Xét xử 'đại án' Bình Dương: Gây thất thoát trên 5.700 tỉ đồng, tham ô 815 tỉ đồng

16/08/2022 06:25 GMT+7

Viện KSND TP.Hà Nội công bố cáo trạng cáo buộc các bị cáo trong 'đại án' Bình Dương đã gây thất thoát trên 5.700 tỉ đồng, 6 bị cáo tham ô 815 tỉ đồng.

Hôm qua (15.8), ngày xét xử đầu tiên vụ án vi phạm các quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đã công bố cáo trạng trên 100 trang, cáo buộc các bị cáo gây thất thoát trên 5.700 tỉ đồng, 6 bị cáo tham ô 815 tỉ đồng.

Dàn cựu lãnh đạo Bình Dương hầu tòa trong vụ án “đất vàng ngàn tỉ”

Theo cáo trạng, Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương) là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước do Tỉnh ủy Bình Dương làm chủ sở hữu, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của nhà nước tại tổng công ty này. Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định các bị cáo: Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương), Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), Phạm Văn Cành (cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương), Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương) là những người chịu trách nhiệm chính trong quá trình thực hiện quản lý vốn, tài sản của nhà nước đã có những hành vi vi phạm pháp luật trong lãnh đạo, chỉ đạo, cố ý làm trái các quy định, gây thất thoát đặc biệt lớn cho nhà nước.

Dẫn giải bị cáo Nguyễn Văn Minh (trên) và Trần Văn Nam đến phiên tòa

TRẦN CƯỜNG

Áp giá đất gần 52.000 đồng/m2

Cụ thể, trong việc áp dụng đơn giá đất để thu tiền sử dụng 2 khu đất 43 ha và 145 ha (năm 2012 và 2013) ở P.Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), bị cáo Trần Văn Nam (thời điểm này là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) đã ký quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất (SDĐ) cho Tổng công ty Bình Dương. Theo quy định, giá đất để áp dụng thu tiền SDĐ tại thời điểm ra quyết định là năm 2012 và 2013. Tuy nhiên, các bị cáo Lê Văn Trang, Võ Thanh Bình, Nguyễn Thái Thanh (thuộc Cục Thuế Bình Dương) và các bị cáo Trần Xuân Lâm, Võ Văn Lượng, Trần Thanh Trúc (thuộc Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương) đã đề xuất cho áp giá đất của thời điểm năm 2006 với đơn giá là 51.914 đồng/m2 để thu tiền SDĐ. Bị cáo Nam đã ký ban hành công văn để thu tiền SDĐ. Hành vi này của các bị cáo được xác định gây thất thoát cho nhà nước trên 761 tỉ đồng.

Liên quan việc chuyển nhượng 43 ha đất và 30% vốn góp của Tổng công ty Bình Dương cho Công ty TNHH đầu tư - xây dựng Tân Phú, các bị cáo là cựu lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và một số cơ quan tham mưu mặc dù biết là trái quy định nhưng đã không ngăn chặn, yêu cầu khắc phục mà còn hợp thức hóa thủ tục để bị cáo Nguyễn Văn Minh hoàn tất việc chuyển nhượng tài sản của nhà nước sang công ty của con rể là Nguyễn Đại Dương. Hành vi này của các bị cáo đã gây thất thoát trên 984 tỉ đồng.

Đối với khu đất 145 ha, với động cơ vụ lợi, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã sắp xếp đưa Công ty CP Hưng Vượng (do bị cáo Minh làm Chủ tịch HĐQT) và Công ty TNHH Phát Triển (do bị cáo Nguyễn Thục Anh làm Chủ tịch HĐQT, con gái bị cáo Minh) tham gia liên doanh để thực hiện dự án tại khu đất này. Sau đó, bị cáo Minh chỉ đạo bị cáo Trần Nguyên Vũ (Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương) và các đồng phạm sắp xếp, chuyển khu đất 145 ha từ mục A “Tài sản đang dùng” sang mục C “Tài sản chờ thanh lý” để loại trừ 145 ha đất này ra khỏi giá trị của Tổng công ty Bình Dương.

Sau đó, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, bị cáo Minh đã cố ý làm trái các quy định về cổ phần hóa, chuyển nhượng khu đất 145 ha cho Công ty CP đầu tư và phát triển Tân Thành (là công ty liên doanh giữa Công ty CP Hưng Thịnh và Công ty TNHH Phát Triển) với hình thức góp vốn bằng quyền SDĐ nhưng chỉ xác định giá trị trên 139 tỉ đồng. Thời điểm này, bị cáo Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa DN cùng các bị cáo thuộc Sở Tài chính Bình Dương đã không xác định lại giá trị quyền SDĐ của khu 145 ha. Hành vi này của các bị cáo đã gây thất thoát cho nhà nước trên 4.000 tỉ đồng.

Các bị cáo khai gì trước HĐXX ?

Trả lời HĐXX chiều 15.8, bị cáo Nguyễn Văn Minh cho rằng mình là người làm kinh doanh, mong muốn có được lợi nhuận để xử lý số tiền nợ của mình với Tổng công ty Bình Dương và chia cho các công ty thành viên nên đã xin áp dụng áp giá đất để thu tiền SDĐ của năm 2006 thay vì áp giá đất năm 2012 và 2013. Bị cáo Minh cho rằng, cáo trạng cáo buộc số tiền thất thoát do bị cáo và các đồng phạm gây ra là quá nặng.

Tham ô trên 815 tỉ đồng

Để có tiền xử lý nợ, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã quyết định mua bán, chuyển nhượng cổ phần của Công ty Tân Thành thông qua đơn vị thẩm định giá để xác định giá trị thực của khu đất 145 ha nhằm tạo ra giá trị chênh lệch 89.422 đồng/cổ phần, sau đó chuyển nhượng 19% vốn điều lệ (tương ứng 9.120.000 cổ phần) từ Công ty CP Hưng Vượng cho Công ty CP đầu tư và phát triển Tân Thành. Hành vi của 6 bị cáo: Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải (cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương), Võ Hồng Cường (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hưng Vượng), Nguyễn Thục Anh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phát Triển), Trần Đình Như Ý (Công ty TNHH Phát Triển, vợ bị cáo Võ Hồng Cường) bị cáo buộc tham ô tài sản trên 815 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Minh chiếm hưởng trên 163,2 tỉ đồng, Nguyễn Thục Anh trên 200 tỉ đồng, Trần Đình Như Ý trên 192 tỉ đồng, Võ Hồng Cường trên 47,4 tỉ đồng, Trần Nguyên Vũ trên 82,6 tỉ đồng, Huỳnh Thanh Hải 53,5 tỉ đồng. Số tiền còn lại gần 76 tỉ đồng (trong tổng số 815 tỉ đồng tham ô) được chia cho các cổ đông khác. Cơ quan điều tra xác định những cổ đông này không tham gia bàn bạc nên không xác định yếu tố chiếm hưởng.

Trả lời HĐXX, bị cáo Trần Văn Nam cho hay, thời điểm năm 2012 và 2013 đã ký văn bản để thu tiền SDĐ (giá đất năm 2006 - PV) là do tin tưởng vào sự tham mưu của các cơ quan chuyên môn và cũng đã đối chiếu các quy định của pháp luật liên quan đến việc áp giá đất tại thời điểm này. Bị cáo Nam nói: “Thời điểm đó đối chiếu các quy định thì thấy đúng, nhưng sau này thì thấy sai. Sau khi phát hiện sai, bị cáo đã chỉ đạo cho các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra và chuyển cơ quan điều tra để xử lý. Bản thân bị cáo và Thường trực Tỉnh ủy không hề bao che sai phạm hay đồng ý cho Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng vốn góp”. Ngoài ra, các bị cáo Lê Văn Trang (cựu Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương), Võ Thanh Bình (Phó cục trưởng)… cũng khai nhận trước HĐXX do nhận thức thời điểm đó chưa đúng nên đã trình áp giá đất của năm 2006, sau này thì tự nhận thức được hành vi này là sai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.