Xét xử 6 bị cáo làm giả thương hiệu Nón Sơn

Phan Thương
Phan Thương
29/08/2023 12:33 GMT+7

Theo con trai, con rể làm giả nón kết vải của thương hiệu Nón Sơn, ông Đinh Ngọc Minh (66 tuổi) phải lãnh 5 năm tù. 5 bị cáo khác trong vụ án cũng bị TAND TP.HCM tuyên phạt tù.

Ngày 29.8, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm 6 bị cáo có hành vi phạm tội sản xuất, mua bán nón kết vải giả nhãn hiệu Nón Sơn của Công ty TNHH thời trang Nón Sơn.

3 cha con lãnh án tù vì làm liều sản xuất nón Sơn giả kiếm lời

HĐXX tuyên phạt Đinh Ngọc Minh (66 tuổi) 5 năm tù, Đinh Đức Trọng (31 tuổi, con trai bị cáo Minh), Trần Quang Chính (34 tuổi, con rể bị cáo Minh) cùng 6 năm tù về tội sản xuất hàng giả; Đoàn Duy Công (36 tuổi), Vũ Hải Lý (29 tuổi) cùng 4 năm tù, Trương Công Diện (60 tuổi) 3 năm 6 tháng tù, cùng về tội buôn bán hàng giả. Đồng thời, HĐXX cũng buộc các bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

Xét xử thêm 6 bị cáo làm giả thương hiệu Nón Sơn - Ảnh 1.

Bị cáo Đinh Ngọc Minh (đứng) và con trai Đinh Đức Trọng (ngồi gần, bên trái), con rể (thứ 2 từ bìa phải) tại phiên tòa

THẢO NHÂN

Theo cáo trạng, mặc dù không được sự ủy quyền của Công ty TNHH thời trang Nón Sơn nhưng các bị cáo trong vụ án đã tự ý tìm mua vải, kết nhựa lưỡi trai, nút nón, tem nhãn hiệu Nón Sơn từ nhiều đối tượng trên địa bàn thành phố, sau đó thuê người khác hoặc tự gia công nón kết vải giả nhãn hiệu Nón Sơn.

Các Nón Sơn giả được các bị cáo đem bán cho nhiều cá nhân, cửa hàng nón trên địa bàn Q.12, TP.HCM, nhằm thu lợi bất chính.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra thu giữ Nón Sơn hàng giả của Đinh Đức Trọng tương đương hàng thật là hơn 14,3 tỉ đồng, của Trần Quang Chính là hơn 3,4 tỉ đồng, của Đinh Ngọc Minh là hơn 5,7 tỉ đồng.

Xét xử thêm 6 bị cáo làm giả thương hiệu Nón Sơn - Ảnh 2.

6 bị cáo nghe HĐXX tuyên án

PHAN THƯƠNG

Đối với các bị cáo Đoàn Duy Công, Vũ Hải Ly, Trương Công Diện mặc dù biết nón kết vải nhãn hiệu Nón Sơn do Trọng, Chính, Minh sản xuất, buôn bán không phải là sản phẩm thật, nhưng 3 bị cáo vẫn mua về để bán tại các cửa hàng nón tại Q.12 nhằm hưởng chênh lệch. Giá trị hàng giả tương đương hàng thật nón kết vải Nón Sơn thu giữ của Công là hơn 9,2 tỉ đồng, Diện là hơn 7 tỉ đồng, Lý là hơn 3,2 tỉ đồng.

Tại tòa, bị cáo Đinh Ngọc Minh khai thời điểm bùng phát dịch Covid-19, do ở nhà không có việc làm nên thấy con trai là Đinh Đức Trọng và con rể Trần Quang Chính làm nón nên ông làm cùng các con để tạo thu nhập. "Nếu biết làm giả phải đi tù thì không bao giờ bị cáo làm", bị cáo Minh khai. 

Các bị cáo còn lại trình bày do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mong muốn kiếm thêm kinh tế cho gia đình nên đã làm hàng giả Nón Sơn, bán kiếm lời. Các bị cáo khai làm giả Nón Sơn với hy vọng dễ bán hơn trên thị trường, và bán giá rất thấp so với giá trên thị trường của Nón Sơn. 

Trong năm 2013, TAND Q.Tân Bình, Q.12 tại TP.HCM đã từng đưa ra xét xử một số vụ án mua bán, sản xuất hàng giả Nón Sơn.

Cơ quan chức năng vẫn đang điều tra một số cá nhân có hành vi làm giả Nón Sơn của Công ty TNHH thời trang Nón Sơn.

Tại phiên tòa hôm nay 29.8.2023, trả lời một số câu hỏi của HĐXX, ông Nguyễn Ngọc Tý (CEO Công ty TNHH thời trang Nón Sơn) trình bày, các vụ việc làm giả Nón Sơn được phát hiện khi khách hàng mua phải hàng giả và đến cửa hàng thắc mắc. Sau đó công ty có bộ phận trinh sát thị trường, đi khảo sát, phát hiện ra sự việc và gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Ngọc Tý trình bày ảnh hưởng lớn nhất của Nón Sơn qua các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của các bị cáo chính là niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm Nón Sơn. Vì vậy, khi các bị cáo bị xử lý, công ty chỉ mong muốn các bị cáo biết sai, ăn năn hối cải, nên cũng mong HĐXX có mức án khoan hồng cho các bị cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.