Xét xử đại án AIC: Chủ mưu Nguyễn Thị Thanh Nhàn 'đã đạo diễn tất cả sự việc'

30/12/2022 06:54 GMT+7

Ngày 29.12, TAND TP. Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) và 35 bị cáo trong đại án AIC, với phần Viện KSND TP.Hà Nội đối đáp lại các quan điểm bào chữa của luật sư và bị cáo trước đó.

Giữ nguyên đề nghị bị cáo Nhàn mức án 30 năm tù

Tại tòa, luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo Nhàn bày tỏ Viện KSND TP.Hà Nội (VKS) chưa đủ chứng cứ để chứng minh cáo buộc thân chủ của mình là chủ mưu cầm đầu vụ án. Hiện không ai biết bị cáo Nhàn đang ở đâu; đề nghị HĐXX nếu quyết định bị cáo Nhàn phạm tội thì cũng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ.

Đại diện VKS đáp lại, từ đầu phiên tòa, những người tham dự đã hình dung ra “bức tranh” toàn cảnh của vụ án. Bị cáo Nhàn với vai trò chủ mưu cầm đầu đã đạo diễn tất cả sự việc, nội dung của vụ án. Các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức. Mỗi người một công việc, được phân công nhiệm vụ kèm quyền lợi, nghĩa vụ rõ ràng.

Viện kiểm sát cáo buộc cựu Chủ tịch AIC 'đạo diễn' vụ án

Cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn

Bộ Công an

Bị cáo Trần Mạnh Hà, cựu Phó tổng giám đốc AIC, phụ trách mảng thiết bị y tế. Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng giám đốc AIC, là người tiếp nhận các chỉ đạo của lãnh đạo AIC để triển khai xuống các nhân viên.

Trong vụ án, các khâu từ khảo sát dự án, tiếp cận, thông đồng với chủ đầu tư, đơn vị thẩm định, tư vấn đấu thầu, thẩm định giá, thanh quyết toán, đưa hối lộ…, tất cả quy trình đều được phân công nhiệm vụ theo chỉ đạo của bị cáo Nhàn. Điều này đã thể hiện rõ bằng các chứng cứ, lời khai có liên quan. Do đó, VKS nhận định đây là vụ án có tổ chức. Bị cáo Nhàn là người tổ chức, dấu hiệu có tổ chức thuộc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Về chứng cứ liên quan đến việc bị cáo Nhàn yêu cầu tất cả lãnh đạo, nhân viên thực hiện quy trình 70 bước thông thầu, VKS cho rằng đã trình chiếu rõ ràng tại tòa. Đây là quy trình bám sát các hạng mục, các bước của luật Đấu thầu, bao hàm các nội dung thông thầu, gian lận trong đấu thầu.

VKS giữ nguyên quan điểm về đề nghị mức án 30 năm tù đối với bị cáo Nhàn về 2 tội “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

2022 nhìn lại: Các vụ án chấn động dư luận

Không có căn cứ chuyển tội danh cho các bị cáo

Bị cáo Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, bị VKS đề nghị tổng mức án từ 19 - 21 năm tù, về các tội “nhận hối lộ”, “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Vũ nhận chỉ đạo của các bị cáo Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, và Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, để trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới thông thầu, giúp AIC trúng 16 gói thầu trái quy định, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 152 tỉ đồng. Bị cáo Vũ nhiều lần nhận tiền với tổng số 14,8 tỉ đồng từ bị cáo Trần Mạnh Hà. Tại tòa, LS bào chữa đưa ra nhiều lập luận trước khi đề nghị HĐXX tuyên thân chủ mình không phạm tội “nhận hối lộ”.

Bị cáo Phan Huy Anh Vũ tại tòa

Trần Tâm

Đáp lại, đại diện VKS dẫn chứng nhiều căn cứ, tài liệu, lời khai của bị cáo Vũ và các bị cáo khác thể hiện rõ hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, giúp AIC trúng 16 gói thầu. Đồng thời, bị cáo Vũ còn nhận hối lộ, đây là hành vi bị cấm trong đấu thầu. Mỗi lần bị cáo Hà đưa tiền đều nói “chị em gửi anh quà”. “Chị em” ở đây tức là bị cáo Nhàn và sau mỗi lần nhận tiền, bị cáo Vũ đều nhắn tin cảm ơn.

Đáng chú ý, đại diện VKS còn dẫn lại lời khai của một nhân viên làm ở bộ phận thư ký tài chính của AIC, thể hiện các khoản Hà chi cho Vũ tổng cộng 22,9 tỉ đồng, nhưng cụ thể số tiền này được chi như thế nào thì không rõ, chỉ biết là chi bằng tiền mặt.

“Cũng như bị cáo Thành, không thể có những món quà cảm ơn có giá trị rất lớn, nếu không làm việc gì đó theo yêu cầu của người ta. Việc hứa hẹn giữa Vũ và Nhàn là ngầm định, mặc định được xác định là cơ chế, cơ chế ở đây là cơ chế ngầm. Do đó, hành vi của Vũ là nhận hối lộ như cáo trạng quy kết, không có căn cứ chuyển tội danh”, đại diện VKS khẳng định.

Theo VKS, bị cáo Vũ đã thừa nhận hành vi nhận tiền từ bị cáo Hà. Kết quả thực nghiệm điều tra, bị cáo Vũ cũng thực hành xếp tiền vừa túi đựng tiền, mệnh giá; diễn lại quá trình đưa, nhận tiền từ Hà phù hợp với sơ đồ, vị trí. VKS khẳng định có đủ căn cứ xác định bị cáo Vũ đã phạm 2 tội như cáo trạng truy tố.

Bị cáo Bồ Ngọc Thu, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Đồng Nai, bị VKS đề nghị mức án từ 4 - 5 năm tù, về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tại tòa, LS bào chữa cho rằng thân chủ của mình không có động cơ vụ lợi như cáo trạng quy kết, đề nghị thay đổi tội danh sang “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đáp lại, đại diện VKS khẳng định bị cáo Thu đã có động cơ vụ lợi, cáo buộc tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là có căn cứ. Cụ thể, bị cáo Thu được hưởng lợi thứ nhất về phi vật chất. Bị cáo Thu đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để củng cố, khẳng định uy tín với cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành. Thứ 2, bị cáo Thu được hưởng lợi về vật chất như vào các dịp lễ, tết, bà Thu đã nhận lợi ích vật chất từ các bị cáo Nhàn, Hà, mỗi lần từ 10 - 50 triệu đồng và những khoản lớn hơn sau đó.

VKS cho rằng bị cáo Thu biết việc ký tờ trình để bị cáo Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ký quyết định phê duyệt lại dự án, bổ sung thêm phần đầu tư trang thiết bị y tế, nâng tổng mức đầu tư mà không lập hồ sơ thuyết minh, không đưa ra cơ sở để xác định danh mục thiết bị, xác minh số lượng, đơn giá là vi phạm quy định. Hành vi này của bị cáo Thu tạo điều kiện cho AIC trúng 16 gói thầu là cố ý làm trái quy định nhà nước; không có căn cứ để thay đổi tội danh như quan điểm của LS và bị cáo nêu tại tòa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.