Xét xử phúc thẩm vụ án tại SAGRI

Công Nguyên
Công Nguyên
09/06/2022 06:26 GMT+7

TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án sai phạm tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) đối với bị cáo Lê Tấn Hùng, Trần Vĩnh Tuyến và 5 bị cáo đồng phạm.

Ngày 8.6, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án sai phạm tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) đối với bị cáo Lê Tấn Hùng (58 tuổi, cựu Tổng giám đốc SAGRI), Trần Vĩnh Tuyến (56 tuổi, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) và 5 bị cáo đồng phạm.

Ông Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận tội danh nhưng khẳng định không vụ lợi

Các bị cáo bị xét xử về hành vi phạm tội “tham ô tài sản”, “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Phiên tòa phúc thẩm dự kiến diễn ra từ ngày 8 - 10.6.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 8.6

Nhật Thịnh

Liên quan vụ án này, ngày 18.12.2021, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Lê Tấn Hùng 25 năm tù, Nguyễn Thị Thúy (cựu Kế toán trưởng SAGRI) 20 năm tù cùng về 2 tội “tham ô tài sản”, “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Tòa xác định bị cáo Lê Tấn Hùng là chủ mưu và xuyên suốt trong 2 nhóm tội phạm.

Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Vĩnh Tuyến 6 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Mai (nguyên Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI) 6 năm tù, bị cáo Đoàn Quang Hồi (nguyên Giám đốc Công ty TNHH TMDV lữ hành Hòa Bình Quốc tế) 8 năm tù cùng về tội “tham ô tài sản”; bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu giám đốc Sở Xây dựng) 6 năm tù, Hồ Văn Ngon (cựu Phó tổng giám đốc SAGRI) 5 năm tù cùng về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Các bị cáo còn lại trong vụ án không kháng cáo bị HĐXX tuyên phạt từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 8 năm tù.

Vụ án được xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của 7/19 bị cáo, và kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TP.HCM (VKS). Theo bản án sơ thẩm, 19 bị cáo trong vụ án đã sai phạm trong chuyển nhượng dự án hơn 36.676 m2 tại KP.4, P.Phước Long B, Q.9 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) giữa SAGRI và Tổng công ty Phong Phú, nhưng không thẩm định giá, đấu giá để xác định giá trị toàn bộ dự án, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường… gây thiệt hại cho nhà nước hơn 348,7 tỉ đồng (tại thời điểm các bị cáo phạm tội - PV).

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Tấn Hùng thừa nhận hành vi phạm tội được nêu ra tại phiên tòa sơ thẩm, nhưng tất cả việc làm của bị cáo đều xin ý kiến chủ trương của UBND TP.HCM và không có vụ lợi cá nhân. Vì thế, ông Hùng cho rằng bản thân không tham ô tài sản (như bản án tòa sơ thẩm). Sau khi nhận thức hành vi sai trái của mình gây thất thoát tài sản cho nhà nước, bị cáo đã khắc phục, nộp lại số tiền đó.

Tiếp đó, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến trình bày, phiên tòa sơ thẩm còn nhiều tình tiết chưa xác đáng nên đề nghị HĐXX xem xét lại. Bản thân bị cáo Tuyến không có vụ lợi trong vụ án mà tòa đang xét xử. Bị cáo Tuyến trình bày khi ký các quyết định là chưa nắm hết các quy định là có thiết sót. Trước khi ký các quyết định cũng đã yêu cầu các phòng ban liên quan thẩm định dự án rất kỹ. Một phần thiếu sót khi ký dự án là do bị cáo Tuyến nể nang bị cáo Hùng là em ruột của cựu lãnh đạo TP.HCM vừa mới về hưu. Bị cáo Tuyến cũng trình bày, việc ông ký các quyết định sai gây thất thoát tài sản nhà nước, ông sẽ chịu trách nhiệm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu giám đốc Sở Xây dựng) vẫn giữ nguyên kháng cáo kêu oan. Bị cáo Tuấn cho rằng mình không làm sai trong quá trình thực thi công vụ, tất cả các văn bản đều lấy ý kiến, trình cho UBND TP.HCM thông qua. Bị cáo Nguyễn Thị Thúy (cựu Kế toán trưởng SAGRI) trình bày quá trình điều tra, tòa sơ thẩm kết án đối với mình là đúng người, đúng tội. Bị cáo Thúy trình bày, ký các giấy tờ liên quan đều làm theo chỉ đạo bị cáo Hùng và có sự sắp xếp từ trên xuống, dù có kiến nghị nhưng lực bất tòng tâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.