Sáng nay 16.12, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở lại phiên tòa hình sự, xét xử sơ thẩm vụ sập giàn giáo ở Formosa vào tối 25.3 làm 13 người chết, 29 người bị thương.
Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa - Ảnh: Phạm Đức |
Hiện trường vụ sập giàn giáo - Ảnh: Nguyên Dũng
|
Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa trong phiên xét xử sáng nay 16.12 - Ảnh: Phạm Đức
|
Các phóng viên theo dõi đưa tin về phiên tòa qua màn hình ti vi cỡ lớn - Ảnh: Phạm Đức
|
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ, lúc 19 giờ ngày 25.3, có 185 công nhân người Việt Nam thuộc quản lý của Công ty Nibelc Việt Nam (nhà thầu phụ, đơn vị cung cấp nhân lực cho Công ty Samsung C&T- nhà thầu chính) tiến hành giao ca, làm việc tại khu vực cầu cảng Sơn Dương, thuộc công trường Formosa Hà Tĩnh.
Tại ca làm việc này, ông Kim Jong Wook là Chỉ huy trưởng công trường sản xuất, lắp đặt thùng chìm trọng lực tại cảng Sơn Dương, còn ông Lee Jae Myeong là đốc công phụ trách giám sát những công nhân làm việc tại hệ thống ván khuôn trượt bằng sắt (còn gọi là giàn giáo) Lane 1 và Lane 2.
Lúc này, tại giàn giáo Lane 2 có 43 người, trong đó có Nguyễn Anh Tuấn là tổ trưởng tổ phụ trách hệ thống kích thủy lực (kích dùng để nâng, hạ giàn giáo) từ số 1 đến số 16; còn Nguyễn Thái Đức là công nhân phụ trách kích thủy lực từ số 17 đến số 31; Trần Anh Hoàn (28 tuổi, ngụ tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh; 1 trong 13 nạn nhân đã tử vong trong vụ sập giàn giáo) phụ trách bảng điều khiển hệ thống kích thủy lực của giàn giáo Lane 2.
Khoảng 19 giờ 30, khi công nhân đang làm việc thì giàn giáo Lane 2 phát ra tiếng động mạnh kèm theo rung lắc, gây mất an toàn khiến toàn bộ công nhân hoảng sợ, ngừng làm việc, bỏ chạy toán loạn.
Cùng lúc, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thái Đức phát hiện kích thủy lực số 22 và số 24 bị tụt xuống khoảng 5 - 6 cm so với bình thường và một số kích khác cũng tụt xuống nhưng không thông báo cho ông Wook, ông Myeong biết về sự cố nguy hiểm mà tự ý xử lý bằng cách nâng cho hai kích thủy lực số 22 và 24 lên cân bằng với các kích thủy lực khác rồi tiếp tục điều khiển các kích thủy lực khác cho giàn giáo Lane2 hạ xuống.
Khoảng 10 phút sau, lúc toàn bộ công nhân đã trở lại làm việc bình thường thì giàn giáo Lane 2 tiếp tục rung lắc lần thứ hai, kèm theo tiếng động phát ra ở thân giàn nên công nhân tiếp tục bỏ chạy khỏi khu vực giàn giáo Lane 2.
Lần này, qua kiểm tra, Tuấn, Đức phát hiện kích thủy lực số 15 và 16 bị tụt xuống khoảng 15 cm so bình thường nhưng vẫn không báo cho ông Wook, ông Myeong biết về sự cố mà tự ý nâng 2 kích này lên ngang bằng với các kích khác theo cách làm cũ.
Sau 2 lần giàn giáo Lane 2 bị rung lắc mạnh, ông Wook, ông Myeong mới lên giàn giáo kiểm tra nhưng không tìm hiểu kỹ nguyên nhân của sự cố nguy hiểm để có giải pháp cho công nhân ngừng làm việc, rời khỏi giàn giáo mất an toàn.
Ngược lại ông Myeong còn nói “Ok. Không sao. Không sao” bằng tiếng Việt (mục đích là thông báo cho toàn bộ công nhân là sự việc không có vấn đề gì, giàn giáo vẫn an toàn) và sau đó ông Wook, ông Myeong đã yêu cầu toàn bộ công nhân trở lại vị trí tiếp tục làm việc.
Đến 19 giờ 50 cùng ngày thì toàn bộ giàn giáo Lane 2 đổ sập, làm 13 người chết và 29 người bị thương.
Bình luận (0)