Ngày 16.1, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo liên quan vụ tấn công khủng bố trụ sở 2 xã Ea Ktur và Ea Tiêu, H.Cư Kuin.
Ngày 16.1, xét xử vụ án khủng bố tấn công trụ sở xã tại Đắk Lắk
An ninh được bảo vệ nghiêm ngặt
Phiên tòa xét xử lưu động tại P.Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); dự kiến diễn ra trong 10 ngày.
Trong số 100 bị cáo, có 53 bị cáo bị xét xử về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; 39 bị cáo về tội khủng bố; 1 bị cáo về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; 1 bị cáo về tội che giấu tội phạm. Ngoài ra, có 6 bị cáo ở nước ngoài bị xét xử vắng mặt về tội khủng bố.
HĐXX có 5 người, gồm 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Nguyễn Duy Hữu làm chủ tọa phiên tòa. 4 kiểm sát viên của Viện KSND tỉnh Đắk Lắk được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
Phiên tòa có 19 luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia phiên tòa. Tòa còn triệu tập nhiều tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới phiên tòa.
Ngay từ sáng sớm, công tác an ninh được bảo vệ nghiêm ngặt tại nơi diễn ra phiên tòa.
Trong hôm nay, tòa sơ thẩm đã dành phần lớn thời gian để thực hiện phần thủ tục, kiểm tra lý lịch các bị cáo, sau đó Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đọc bản cáo trạng của vụ án.
Âm mưu tiến tới thành lập "Nhà nước Đê ga" tại Tây nguyên
Theo cáo trạng, từ năm 2015, Y Mut Mlô cầm đầu tổ chức "Nhóm hỗ trợ người Thượng" tại Mỹ (viết tắt là MSGI) thường xuyên liên lạc, móc nối, lôi kéo H Wuêñ Êban (Amí Sân) tham gia để tiến hành các hoạt động vũ trang, giết người, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong nhân dân, gây mất an ninh trật tự tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nếu thành công sẽ tiếp tục mở rộng sang địa bàn các tỉnh khác.
Xem nhanh 12h: Xét xử vụ án khủng bố tại Đắk Lắk
Đồng thời, Y Mut Mlô giới thiệu H Wuêñ Êban quen biết với các thành viên khác của "Nhóm hỗ trợ người Thượng" gồm: Y Čhik Niê (Phó chỉ huy), Y Niên Êya (thủ quỹ), Y Bút Êban (Y Bé Êban - Phụ trách tập hợp, thông báo khi họp); Y Chanh Byă (Y Čăñ Buôn Yă) và Y Sôl Niê là thành viên cốt cán.
Vào tháng 8.2018, sau khi Y Quynh Bdap vượt biên trái phép sang Thái Lan và thành lập tổ chức "Người thượng vì công lý" (MSFJ) nhằm tuyên truyền, kích động, lôi kéo người đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây nguyên tiến hành các hoạt động bạo động vũ trang, khủng bố.
Trong năm 2018, Y Quynh Bdăp cùng với H'Wuêñ Êban và nhiều người khác tụ tập tại nhà Y Krông Phôk để lôi kéo thành viên, chuẩn bị vũ khí, luyện tập võ thuật và rèn luyện sức khỏe để chuẩn bị cho các hoạt động bạo động, chống chính quyền. Y Quynh Bdăp phân công H'Wuêñ Êban đứng đầu lực lượng Đê ga trong nước, Y Krông Phôk là người cầm đầu ở nhóm huyện Lắk và Krông Ana (Đắk Lắk).
Đến năm 2019, H Wuêñ Êban đồng ý tham gia tổ chức MSGI với mục đích tìm kiếm sự hỗ trợ về vật chất từ nước ngoài để tiến hành các hoạt động chống chính quyền nhân dân, tiến tới thành lập "Nhà nước Đê ga" tại Tây nguyên.
Từ năm 2019 đến tháng 6.2023, H Wuêñ Êban trực tiếp tuyển mộ, lôi kéo, tập hợp người dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin trong các buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để thành lập nhóm vũ trang lấy tên gọi là "Lính Đê ga" ("Khan Đê ga"); vận động đóng góp tiền mua sắm vũ khí, tổ chức tập luyện võ thuật để chuẩn bị tiến hành hoạt động khủng bố, phá hoại.
Bên cạnh đó, H Wuêñ Êban cùng các nghi phạm cốt cán (Y Thô Ayŭn, Y Tim Niê…) còn dụ dỗ, đe dọa, cưỡng ép nhiều người khác tham gia nhóm "Lính Đê ga".
Đêm 10.6.2023, rạng sáng 11.6.2023, tại trụ sở xã Ea Ktur, các bị cáo đã thực hiện hành vi phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; sát hại 2 cán bộ Công an xã (Nguyễn Đăng Nhân và Hoàng Trung); làm 2 cán bộ công an xã bị thương nặng (Đàm Đình Bốp và Lê Kiên Cường).
Tại trụ sở xã Ea Tiêu, các bị can đã thực hiện hành vi phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; sát hại 2 cán bộ công an xã (Hà Tuấn Anh và Trần Quốc Thắng). Trên đường rút chạy, các bị can tiếp tục thực hiện hành vi phá hủy tài sản của người dân; uy hiếp 3 người dân làm con tin; giết chết 2 cán bộ (Nguyễn Văn Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Ea Ktur và Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu) và 3 người dân (Hoàng Minh Khánh, Lê Xuân Hoàng, Lê Minh Vương).
Kết quả điều tra, cơ quan chức năng xác định do thiếu hiểu biết, do những khó khăn về đời sống kinh tế và có vướng mắc trong cuộc sống cá nhân nên một số người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk bị các đối tượng phản động dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền, kích động, lôi kéo, dụ dỗ tham gia tổ chức hoạt động khủng bố...
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 16.1
Bình luận (0)