SEA Games thường được ví như “ao làng”, bởi những chuyện hành xử trắng trợn của trọng tài khi bênh người này, ép người kia vẫn cứ diễn ra.
Lố bịch ở Jakarta
|
Chuyện bi hài diễn ra tại sàn đấu pencak silat Padepokan (Jakarta) ở SEA Games 26 tại Indonesia khi các trọng tài quyết định trao HCV - được xem là lố bịch nhất - cho VĐV nước chủ nhà Dian Kristanto ở trận chung kết hạng cân 50 kg.
Do kém tài so với đối thủ người Thái Lan Anothai Choopeng, nên Dian Kristanto chơi chiêu “độc nhất vô nhị” khi anh cứ chạy vòng vòng quanh sàn đấu để né đòn. Đến khi Anothai Choopeng áp sát, thì Dian Kristanto dở trò… cắn vào vai đối phương. Càng về cuối trận, Anothai Choopeng càng tấn công dữ dội khiến mặt mày Dian Kristanto tái mét, đến mức võ sĩ người Indonesia có lúc phải núp sau lưng trọng tài chính. Thật nực cười là trọng tài người Singapore lại làm bình phong để Dian Kristanto né đòn. Kết thúc trận đấu, mọi người có mặt trong nhà thi đấu Padepokan há hốc mồm khi trọng tài công bố Dian Kristanto đoạt… HCV.
Bà Rattanaphorn Thupbumrung - Trưởng đoàn pencak silat của Thái Lan - đã nghẹn ngào thốt lên: “Lần đầu tiên trong đời tôi được xem một trận đấu kỳ dị và xấu hổ đến như vậy”. Đoạn clip về trận đấu này sau khi được tung lên YouTube ngay lập tức thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Có bình luận cho rằng: “Đây là tấm HCV lố bịch nhất các kỳ SEA Games”.
Ở môn pencak silat còn xảy ra chuyện khi Trưởng đoàn pencak silat Nguyễn Ngọc Anh phản đối trọng tài bắt ép, ngay lập tức ông bị CĐV Indonesia tấn công với cú bay thẳng cả hai chân vào người.
Thắng điểm, nhưng vẫn thua
Trong sự nghiệp thi đấu của mình, có lẽ VĐV aerobic Vũ Bá Đông không bao giờ quên nỗi uất ức ở SEA Games 26 tại Indonesia. Trong bài thi của mình, Bá Đông được 20,250 điểm, đây là số điểm cao nhất trong tất cả các VĐV. Đúng như điều lệ của môn aerobic ở SEA Games, Bá Đông nghiễm nhiên đoạt HCV. Thế nhưng mọi việc không đơn giản như vậy. Kết quả này bị tổ trọng tài “ém” đi đến khi họ bất ngờ công bố trao HCV cho VĐV Thái Lan Phairach Thottchancha, dù VĐV này trước đó chỉ được 19,8 điểm. Lý do được đưa ra là vì trọng tài cộng thiếu điểm cho VĐV người Thái (!).
Quyết định của trọng tài khiến HLV Vũ Thị Tuyết Oanh giận dữ nói trong nước mắt: “Nếu họ muốn cướp huy chương của đoàn thể thao VN thì phải làm cho khéo, đằng này họ bất chấp tất cả để hành xử một cách trắng trợn như vậy”. Khi nhóm phóng viên VN tìm hiểu sự việc thì mới biết đây là tấm HCV mà phía Indonesia phải trả lại cho Thái Lan, do đã xử ép Thái Lan trong trận chung kết pencak silat hạng cân 50 kg.
Chuyển thắng thành thua cũng là trường hợp của đô vật Lương Thị Quyên. Cô đã ngồi khóc nức nở ngay trên sàn khi bị tước chiếc HCV trong trận chung kết với VĐV Indonesia Ridha Wahdaniyaty. Ở hiệp đấu thứ 2, Quyên đã hạ Ridha Wahdaniyaty bằng đòn đè rất đẹp mắt. Thế nhưng trọng tài đứng sát đó xua tay không cho điểm khiến mọi người đều ngỡ ngàng. Bị ức chế, Quyên như bật dậy để phản ứng thì mất lợi thế đòn đè. Sau đó do thi đấu trong tâm trạng ấm ức, cô gái từng 3 lần liên tiếp đoạt HCV SEA Games 2003, 2005, 2007 đã bị xử thua. Không kiềm được sự tức giận, các HLV Nguyễn Thế Long và Đới Đăng Hỷ lao vào tranh cãi với trọng tài, nhưng họ đều phớt lờ. Thậm chí ông Long còn nhắc đến sự cố bị xử thua của Lê Duy Hợi năm 2007 tại SEA Games 24 ở Thái Lan để nói rằng trọng tài không có quyền “đổi trắng thay đen” một cách ngang ngược như vậy. Tuy nhiên mặc cho phía VN phản ứng rầm trời, BTC chủ nhà cũng xem như không có gì vì họ đã “nhắm mắt phân chia huy chương” rồi.
Một chuyện hy hữu nữa ở SEA Games 26 khi một trọng tài karatedo người Malaysia bị các thành viên đội tuyển karatedo Malaysia chống đối kịch liệt, vì ông nằm trong ban trọng tài nhưng không chịu “đấu tranh” để cho VĐV Malaysia bị xử ép. Báo chí khi đó còn đưa tin đội karatedo Malaysia tố cáo trọng tài này là phản quốc khi ông đã “im lặng khi để võ sĩ Malaysia bị hạ nhục” làm xấu quốc thể. HLV trưởng karatedo Malaysia P.Arivalagan kết tội trọng tài người Malaysia chỉ biết đến SEA Games để “kiếm danh và kiếm tiền” cho bản thân mà chẳng có chút cảm xúc nào đối với màu cờ sắc áo của đất nước. Việc lên án này càng thêm minh chứng cho thấy, công tác trọng tài ở SEA Games luôn tồn tại nhiều trái khoáy, bất cập cũng như chưa bao giờ tạo nên sự khách quan và công bằng.
Quang Huy
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 9: Không thay trọng tài, không đấu !
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 8: Cơn ác mộng của Riedl
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 7: Pha 'rùng mình' của bóng đá nữ
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 6: Ăn xong là... đau bụng
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 5: Ép được cứ ép
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 4: Trọng tài đổi trắng thay đen
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 3: Tắc trách của VFF
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 2: Cay cú là... đấm
>> Xì căng đan SEA Games: Chuyện 'bắt cóc' ở Philippines
Bình luận (0)