Xi măng công nghệ nano lần đầu xuất hiện tại Việt Nam

Mai Phương
Mai Phương
26/04/2019 15:39 GMT+7

Sáng 26.4 tại Quảng Bình, Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan chính thức ra mắt dòng xi măng chất lượng quốc tế với tên gọi SCG Super Xi măng.

Đây là sản phẩm xi măng duy nhất trên thị trường áp dụng công nghệ SCG Nano - công nghệ độc quyền của tập đoàn SCG. Công nghệ này phát triển các phân tử xi măng ở mức độ nano nhằm tạo ra khả năng liên kết cực kỳ chặt chẽ, từ đó giảm thiểu số lượng lỗ rỗng tạo nên trong quá trình trộn bê tông. Cải tiến này sẽ giúp giảm thiểu các vết nứt và rò rỉ trong các công trình xây dựng, đặc biệt dưới tác động của điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Ông Nopporn Keeratibunharn - Tổng giám đốc công ty SCG Xi măng - Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết: “Nhằm ứng phó với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa và những biến động thời tiết thất thường, các gia chủ tại Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp để xây dựng những ngôi nhà chắc chắn, bền vững cho gia đình và các thế hệ mai sau. Sản phẩm SCG Super Xi măng với công nghệ nano có các đặc điểm nổi bật như khả năng kháng lực vượt trội, độ bền cao và tính đa dụng, đáp ứng cho nhu cầu xây dựng nền móng và kết cấu...”.
Sản phẩm mới được định vị là cao cấp thay vì chỉ cung cấp xi măng Sông Gianh vốn nằm ở phân khúc trung bình trước nay. Giá bán của xi măng SCG Nano sẽ cao hơn từ 3-5% so với giá xi măng Sông Gianh. Từ đó cũng kỳ vọng biên lợi nhuận sẽ cao hơn.
Sản phẩm mới được sản xuất ở nhà máy xi măng của SCG tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Đây là nhà máy xi măng Sông Gianh của Việt Nam đã được Tập đoàn SCG mua lại 100% vào đầu năm 2017 với giá khoảng 156 triệu USD. Nhà máy có công suất 1,4 triệu tấn xi măng/năm nhưng có khả năng sản xuất lên hơn 3 triệu tấn xi măng/năm. Xi măng của SCG hiện chiếm khoảng 14 - 16% thị phần khu vực miền Trung. 
Năm 2018, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ 65 triệu tấn xi măng, tăng 8% so với năm 2017. Theo dự báo của SCG, năm nay lượng tiêu thụ sẽ tăng lên mức 69 - 70 triệu tấn, tăng 6-7%. Trong đó, khu vực miền Trung năm 2108 tiêu thụ 13 triệu tấn và dự kiến năm nay tăng lên 14,2 - 14,5 triệu tấn, chiếm hơn 10% tổng tiêu thụ của cả nước. Ngoài nhà máy Sông Gianh, SCG còn có một số nhà máy ở Đà Nẵng, Phú Yên và các đơn vị gia công khác. Như vậy nguồn cung ra thị trường miền Trung của SCG có thể đạt đến 4-5 triệu tấn xi măng/năm. Tập đoàn Thái Lan này cũng có kế hoạch sẽ tham gia vào thị trường xi măng phía nam do tiềm năng của thị trường còn lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.