Theo Reuters dẫn nội dung phán quyết vào ngày 9.8, Tòa dân sự tối cao Delhi tuyên bố một số điều khoản của Luật ngăn ngừa nạn ăn xin Bombay, được thông qua vào năm 1959, là vi hiến.
“Những người phải ăn xin ngoài đường phố không phải vì họ muốn thế, mà bởi vì họ cần phải làm như vậy. Xin ăn là cách cuối cùng để họ có thể tìm được miếng ăn”, theo quyền Chánh tòa Gita Mittal và thẩm phán Justice Hari Shankar trình bày trong phán quyết dài 23 trang.
“Việc tội phạm hóa ăn xin là cách tiếp cận sai lầm khi xử lý các lý do sâu xa của vấn đề, và vi phạm quyền lợi cơ bản nhất của những nhóm người dễ bị tổn thương”, theo phán quyết.
Ấn Độ không có luật liên bang về nạn ăn xin, nhưng khoảng 20 bang đã áp dụng Luật Bombay tại địa phương, theo đó người vi phạm có thể đối mặt với nguy cơ bị giam cầm từ 3-10 năm trong các trại nhốt người ăn xin.
Delhi hiện có 46.724 người vô gia cư, cao nhất trên toàn quốc, theo thống kê năm 2011. Các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người nghèo cho rằng con số trên thực tế phải cao gấp 3 lần.
Vì không có đủ nơi qua đêm, hàng ngàn người buộc phải ngủ trên đường phố, dưới các mái hiên, khiến họ dễ bị cảnh sát xử lý theo luật trên.
Bình luận (0)