* Tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá
Hôm qua 20.5, TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (còn gọi "bầu" Kiên, nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB) cùng 8 đồng phạm khác, xảy ra tại ACB và một số công ty trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.
|
Khoảng 8 giờ 25, ông Kiên cùng các bị cáo khác được dẫn giải vào phòng xử. Khác với phiên tòa sơ thẩm đã hoãn trước đó (ngày 16.4), xuất hiện lần này, ông Kiên mặc áo trắng, quần đen, mang giày sandal và không còn bị cùm chân.
Trong phần thủ tục, luật sư (LS) Lưu Tiến Dũng (Đoàn LS TP.Hà Nội) đã trình bày trước tòa về tình hình sức khỏe của bị cáo Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT), và xin tòa xét xử phần tội danh liên quan đến bản thân bị cáo vào tuần sau. Trong trường hợp sức khỏe không cho phép, đề nghị tòa tạm đình chỉ vụ án. Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội thừa ủy quyền của Viện KSND tối cao thực hành quyền công tố tại phiên tòa cũng đề nghị xem xét ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Giá.
Viện KSND tối cao đồng ý nhưng chưa được gặp vợ con
Trong vụ án này, ông Kiên bị truy tố 4 tội: "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "cố ý làm trái...", "trốn thuế" và "kinh doanh trái phép".
Tại phần thủ tục, ông Kiên cùng 4 LS bào chữa cho mình đã đề nghị HĐXX triệu tập thêm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, bà Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế) cùng những người có liên quan tham dự phiên tòa. Ông Kiên giải thích: “Bà Lan là người có 20 năm soạn thảo luật Doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động của tôi cũng như hàng ngàn doanh nghiệp. Do đó, cần thiết phải triệu tập đến tòa với tư cách nhân chứng để làm rõ những vấn đề liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Tôi đề nghị HĐXX cho phép và tạo điều kiện để tôi được trình bày quan điểm và nhận các văn bản quy phạm pháp luật từ LS bào chữa. Có văn bản tôi mới trình bày một cách đầy đủ, chính xác nhất, kết thúc mỗi phiên xử tôi sẽ trả lại đầy đủ”. Tiếp theo, ông Kiên nói: “Tôi bị bắt 21 tháng rồi nhưng chưa được gặp gia đình mặc dù Viện KSND tối cao đã có ý kiến đồng ý cho tôi tiếp xúc với người thân, được gặp vợ con”.
Sau khi hội ý, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Hữu Chính đã công bố quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá do bị bệnh hiểm nghèo, không thể tham dự phiên tòa. Riêng các đề nghị của LS và ông Kiên về việc triệu tập đại diện một số cơ quan cũng như cá nhân đến tòa, chủ tọa cho biết trong quá trình xét xử nếu thấy cần thiết sẽ tiến hành triệu tập. Riêng việc trao đổi với LS, gặp gỡ gia đình thì HĐXX sẽ tạo điều kiện theo đúng luật định, còn vấn đề nào thuộc quản lý của trại giam phải thực hiện theo quy định của Bộ Công an.
“Trong nhận thức của tôi cáo trạng không chính xác”
Đầu giờ chiều, ngay khi đại diện Viện Kiểm sát công bố xong bản cáo trạng, các bị cáo đều kêu oan. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói: “Viện KSND tối cao truy tố 4 tội, nhưng trong nhận thức của tôi thì toàn bộ cáo trạng đều không chính xác, không đúng pháp luật”.
Nhóm 6 bị cáo nguyên lãnh đạo của ACB gồm: Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang (cả 3 đều nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB); Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên HĐQT), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc) và Huỳnh Quang Tuấn (Phó tổng giám đốc) bị truy tố về tội "cố ý làm trái..." cũng cho rằng cáo trạng “chưa thỏa đáng”, bản thân các bị cáo “không gây hậu quả nghiêm trọng”...
Tương tự, 2 bị cáo Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội - ACBI) bị truy tố về tội lừa đảo cũng cho rằng, “cáo trạng truy tố sai, bị cáo không có tham gia lừa đảo”.
Trong phần xét hỏi về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX đã cho cách ly ông Kiên để thẩm vấn Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến. Về hành vi này, cáo trạng quy kết, ACBI đang thế chấp 20 triệu cổ phiếu Công ty CP thép Hòa Phát cho Ngân hàng ACB để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, với tư cách là Chủ tịch HĐQT ACBI, ông Kiên đã chỉ đạo Thanh và Yến lập khống biên bản họp HĐQT quyết định chủ trương bán 20 triệu cổ phiếu cho Công ty MTV thép Hòa Phát để lấy số tiền 264 tỉ đồng. Trả lời HĐXX, bị cáo Thanh khai: “Có tham gia ký vào biên bản, nhưng không biết nội dung trong đó nêu gì. Thấy anh Kiên ký, nên ký theo”. Tương tự, bị cáo Yến cũng khai việc ký khống vào biên bản do thấy chủ tịch HĐQT ký trước đó.
Hôm nay (21.5), phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.
Xem xét lại tư cách nguyên đơn dân sự Trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa, việc xác định đơn vị bị thiệt hại, nguyên đơn dân sự trong vụ án này được các LS nêu ra với nhiều nội dung đáng lưu ý. Cụ thể, ACB được TAND TP.Hà Nội xác định tham gia phiên tòa này với tư cách nguyên đơn dân sự, nhưng một LS bào chữa cho ông Kiên khẳng định ACB không hề bị thiệt hại và chưa hề có văn bản nào yêu cầu các bị cáo bồi thường. Vì thế, ACB không phải là nguyên đơn dân sự. Tương tự, Công ty TNHH MTV thép Hòa Phát được xác định bị thiệt hại 264 tỉ đồng do hành vi lừa đảo của ông Kiên. Nhưng LS Vũ Xuân Nam (bào chữa cho ông Kiên) cho rằng việc xác định tư cách nguyên đơn dân sự của Công ty MTV thép Hòa Phát trong phiên tòa này là không phù hợp vì doanh nghiệp này cũng khẳng định không bị thiệt hại và không có đơn yêu cầu bồi thường. Chủ tọa Nguyễn Hữu Chính cho biết, trong vụ án này cơ quan tiến hành tố tụng xác định tư cách nguyên đơn dân sự là ACB và Công ty TNHH MTV thép Hòa Phát, nhưng sẽ được xem xét xác định lại trong quá trình xét xử tại phiên tòa. |
Hoàng Tuấn - Hà An
>> Xét xử đại án ‘bầu’ Kiên: 8 bị cáo không đồng ý với cáo trạng
>> Xét xử đại án ‘bầu’ Kiên: Đại diện Ủy ban Chứng khoán có mặt tại tòa
>> Đang xét xử đại án ‘bầu’ Kiên
>> Ngày mai mở xét xử lại vụ 'bầu' Kiên
>> Bầu' Kiên nói mình bị cùm chân trong trại giam
>> Đang xét xử vụ 'bầu' Kiên
Bình luận (0)