(TNO) Đại diện Viện KSND Tối cao đề nghị Vietinbank phải chịu trách nhiệm về việc buông lỏng quản lý, trả lại 1.085 tỉ đồng mà Huyền Như chiếm đoạt từ 5 công ty.
Các bị cáo trong phòng xử sáng nay
|
Sáng nay 24.12, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng do Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm thực hiện.
VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm
Trong phiên xử hôm nay đại diện Viện KSND Tối cao (VKS) đã đưa ra các quan điểm luận tội của mình.
Đối với kháng cáo của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (Navibank), hoạt động ủy thác cho nhân viên của ngân hàng đi gửi tiền sang Vietinbank để lấy lãi suất cao là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước, vi phạm chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Theo VKS, chính bản thân các nhân viên của hai ngân hàng này không có trách nhiệm, có thái độ bỏ mặc nên Như mới có cơ hội chiếm đoạt tiền. Hai ngân hàng này phải chịu toàn bộ trách nhiệm việc bị Như chiếm đoạt tiền.
Vì vậy, VKS bác bỏ kháng cáo của ACB, Navibank và các nhân viên của hai ngân hàng này.
Về việc xác định ACB và Navibank tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự là hoàn toàn đúng pháp luật. VKS đề nghị Như phải bồi thường cho Navibank và ACB toàn bộ số tiền Như chiếm đoạt.
Riêng 5 đơn vị gồm: Công ty Phương Đông, Công ty An Lộc, Công ty Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn cầu, VKS nhận định: Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền của 5 đơn vị này. VKS cho rằng với 5 công ty trên, Vietinbank có trách nhiệm quản lý, nếu mất mát, Vietinbank phải chịu trách nhiệm. Như chỉ chiếm đoạt tiền của các công ty này sau khi chuyển tiền hợp pháp vào Vietinbank.
“Vì Vietinbank buông lỏng trong việc quản lý nên nhân viên của mình mới làm giả lệnh chi để chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của 5 công ty trên từ tài khoản của Vietinbank. Như vậy, hành vi của Như đã có dấu hiệu của tội tham ô tài sản”, phía VKS nhận định.
Vì vậy, VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm đã xét xử Như và đồng phạm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trả hồ sơ điều tra lại hành vi “tham ô” của Như đối với 1.085 tỉ đồng nêu trên. VKS yêu cầu xác định lại tội danh của Như và tư cách tham gia tố tụng của 5 đơn vị trên.
VKS đồng thời kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng (cùng là phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Huyền Như được đưa về trại giam sau phiên xử sáng 24.12
VKS bác kháng cáo “đòi” lại biệt thự 43 tỉ
Theo VKS, sau phiên tòa sơ thẩm, cơ quan tố tụng nhận được 60 đơn kháng cáo và 1 kháng nghị liên quan đến vụ án này. Bị cáo Như không kháng cáo về mặt tội danh và hình phạt, chỉ "xin lại" căn biệt thự trị giá 43 tỉ đồng tại Quảng Nam cho mẹ “hưởng tuổi già”.
VKS nhận định, căn cứ vào tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập và từ lời khai của Như, VKS xác định bà Nguyễn Thị Lang chỉ đứng tên để cho Như mua biệt thự, nên cấp sơ thẩm tuyên duy trì kê biên là đúng pháp luật.
Đối với bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh (chị gái của Huyền Như, nguyên phó giám đốc Công ty Hoàng Khải), VKS nêu quan điểm: Vai trò lừa đảo của Hạnh là đồng phạm với Như, dù có tình tiết giảm nhẹ nhưng hành vi của Hạnh gây hậu quả nghiêm trọng. VKS đề nghị không xem xét giảm nhẹ hình phạt. Trước đó, Hạnh bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 14 năm tù.
Với kháng cáo của Đào Thị Tuyết Dung (nguyên giám đốc Công ty TNHH Dung Vân) phạm hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “cho vay lãi nặng”, bị cáo này có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và Viện KSND TP.HCM cũng có đơn kháng nghị tăng hình phạt với Dung, VKS cho rằng Dung đã tiếp sức giúp Như vay 30 tỉ và chiếm đoạt 15 tỉ đồng. Xét thấy động cơ mục đích của Dung là có tính toán từ trước nhưng cấp sơ thẩm phạt dưới mức quy định là không đúng pháp luật, nên kháng nghị của Viện KSND TP.HCM là có căn cứ.
Đại diện Viện KSND tối cao nhận định việc Dung có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về tội “cho vay lãi nặng” và xem xét số tiền 174 tỉ đồng thu lợi bất chính là không có cơ sở để xem xét.
Với bị cáo Phạm Anh Tuấn, VKS cho rằng bản án sơ thẩm tuyên 14 năm tù có phần nghiêm khắc, đề nghị giảm án.
VKS cũng cho rằng nội dung kháng cáo của bà Nguyễn Thiên Lý (giám đốc Công ty TNHH Diva) là có cơ sở.
Đối với kháng cáo của bà Giã Thị Mai Hiên (cá nhân bị chiếm đoạt 274 tỉ đồng) về giám định chữ ký liên quan đến hợp đồng ủy thác đầu tư, VKS nhận định bà Nguyễn Thị Minh Hương (phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) chưa từng gặp bà Hiên, mọi giao dịch thông qua bị cáo Như chứ không thông qua Vietinbank, nên không có căn cứ giám định lại hợp đồng.
Bình luận (0)