là không có thí sinh điểm cao trượt ĐH.
Đổi mới trước khi thay đổi chương trình, sách giáo khoa
Một trong những vấn đề quan trọng tại hội nghị là đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) và điều kiện về cơ sở vật chất đi kèm theo chương trình mới. Ông Vũ Đức Đam nêu quan điểm: “Không có đổi mới CT, SGK thì vẫn phải làm kiên cố hóa trường lớp và không phải cứ kiên cố hóa mới đổi mới CT, SGK”.
Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng sẽ không đợi đến khi có CT, SGK mới thì mới bắt tay vào việc đổi mới giáo dục phổ thông. Cùng với việc chuẩn bị biên soạn CT, SGK mới, các năm học vừa qua cũng như năm học tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh thay đổi cách dạy, cách học và cách thi cử theo yêu cầu mới.
Cũng theo ông Luận, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ không chỉ lấy ý kiến góp ý trong vòng một tháng, mà chủ động lấy ý kiến ngay cả khi đã triển khai thực hiện để ngày càng hoàn thiện theo hướng tốt hơn. Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ của năm học tới, theo Bộ, là đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông đã được phê duyệt.
Kiên định đánh giá học sinh theo cách mới
Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng Bộ khẳng định năm học tới sẽ tiếp tục triển khai đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh (HS) và chỉ đạo đổi mới về kiểm tra, đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30. Bỏ chấm điểm thường xuyên với tất cả HS từ lớp 1 đến lớp 5, chỉ giữ lại việc cho điểm ở bài kiểm tra cuối học kỳ.
Vấn đề được dư luận đặt ra là việc đổi mới này có liên thông cho tới cấp học cao hơn hay không? Trao đổi với PV Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết đến thời điểm này Bộ chưa có chủ trương sẽ áp dụng tinh thần đổi mới của Thông tư 30 sang tới bậc THCS. Mặc dù vậy, ông Hiển nói sẽ áp dụng đổi mới cách đánh giá đối với những trường thực hiện mô hình trường học mới ở cấp THCS. Bộ GD-ĐT cũng sẽ xem xét để có hướng dẫn nhằm giảm áp lực trong đánh giá HS bậc THCS, cụ thể là HS lớp 6 vừa xong tiểu học được đánh giá theo Thông tư 30, sẽ không cảm thấy bị “sốc” vì quá nhiều điểm số.
Tăng mạnh sĩ số lớp ở thành phố lớn
Tại hội nghị, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết luật Cư trú mới khiến dân nhập cư vào TP.HCM biến động mạnh và tăng nhanh, làm cho công tác dự báo số HS đến lớp không chính xác, tạo áp lực lớn về việc không đáp ứng kịp nhu cầu phòng học cục bộ ở một số địa phương. Năm học 2015 - 2016, TP.HCM có khoảng 1.540.262 HS từ mầm non đến THPT, tăng 85.145 so với năm học trước (chủ yếu mầm non và tiểu học). Cơ sở vật chất trường lớp còn chật hẹp, sĩ số trẻ trong lớp còn đông (40 - 50 HS/lớp), đặc biệt có lớp sĩ số lên đến 60 HS/lớp.
Tương tự, số lượng HS ở Hà Nội trong năm học tới tăng trên 77.000.
Lễ khai giảng phải vì học sinh
Trước tình trạng lễ khai giảng thường tổ chức hình thức, nặng nề từ nhiều năm nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những chỉ đạo rất cụ thể. Ông nói: “Từ nhiều năm nay, tôi đã đi dự khai giảng và có một điều tôi thấy ngày giờ khai giảng của các trường lại phải phụ thuộc vào thời gian của các lãnh đạo cấp trên. Bất kể thời tiết nắng hay mưa, HS, nhất là các cháu tiểu học phải tập dượt để chuẩn bị khai giảng. Tôi đến dự khai giảng và nhà trường yêu cầu phát biểu nhưng phần lớn các cháu có để ý tôi phát biểu gì đâu”.
Ông Đam đề nghị: "Các trường nhất định không được để các cháu nhỏ đứng nắng xếp hàng, vẫy cờ chào đại biểu, phải nghe bài phát biểu của lãnh đạo tỉnh, huyện, sở, phòng, trong khi đó các cháu không hiểu gì cả. Tôi bàn với Bộ GD-ĐT năm nay nên kiên định chọn một ngày khai giảng thống nhất trong cả nước, vào sáng mùng 4 hoặc 5.9. Nếu có thể, vào cùng một thời điểm, tất cả các trường trong toàn quốc thực hiện nghi lễ chào cờ, đọc thư của Chủ tịch nước, sau đó hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn rồi kết thúc phần lễ. Phần sau là ngày hội cho các cháu. Đó là những thứ rất cụ thể phải làm, để thực sự vì HS”, ông Vũ Đức Đam nói.
|
Bình luận (0)