Xét xử đại án gang thép Thái Nguyên: Thiệt hại lớn nhưng chưa ai đòi bồi thường

14/04/2021 07:00 GMT+7

Các cơ quan tố tụng xác định, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP gang thép Thái Nguyên - doanh nghiệp có cổ phần nhà nước, bị thiệt hại khoản tiền hơn 830 tỉ đồng do chậm tiến độ. Tuy nhiên, đến nay chưa ai có đơn yêu cầu bồi thường.

Ngày 13.4, phiên tòa xét xử 19 bị cáo trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty CP gang thép Thái Nguyên (TISCO) tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo để làm rõ về khoản thiệt hại trong vụ án.

Chuyển nhà cho con để hương khói chứ không phải tẩu tán

Trả lời luật sư về cáo buộc không chỉ đạo dừng hợp đồng EPC khi biết nhà thầu này vi phạm, bị cáo Mai Văn Tinh nói: “Khi bị cáo nhận chức, dự án đang rất bế tắc, nên chỉ có tâm nguyện làm sao để dự án phát triển”. Về trách nhiệm trong việc đồng ý để VINAINCON làm nhà thầu phụ, ông Tinh cho hay đã làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, của cơ quan chủ quản là Bộ Công thương. Đáng chú ý, trả lời luật sư về việc một số tài sản bị kê biên, bị cáo Tinh trình bày: “Vợ chồng bị cáo có 1 căn hộ, do vợ ốm nên bị cáo đã chuyển cho con gái căn nhà này để sau này mất đi có người hương khói”.
Theo cáo trạng, bị cáo Tinh đã bị kê biên căn hộ chung cư 144 m2 tại P.Láng Hạ (Q.Đống Đa, Hà Nội). Đây là căn hộ vợ chồng ông Tinh đã tặng con gái và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 3.2019. Trong khi đó, vụ án này được khởi tố vào tháng 4.2019.
Theo cáo trạng, năm 2007, chủ đầu tư TISCO đã ký hợp đồng EPC số 01 có trị giá 160 triệu USD với Tập đoàn khoa học công nghệ luyện kim Trung Quốc (MCC) để xây dựng nhà máy thép thuộc dự án mở rộng sản xuất trong vòng 30 tháng. Quá trình thực hiện dự án, tổng thầu MCC để xảy ra nhiều vi phạm khi chậm tiến độ, rút hết người về nước, đồng thời nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và tăng giá không có cơ sở. Thay vì xử lý trách nhiệm nhà thầu như thỏa thuận ban đầu, lãnh đạo TISCO và Tổng công ty thép VN (VNS) khi đó đã thỏa hiệp với MCC, tách phần C của hợp đồng EPC và trực tiếp ký với nhà thầu phụ. Tuy nhiên, cả thầu chính và thầu phụ sau đó đều bỏ cuộc khiến dự án đình trệ. TISCO đã rót vào dự án 4.423 tỉ đồng, phần lớn là vay ngân hàng. Do dự án chậm tiến độ nên chủ đầu tư phải trả khoản lãi vay hơn 830 tỉ đồng, được xác định là thiệt hại trong vụ án.
Xét xử đại án gang thép Thái Nguyên: Thiệt hại lớn nhưng chưa ai đòi bồi thường

Bị cáo Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch HĐQT VNS, bị dẫn giải đến tòa

Chưa phải thiệt hại cuối cùng

Trả lời câu hỏi về khoản thiệt hại của dự án, đại diện TISCO được triệu tập đến tòa với tư cách nguyên đơn dân sự thừa nhận đây là số tiền lãi đã trả cho các ngân hàng, nhưng dự án vẫn đang triển khai nên chưa phải thiệt hại cuối cùng. Đáng chú ý, TISCO đề nghị HĐXX xem xét lại tư cách tham gia phiên tòa của doanh nghiệp này. Bởi TISCO đang là nguyên đơn dân sự nhưng theo quy định pháp luật thì nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu bồi thường và đến nay TISCO vẫn chưa có đơn.
Chủ tọa đặt câu hỏi, TISCO có 65% vốn nhà nước nên trong số tiền lãi phải trả có cả tiền nhà nước; các thiệt hại khác, cơ quan điều tra đang làm rõ theo quy định. Vậy phía TISCO có chấp nhận con số thiệt hại? Đại diện TISCO không trả lời trực tiếp mà cho biết sẽ trình bày thêm trong phần tranh luận.

2.300 tỉ đồng đang nằm ở đâu ?

Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch VNS, hỏi đại diện TISCO: “Chủ đầu tư đã giải ngân hơn 4.400 tỉ đồng nhưng thanh toán cho các nhà thầu hơn 2.100 tỉ đồng, vậy số còn lại đang ở đâu?”. Đại diện TISCO từ chối trả lời vì cho rằng việc này thuộc các phòng ban chuyên môn. Khi tiếp tục bị luật sư truy hỏi về số tiền này có thể nằm trong ngân hàng để sử dụng lấy lãi khắc phục thiệt hại hay không, thì đại diện TISCO cũng chỉ nêu thông tin chung về hợp đồng EPC, trong đó phần E trị giá hơn 3 triệu USD, phần P là hơn 114 triệu USD và C là hơn 42 triệu USD. “Trong các hạng mục EPC này, phía TISCO đã thanh toán trên 90%. Tôi chỉ có thể thống kê vậy”, đại diện TISCO đáp, đồng thời tiếp tục khẳng định TISCO không có đơn yêu cầu bồi thường hoặc đơn khởi kiện trong vụ án này, kể từ giai đoạn điều tra cho đến nay.
Trong khi đó, bị cáo Đỗ Văn Hòa, cựu Kế toán trưởng TISCO, đề nghị HĐXX xem xét lại việc xác định thiệt hại trong vụ án. Theo bị cáo, khoản tiền 830 tỉ đồng TISCO trả cho các ngân hàng là lãi thông thường, không phải phát sinh trả chậm. Mặt khác, khoản tiền vay các ngân hàng là phục vụ cho toàn bộ dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, vốn có nhiều dự án thành phần, chứ không phải riêng phần dự án đã ký với nhà thầu Trung Quốc.

Tiếp tục yêu cầu nhà thầu Trung Quốc thực hiện dự án

Trả lời trước tòa, đại diện VNS được ủy quyền tham gia phiên tòa cho biết dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 đã tạm dừng, mặc dù đã cố hết sức tạo mọi điều kiện để tiếp tục dự án nhưng gặp rất nhiều khó khăn và chưa có biện pháp nào phù hợp. Sắp tới, VNS sẽ họp bàn và đưa ra những ý kiến, biện pháp để tiếp tục thực hiện dự án.
Về phía TISCO, đại diện đơn vị này cho hay đang yêu cầu MCC tiếp tục triển khai xây dựng dự án theo đúng hợp đồng EPC đã ký.
“Căn cứ theo Kết luận số 67 của Thanh tra Chính phủ, TISCO tiếp tục yêu cầu MCC thực hiện theo hợp đồng, vì MCC còn nhiều vướng mắc và vi phạm. Từ ngày 29.3, chúng tôi đã khởi động lại đàm phán để MCC tiếp tục thực hiện dự án chứ chưa chấm dứt hợp đồng, kết thúc dự án”, đại diện TISCO nói trước tòa.

Xét xử đại án thất thoát hơn 830 tỉ ở Gang thép Thái Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.